"Hai oanh tạc cơ B-1B Lancer cất cánh từ căn cứ không quân Andersen để thực hiện nhiệm vụ chiến thuật tầm xa trên Biển Đông ngày 21/7", Bộ chỉ huy Không quân Thái Bình Dương của Mỹ (PACAF) cho biết trong thông cáo hôm qua.
Các oanh tạc cơ B-1B thuộc phi đoàn ném bom viễn chinh 37 này sau đó hội quân với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tiến hành cuộc diễn tập trên Biển Philippines.
"Các oanh tạc cơ B-1B cùng phi hành đoàn thể hiện cam kết của Mỹ với an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời phô diễn khả năng triển khai nhanh chóng đến địa điểm hoạt động ở tiền tuyến và duy trì hoạt động bất cứ khi nào được yêu cầu", thông cáo của PACAF cho biết.
Máy bay KC-135 của phi đoàn tiếp liệu viễn chinh 506 tham gia hỗ trợ hai oanh tạc cơ B-1B trong nhiệm vụ kéo dài 14 tiếng liên tục trong khu vực quanh Biển Đông.
Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ thường triển khai các Biệt đội Oanh tạc cơ trên toàn cầu nhằm khẳng định cam kết về phòng thủ tập thể và phối hợp hoạt động với các bộ chỉ huy của từng khu vực.
Mỹ triển khai oanh tạc cơ B-1 từ căn cứ không quân Ellsworth, bang Nam Dakota của Mỹ tới căn cứ Andersen trên đảo Guam ngày 17/7 để làm nhiệm vụ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trước khi tới Guam, những chiếc B-1 tham gia huấn luyện đánh chặn với tiêm kích F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (JASDF).
Hai oanh tạc cơ B-1B bay qua Biển Đông trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường các hoạt động quân sự và ngoại giao nhằm tăng sức ép đối với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng chiến hạm của hải quân Australia và Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản (JMSDF) diễn tập trên Biển Philippines hôm 19-21/7 nhằm thể hiện cam kết của ba nước với "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Trung Quốc gần đây triển khai nhiều hoạt động quyết liệt sau Covid-19 nhằm gây áp lực cho các quốc gia, vùng lãnh thổ xung quanh. Bắc Kinh nhiều lần điều máy bay quân sự áp sát đảo Đài Loan, đụng độ với Ấn Độ tại khu vực biên giới, điều tàu hải cảnh áp sát đảo tranh chấp với Nhật Bản, và thông qua luật an ninh quốc gia bị cho là hạn chế quyền tự trị của đặc khu hành chính Hong Kong.
Tại Biển Đông, Trung Quốc triển khai loạt hoạt động gây hấn như điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rồi bám theo tàu khoan của Malaysia, cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của Việt Nam, tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Mỹ nhiều lần chỉ trích các động thái của Trung Quốc trong khu vực như bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng sân bay quân sự và triển khai khí tài tại đó. Mỹ lo ngại các tiền đồn Trung Quốc lập có thể tham gia hạn chế hoạt động tự do đi lại trên tuyến đường biển nơi khoảng 3.000 tỷ USD hàng hóa đi qua mỗi năm. Hải quân Mỹ thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập và tuần tra tự do hàng hải tại khu vực này.
Nguyễn Tiến (Theo PACAF)