Nhóm ưu tiên là nhân viên y tế, buổi tiêm phòng được truyền hình trực tiếp trên đài NBT quốc gia. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cùng 4 bộ trưởng khác cũng tham gia tiêm chủng.
"Sự kiện hôm nay nhằm đảm bảo với công chúng về độ an toàn của vaccine mà chính phủ triển khai. Tiêm phòng toàn quốc là bước quan trọng cần thực hiện để đẩy lùi Covid-19", Thủ tướng Prayuth Chan-ocha phát biểu.
Opas Kankawinpong, Tổng giám đốc Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan, cho biết ông Prayuth đã không chủng ngừa như kế hoạch trước đó, bởi vaccine Sinovac không phù hợp với người trên 60 tuổi.
Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đặt mục tiêu tiêm chủng bao phủ 50% dân số vào cuối năm nay, khi chính phủ cố gắng mở cửa lại biên giới. Vaccine được triển khai trước tiên ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có Samut Sakhon, nơi có cụm dịch bùng phát từ chợ tôm hồi tháng 12 năm ngoái. Đây là khởi nguồn cho làn sóng lây nhiễm thứ hai của đất nước.
Thái Lan đặt hàng tổng cộng 2 triệu liều vaccine. Lô đầu tiên gồm 200.000 liều có mặt tại sân bay Bangkok hôm 22/2, do nội các nước này và đại sứ Trung Quốc tiếp nhận. Chính phủ cũng phê duyệt vaccine AstraZeneca và đặt trước 61 triệu liều. Hôm qua, công ty cho biết các lô hàng đã đến Thái Lan ngày 24/2, song cần hoàn thành quy trình đảm bảo chất lượng.
Nước này đang theo đuổi kế hoạch trở thành trung tâm sản xuất và phân phối vaccine AstraZeneca ở Đông Nam Á. Thỏa thuận chuyển giao công nghệ được Siam Bioscience ký kết với đối tác từ Anh vào năm ngoái. Mục tiêu là sản xuất 200 triệu liều vaccine ở Thái Lan mỗi năm.
Nakorn Premsri, Giám đốc Viện Vaccine Quốc gia, cho biết Bangkok đã quyết định không tham gia chương trình phân phối công bằng toàn cầu Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây là nước ASEAN duy nhất có động thái này. Phần còn lại của khối, bao gồm Myanmar, Lào, Việt Nam, Campuchia và Philippines dự kiến nhận hơn 32 triệu liều vaccine từ Covax vào cuối năm nay.
Thục Linh (Theo SCMP)