Hai đơn vị đặc biệt của Mỹ sẽ được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào đầu năm 2021, trong đó một đơn vị sẽ đóng quân ở khu vực gần Biển Đông. Các đơn vị này có nhiệm vụ tiến hành tác chiến điện tử và tác chiến mạng nhằm giúp tên lửa lấy mục tiêu chính xác, Nikkei ngày 17/7 dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết.
Một cựu sĩ quan hải quân Mỹ cho hay việc làm gián đoạn liên lạc quân sự của Trung Quốc bằng biện pháp "đánh lừa" sẽ là "phản ứng hiệu quả với tình trạng khẩn cấp" tại Biển Đông.
Thông tin này được công bố sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố bác hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời khẳng định sát cánh cùng cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ tự do hàng hải, tôn trọng chủ quyền và phản đối mọi động thái sử dụng sức mạnh ở Biển Đông và khu vực.
Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền phi lý với Biển Đông và đưa ra cái gọi là "đường 9 đoạn" bao trùm phần lớn diện tích khu vực. Trung Quốc nhiều năm qua còn bồi đắp trái phép đảo nhân tạo, xây dựng các công trình và triển khai phi pháp khí tài đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc còn triển khai tên lửa bờ biển có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên Biển Đông. Để đối phó với điều này, Mỹ tìm cách ngăn Trung Quốc theo dõi các lực lượng của mình trong trường hợp nổ ra xung đột tại khu vực.
Chiến lược quốc phòng Trung Quốc được xây dựng trên khái niệm chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), kết hợp tên lửa và cảm biến để ngăn đối phương tự do di chuyển nhằm tiếp cận nước này.
"Mỹ và bạn bè phải hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực khác nhau để đánh bại các hệ thống vũ khí này", cựu quan chức hải quân Mỹ cho biết. "Một giải pháp là sử dụng công nghệ có thể đánh lừa đầu dò tên lửa, khiến chúng nghĩ rằng mình đang lao đến tàu sân bay, song thực tế là lệch một km hoặc hơn".
Trong trường hợp không thể tiếp cận được Biển Đông, quân đội Mỹ có thể đáp trả bằng các cuộc tấn công tên lửa tầm xa.
Cựu phó tham mưu trưởng lục quân Mỹ Jack Keane nói nước này tin chiến lược A2/AD mang lại cho Trung Quốc lợi thế lớn. "Do đó Mỹ phải chắc chắn có khả năng răn đe hiệu quả và tên lửa tầm xa là một phần trong chiến lược của Mỹ", tướng Keane nói.
Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga năm 2019 và đã phát triển các tên lửa vốn bị cấm theo hiệp ước này. Mỹ sẽ bắt đầu đàm phán với các nước châu Á về nơi triển khai những tên lửa nói trên.
Giới chuyên gia cho rằng khi Trung Quốc kiểm soát chặt Biển Đông hơn, khu vực này có thể thành nơi trú ẩn an toàn cho các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đủ tầm bắn tới Mỹ.
Trung Quốc gần đây triển khai nhiều hoạt động quyết liệt sau Covid-19 nhằm gây áp lực cho các quốc gia, vùng lãnh thổ xung quanh. Trung Quốc nhiều lần điều máy bay quân sự áp sát đảo Đài Loan, đụng độ với Ấn Độ tại khu vực biên giới, điều tàu hải cảnh áp sát đảo tranh chấp với Nhật Bản, và thông qua luật an ninh quốc gia bị cho là hạn chế quyền tự trị của đặc khu hành chính Hong Kong.
Tại Biển Đông, Trung Quốc triển khai loạt hoạt động gây hấn như điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rồi bám theo tàu khoan của Malaysia, cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của Việt Nam, tập trận và triển khai tiêm kích trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Nguyễn Tiến (Theo Nikkei)