Từ tuần trước, người dân Papua New Guinea đã sẵn sàng mở tiệc để chào đón một vị khách đặc biệt: Tổng thống Mỹ Joe Biden. Chính phủ quốc đảo Thái Bình Dương thậm chí còn tuyên bố ngày 22/5, thời điểm ông Biden đến thăm theo lịch trình, là ngày nghỉ lễ. Song thượng khách mà họ rất mong chờ đã không đến.
Theo lịch trình ban đầu, ông Biden sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Papua New Guinea khi tới đảo quốc này sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản. Nhưng cuối cùng, ông đã phải rút ngắn lịch trình công du châu Á, hủy kế hoạch thăm Papua New Guinea và Australia để nhanh chóng trở về Mỹ giải quyết cuộc khủng hoảng trần nợ.
Thay vào đó, Papua New Guinea (PNG) chào đón Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken. Ông Blinken sau đó cùng Win Bakri Daki, Bộ trưởng Quốc phòng Papua New Guinea, ký thỏa thuận quốc phòng quan trọng, cho phép lực lượng quân sự Mỹ tiếp cận một số sân bay và cảng biển ở quốc đảo.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Papua New Guinea Win Bakri Daki ký thỏa thuận quốc phòng ngày 22/5. Ảnh: AFP
"Chúng tôi rất mong muốn đưa quan hệ đối tác của hai nước lên một tầm cao mới", Ngoại trưởng Blinken phát biểu tại lễ ký thỏa thuận. Tuy nhiên, đây không phải khoảnh khắc lịch sử mà Papua New Guinea chờ mong sau 6 tháng chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Biden.
"Đối với một số lãnh đạo các quốc đảo ở Thái Bình Dương, đây là nỗi thất vọng lớn, bởi họ đã cố gắng thu xếp lịch trình để tới Papua New Guinea gặp Tổng thống Biden", Mark Brown, Thủ tướng của Quần đảo Cook kiêm lãnh đạo Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, nói.
Giới quan sát cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để Mỹ làm thất vọng các lãnh đạo trong khu vực có vị trí chiến lược và giàu tài nguyên này. Washington và Bắc Kinh đang quyết liệt cạnh tranh ảnh hưởng tại Thái Bình Dương. Mỹ đã nhiều năm không chú ý tới khu vực này và đang phải cố bắt kịp với đà mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.
15 quốc gia tại đây quản lý khoảng 20% đại dương thế giới. Ở đây có những tuyến hàng hải quan trọng từng được phe Đồng minh sử dụng để vận chuyển hàng tiếp tế đến Australia và New Zealand trong Thế chiến II.
Lợi ích của phương Tây ở Thái Bình Dương suy giảm sau Thế chiến II, trong khi đầu tư của Trung Quốc vào khu vực tăng lên. Trung Quốc đã tăng cường quan hệ với một số đảo quốc trong thập kỷ qua, gửi hàng viện trợ và đầu tư vào trường học, cầu đường. Khi Ngoại trưởng Blinken tới Port Moresby, ông đã đi trên cao tốc 6 làn xe được Trung Quốc xây dựng.

Vị trí Papua New Guinea (màu cam). Đồ họa: Britannica
Năm ngoái, đảo quốc Solomon đã ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh có thể xây căn cứ quân sự đầu tiên trong khu vực và mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội nước này ở Thái Bình Dương.
"Nhiều quốc gia của chúng tôi ở Thái Bình Dương đã thiết lập quan hệ ngoại giao tốt với Trung Quốc", Thủ tướng Brown nói. "Trung Quốc đã lấp khoảng trống trong lĩnh vực phát triển, giúp các nước Thái Bình Dương đạt được ưu tiên phát triển của họ".
Ông thêm rằng phương Tây giờ đây mới thể hiện mối quan tâm ngày càng tăng tới nhu cầu phát triển của khu vực Thái Bình Dương. "Chúng tôi hoan nghênh thông báo của Ngoại trưởng Blinken rằng ông muốn Mỹ được xem là đối tác phát triển mà các nước Thái Bình Dương lựa chọn", ông nói.
Song giới phân tích cho rằng Washington có thể phải làm nhiều hơn nữa để thuyết phục các đảo quốc Thái Bình Dương rằng họ nghiêm túc về lời đề nghị trở thành đối tác.
