"Chúng tôi sẽ không chuyển những hệ thống pháo phản lực (rocket) có thể vươn tới lãnh thổ Nga", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng hôm nay.
Ông Biden dường như không loại trừ khả năng cung cấp pháo phản lực cho Ukraine, nhưng sẽ đặt điều kiện vận hành nếu chúng được chuyển giao. Chính quyển Mỹ đang chuẩn bị gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine và dự kiến công bố trong vài ngày tới.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev sau đó cho rằng đây là quyết định "hợp lý".
Các phát biểu được đưa ra sau khi truyền thông Mỹ cuối tuần trước cho biết chính quyền Biden đang xem xét khả năng đưa hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 và M142 HIMARS vào các gói viện trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine.
Pháo phản lực luôn nằm hàng đầu trong danh sách vũ khí mà Ukraine đề nghị phương Tây viện trợ. Giới lãnh đạo Ukraine đã trực tiếp đề xuất vấn đề này với các quan chức Mỹ trong nhiều cuộc gặp. "Ukraine phải nhận được các vũ khí hạng nặng, đặc biệt là pháo phản lực M142 HIMARS và M270, để đánh bại đối phương", Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố hôm 8/5.
Pháo phản lực phóng loạt M270 được đưa vào biên chế lục quân Mỹ năm 1983, hiện được hơn 10 quốc gia sử dụng. Mỗi xe phóng mang được 12 quả đạn với tầm bắn 30-65 km, trong khi các biến thể mới nhất có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách trên 160 km.
Phiên bản thu nhỏ M142 HIMARS được phát triển từ tổ hợp M270, với mỗi hệ thống mang được 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 70 km hoặc một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu cách 300 km.
Sở hữu các hệ thống M270 và HIMARS sẽ mang đến những lợi ích rõ ràng cho quân đội Ukraine. Đây là các vũ khí hiện đại, bổ sung đáng kể năng lực tác chiến cho quân đội Ukraine trong bối cảnh lực lượng này chỉ vận hành các loại pháo phản lực từ thời Liên Xô.
Pháo phản lực tầm xa giúp Ukraine sở hữu khả năng tập kích sâu vào đội hình tác chiến của Nga, khiến đối phương không thể cơ động và tập trung hỏa lực quy mô lớn để chọc thủng phòng tuyến.
Dù vậy, giới chuyên gia cũng chỉ ra nhiều hạn chế cản trở khả năng Washington chuyển giao các hệ thống pháo phản lực này cho Kiev, cũng như giới hạn hiệu quả chiến đấu của chúng.
Nhà Trắng không sẵn sàng cung cấp pháo phản lực tầm xa cho Ukraine vì lo ngại chúng được dùng để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga và gia tăng quy mô xung đột hiện nay. Đạn rocket dẫn đường và tên lửa ATACMS không phù hợp để phóng theo loạt lớn nhằm vào mục tiêu phân bố trên khu vực rộng, như các đơn vị bộ binh được Nga triển khai ở vùng Donbass ở miền đông Ukraine.
Đạn tăng tầm M26 không dẫn đường của hai hệ thống này chỉ có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách tối đa 45 km. Trong khi đó, cả Nga và Ukraine đều đang sử dụng pháo phản lực hạng nặng BM-27 với tầm bắn 35 km và BM-30 có khả năng uy hiếp mục tiêu từ khoảng cách 70 km.
Vũ Anh (Theo Reuters)