Nghiên cứu công bố hôm 14/6, do Viện Chính sách Năng lượng của Đại học Chicago (EPIC) thực hiện.
Công trình chỉ ra rằng khói bụi và ô nhiễm khiến người dân Nam Á giảm 5 năm tuổi thọ. Trong đó, Ấn Độ chiếm khoảng 44% mức gia tăng ô nhiễm không khí trên toàn thế giới kể từ năm 2013.
Người dân Trung Quốc có thể sống lâu hơn trung bình 2,6 năm nếu đạt được tiêu chuẩn về PM2.5 (bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2.5 micron, gây hại cho cơ thể) mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Tuổi thọ người dân nước này đã tăng khoảng hai năm kể từ 2013, khi Trung Quốc bắt đầu "cuộc chiến chống ô nhiễm" nhằm cắt giảm khoảng 40% PM2.5.
Trước đó, WHO cũng cho biết nếu mức PM2.5 toàn cầu giảm xuống còn 5 µg/m³, tuổi thọ trung bình sẽ tăng thêm 2,2 năm.
Nghiên cứu mới cảnh báo sự nguy hiểm của ô nhiễm không khí tồi tệ hơn nhiều so với HIV/AIDS. Các nhà khoa học cho rằng đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, song chưa nhận được nguồn kinh phí thích hợp để giải quyết.
Christa Hasenkopf, Giám đốc bộ phận Chỉ số Chất lượng Cuộc sống của EPIC, cho biết: "Giờ đây, chúng ta đã hiểu biết rõ hơn về tác động của ô nhiễm môi trường. Các chính phủ nên ưu tiên xử lý nó như một vấn đề cấp bách".
Phân tích của EPIC dựa trên nghiên cứu trước đây, cho thấy việc tiếp xúc liên tục với 10 µg/m³ PM2.5 sẽ làm giảm khoảng một năm tuổi thọ.
Theo cuộc khảo sát về dữ liệu ô nhiễm môi trường công bố vào đầu năm nay, không quốc gia nào đạt được tiêu chuẩn 5 µg/m³ của WHO vào năm 2021.
Nhìn chung, các nhà khoa học cho biết hơn 97% dân số toàn cầu đang sinh sống ở các khu vực có ô nhiễm không khí vượt quá mức khuyến nghị.
Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng vùng tai mũi họng mà còn tác động lên các cơ quan cơ thể như phổi và hệ thống mạch máu. Theo đó, tiếp xúc lâu dài với bụi mịn gây viêm phế quản mạn tính, giảm chức năng phổi, tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim, thúc đẩy bệnh xơ gan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan, bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến hệ thần kinh...
Thục Linh (Theo Reuters)