Năm ngoái, quyền Thủ tướng Fiji nói với Ngoại trưởng Mỹ rằng các đảo quốc cảm thấy họ không được các lãnh đạo phương Tây coi trọng, khi họ chỉ "nhắc tới chúng tôi, thay vì nói chuyện với chúng tôi" trong các cuộc họp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không như vậy. Ông đã đến thăm Papua New Guinea năm 2018 và đến Fiji bốn năm trước đó.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay thủ tướng Papua New Guinea khi đó là Peter O’Neill trong cuộc gặp ở Port Moresby năm 2018. Ảnh: Reuters
Washington đã trở nên cảnh giác trước hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và đầu năm nay, Mỹ mở lại đại sứ quán ở Quần đảo Solomon, nơi đã bị đóng cửa 30 năm qua. Australia cũng đã cử bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao tới thăm một số quốc đảo nhằm thúc đẩy quan hệ với khu vực.
Dù các lãnh đạo đảo quốc Thái Bình Dương bày tỏ hoan nghênh động thái này, họ cũng có những ưu tiên riêng.
"Chúng tôi không muốn khu vực trở thành nơi đối đầu giữa các đối tác, thay vào đó chúng tôi muốn tìm kiếm những kế hoạch hợp tác để có được sự hỗ trợ tốt nhất cho chương trình nghị sự phát triển và khí hậu của chúng tôi", ông Brown nói.
Thủ tướng của Quần đảo Cook thêm rằng điều quan trọng là "Trung Quốc và Mỹ phải làm việc với chúng tôi, chứ không phải làm việc với nhau".
Thay vì bị mắc kẹt giữa cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường, các đảo quốc ở đây có thể hưởng lợi từ sự quan tâm ngày càng tăng của Mỹ và Trung Quốc.
"Các chính phủ Thái Bình Dương đang tận hưởng lợi thế của họ. Làm bạn với tất cả và không gây thù với ai là phương châm đối ngoại của hầu hết quốc gia Thái Bình Dương", Gordon Peake, cố vấn cấp cao về các đảo quốc Thái Bình Dương tại Viện Hòa bình Mỹ, nói.

Tổng thống Biden phát biểu tại cuộc họp báo bên lề hội nghị G7 ở Hiroshima, Nhật Bản ngày 21/5. Ảnh: AFP
Chìa khóa cho các đảo quốc Thái Bình Dương sẽ là khiến Mỹ và Trung Quốc quan tâm tới các ưu tiên của họ, theo giới quan sát.
Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown đã dự hội nghị G7 mở rộng tại Nhật Bản cuối tuần qua với tư cách khách mời. Tại hội nghị thượng đỉnh G7, lãnh đạo nhóm nước giàu nhất thế giới đã ra tuyên bố chung với lời lẽ quyết liệt nhắm vào những gì họ mô tả là mối đe dọa quân sự và kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh. Song có rất ít thông tin cho thấy nhóm G7 sẽ chú trọng giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu thế giới.
Các quần đảo Thái Bình Dương đặc biệt dễ tổn thương trước nguy cơ nước biển dâng và bão, trong khi đại dương gắn liền cuộc sống, sinh kế và văn hóa của họ.
"Tôi nghĩ biến đổi khí hậu không phải là điều từ trên trời rơi xuống, mà là thứ chúng ta phải chung sống từ năm này qua năm khác, mùa này qua mùa khác. Ảnh hưởng của nó đối với đất nước chúng tôi có thể thấy qua thiên tai ngày càng tăng như bão lũ hay hạn hán. Thông điệp của chúng tôi là hãy lắng nghe tiếng nói của Thái Bình Dương", Thủ tướng Brown nói.
Khi cạnh tranh siêu cường tăng nhiệt, những quốc gia từng bị lãng quên ở Thái Bình Dương này đang được lắng nghe nhiều hơn trên các sự kiện quốc tế, và họ dường như đang quyết tâm tận dụng tối đa điều đó, ngay cả khi không có được khoảnh khắc lịch sử với Tổng thống Biden tại Papua New Guinea, theo bình luận viên Laura Bicker của BBC.
Thanh Tâm (Theo BBC)