"Một lữ đoàn không quân hải quân trang bị cường kích JH-7 thuộc Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam, đóng quân tại đảo Hải Nam, đã diễn tập bắn đạn thật nhằm vào mục tiêu trên biển hôm 15-16/7", đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR) hôm qua thông báo, nhưng không cho biết vị trí diễn tập cụ thể trên Biển Đông.
Giới phân tích Trung Quốc cho rằng cuộc diễn tập chống hạm bằng máy bay này là động thái đáp trả các đợt diễn tập hiệp đồng của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan trên Biển Đông hồi đầu tháng.
Hai nhóm tàu sân bay Mỹ hôm 4/7 tiến hành đợt diễn tập chung đầu tiên sau nhiều năm trên Biển Đông, cùng thời điểm hải quân Trung Quốc tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hải quân Mỹ ngày 17/7 cho biết 12.000 binh sĩ thuộc hai nhóm tàu sân bay đã tiến hành đợt diễn tập thứ hai trên Biển Đông trong tháng, tập trung vào phòng không chiến thuật để bảo đảm năng lực chiến đấu và khả năng ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc phô diễn sức mạnh tại Biển Đông vượt xa ranh giới truyền thống. Trung Quốc nêu yêu sách phi lý với phần lớn diện tích khu vực Biển Đông, triển khai tên lửa cùng thiết bị gây nhiễu trên các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép, gây khó khăn cho hoạt động của Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực.
Ảnh vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) chụp đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ngày 15/7 cho thấy Trung Quốc triển khai trái phép ít nhất 4 tiêm kích tại đây. Các tiêm kích này có thể là Shenyang J-11, được sản xuất dựa trên mẫu Su-27SK do Liên Xô thiết kế.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7 đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, trong đó bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington khẳng định Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý nào cho yêu sách "Đường chín đoạn", cho rằng thế giới quan kiểu ức hiếp của Trung Quốc sẽ không có chỗ trong thế kỷ 21.
Vũ Anh (Theo Global Times)