Nếu bạn hỏi tôi rằng, ở Mỹ chạy xe vượt đèn đỏ bị phạt bao nhiêu thì tôi biết. Còn tội leo xe lên lề, đi đường ngược chiều phạt bao nhiêu thì tôi không biết.
Khi nói về hành pháp, có một nguyên tắc bất di bất dịch, từ thời cổ tới nay: đó là luật pháp phải có tác dụng răn đe.
Chẳng những vậy tôi cũng chưa từng nghe bất kỳ ai bị phạt hai lỗi này ở Mỹ, dù là người đi xe máy đi chăng nữa. Rồi tôi đi tra Google, cũng không thấy những hình phạt này được liệt kê.
Nguyên nhân là ở Mỹ, khi tắc đường, các xe hai bánh cũng dừng lại trên lòng đường, không có ai leo lên lề, và cũng không có ai nghĩ ra cái chuyện leo lên lề.
Cho nên khi những mức phạt nặng hơn được đưa ra cho các lỗi giao thông ở Việt Nam, tôi thấy không có gì đáng ngạc nhiên. Những mức phạt này là cần thiết để đưa người đi đường vào khuôn phép.
Chuyện các nước khác không phạt cao không liên quan gì, bởi vì ở các nước đó không có chuyện trèo lên lề đường hay cố ý đi ngược chiều.
Những người khóc lóc về "mức phạt quá cao so với thu nhập" chính là những người cần phải học được bài học là "không phạm lỗi thì rẻ hơn phạm lỗi rất nhiều".
Cái nghèo đã bị lợi dụng rốt ráo, đem ra làm bình phong, và bây giờ lại trở thành bia đỡ đạn cho những người đã quen coi thường luật pháp. Mức phạt lỗi giao thông cao là cần thiết trong hoàn cảnh hiện tại, khi bức tranh giao thông hỗn loạn quá mức và luật pháp bị coi thường.
Luật giao thông là loại luật hoàn toàn được tạo ra bởi sức mạnh của nhà nước và toàn dân, ai cũng phải dùng tới. Vì thế khi nhiều người không tuân theo thì chỉ có cách tăng hình phạt để đưa vào khuôn khổ.
Những người khóc lóc kiểu "Phạt như này bằng giá chiếc xe" thì nên tự hỏi rằng vì sao mình là vượt đèn đỏ? Chắc chắn là họ nghĩ: "Chưa chắc gì đã bị bắt, mà bị bắt thì chỉ phạt có bao nhiêu đấy thôi".
Với suy nghĩ như vậy thì mới có chuyện bao người lao vào ngã tư khi đèn đã đỏ, để rồi ngã tư ùn tắc, không có cách chi giải quyết được. Còn người phải nộp phạt "gần bằng chiếc xe" đấy thì chắc chắn là sẽ không bao giờ còn vượt đèn đỏ nữa.
Quan trọng hơn, những người khác trông thấy hình ảnh này sẽ chừa luôn, không diễn trò này nữa. Đó là cách duy nhất mà con người đã nghĩ ra để có thể hành pháp hiệu quả.
Hình phạt nào "đau" thì mới có hiệu quả. Người bị phạt khóc lóc kêu ca, nghĩa là hình phạt phát huy tác dụng. Chứ người bị phạt mà còn cười thì hình phạt vẫn còn như nước đổ đầu vịt.
Tuy vậy, một khi người đi đường đã vào khuôn phép, thì hình phạt giao thông sẽ lại giảm thôi. Không phải là giảm số tiền phạt, mà là giảm số người bị phạt. Không bị phạt thì sẽ chẳng ai kêu ca nữa.
Khanh Huỳnh