Cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6/1, thời điểm quốc hội Mỹ nhóm họp để xác nhận chiến thắng của Joe Biden, đã gây chấn động cả nước Mỹ và thế giới. Ít nhất 5 người chết và hàng chục người bị thương sau khi đám đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump vượt qua hàng rào cảnh sát và phá cửa xông vào tòa nhà quốc hội Mỹ.
Nhiều chính trị gia, nhà phân tích đã lên án cuộc bạo lực như "cuộc đảo chính", "bạo lực và phá hoại chưa từng có", hay "nỗi ô nhục" của nước Mỹ. Tổng thống đắc cử Joe Biden gọi 6/1/2021 là "một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử quốc gia".
Cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol đã được dẹp yên, quốc hội đã xác nhận Biden là tổng thống thứ 46 của Mỹ, nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử mà Trump theo đuổi hơn hai tháng qua đã thất bại và ông chủ Nhà Trắng cũng cam kết "chuyển giao quyền lực có trật tự".
Chia sẻ với VnExpress, Charles R Hankla, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia ở Atlanta, Mỹ nhận định những gì xảy ra trong ngày 6/1 chính là "nỗ lực cuối cùng" của Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử.
"Điều này có thể thấy qua những phát biểu của Trump, trong đó ông cơ bản thừa nhận kết quả và nói rằng cho phép chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Và điểm mấu chốt là Trump đã hết lựa chọn cho nỗ lực đảo ngược tiến trình dân chủ này", phó giáo sư Hankla nói.
Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, đồng nghĩa Trump chỉ còn chưa đầy hai tuần ở lại Nhà Trắng. Nhiều người hy vọng Mỹ sẽ không phải hứng chịu những điều tồi tệ hơn trong những ngày cuối nhiệm kỳ của Trump. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng những gì có thể xảy ra trong gần hai tuần tới rất khó đoán định.
"Hành vi của Tổng thống Trump rất khó đoán, nên chúng tôi thực sự không biết ông ấy có thể làm gì trong hai tuần tới", phó giáo sư Hankla nói.
Tiến sĩ Ted Gover, chuyên gia về chính sách đối ngoại và là giám đốc Chương trình Quản trị cho người Mỹ bản địa thuộc Đại học Claremont Graduate ở California, cũng cho rằng rất khó để biết hơn 10 ngày còn lại của Trump ở Nhà Trắng sẽ như thế nào.
"Ông ấy có thể trừng phạt thêm các quan chức và thực thể liên quan tới quân đội Trung Quốc, ra thêm lệnh ân xá, trao thưởng cho đồng minh chính trị, cũng như tiếp tục ban hành thêm các sắc lệnh về trợ cấp nước ngoài và nhập cư, cùng nhiều chính sách khác", tiến sĩ Gover dự đoán.
Gover cho biết có nhiều đồn đoán về việc Trump sẽ phát động cuộc xung đột với Iran để trói tay chính quyền Biden hay áp thiết quân luật, nhưng ông không cho rằng đây là lựa chọn của ông chủ Nhà Trắng. Bởi Trump "không thích bắt đầu các cuộc xung đột ở nước ngoài", cũng như quân đội Mỹ khó có khả năng sẽ "phục tùng" các yêu cầu như vậy.
Giáo sư David Schultz, khoa Khoa học Chính trị và Pháp lý, Đại học Hamline, Mỹ, có cùng quan điểm này. Ông Schultz cho rằng việc Trump phát động chiến tranh hoặc có các hành động quân sự trước khi rời nhiệm sở là "khả năng xa vời".
"Ông ấy sẽ lựa chọn gây khó khăn cho tân tổng thống thông qua các sắc lệnh và nhiều quyết sách khác", Schultz nhận định.
Những ngày cuối nhiệm kỳ Trump được xem là bài toán khó không chỉ với giới quan sát mà với cả các chính trị gia của Mỹ. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Rommey cũng cho rằng "chúng ta có thể phải nín thở chờ đợi" cho tới khi nhiệm kỳ Trump kết thúc.
Tuy nhiên, để tránh "đêm dài lắm mộng", không ít thành viên lưỡng đảng đã nghĩ tới các phương án để tước bỏ quyền lực của Trump trước thời hạn. Hai phương án được đề xuất nhiều nhất trong những ngày qua là kích hoạt Tu chính án thứ 25 và xem xét bãi nhiệm Trump lần hai.
Kích hoạt Điều 4 Tu chính án thứ 25 chưa từng có tiền lệ, nhưng được cho là cách nhanh nhất để truất quyền của Trump. Chỉ cần Phó tổng thống Mike Pence và đa số bộ trưởng nội các nhất trí, Trump lập tức mất hết quyền hạn tổng thống và Pence sẽ là người nắm quyền thay ông. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định biện pháp này không khả thi.
"Pence có vẻ không muốn kích hoạt Tu chính án thứ 25 và nhiều thành viên nội các, những người không đồng tình với hành vi kích động bạo loạn của Trump, đang chọn cách từ chức thay vì loại bỏ ông", phó giáo sư Hankla nói.
Washington Post đưa tin một ngày sau cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol, nhiều thành viên Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã bắt đầu dự thảo các điều khoản xem xét bãi nhiệm mới, trong đó có điều khoản cáo buộc Trump cố tình kích động bạo lực chống chính phủ.
Tuy nhiên, để có thể loại bỏ Trump bằng cách này, đề xuất xem xét bãi nhiệm của Hạ viện phải nhận được đa số ủng hộ ở Thượng viện, nơi mà đảng Cộng hòa hiện nắm quyền kiểm soát. Cả ba chuyên gia đều nhận định khả năng này là rất khó, vì một số thượng nghị sĩ đã lên tiếng phản đối.
Bên cạnh hai kịch bản trên, tiến sĩ Ted Gover cho rằng Trump có thể phải đối mặt với các khả năng bị kiềm chế quyền lực khác trong những ngày cuối nhiệm kỳ.
"Nội các của ông, bao gồm cả quân đội, có thể không tuân theo bất kỳ mệnh lệnh nào không phù hợp với luật pháp Mỹ", Gover cho hay.
Ông thêm rằng sau những tuần cuối đầy căng thẳng và tranh cãi, đỉnh điểm là cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6/1, gây tổn hại cho nền dân chủ Mỹ, Trump và nhóm của ông, trong đó có các cố vấn thân cận nhất, nhiều khả năng "sẽ bị giám sát chặt chẽ".
Ngoài ra, tiến sĩ Ted Gover và giáo sư David Schultz không loại trừ khả năng quốc hội hoặc tòa án có thể thực thi một số quyền hạn theo Hiến pháp Mỹ để tước bỏ một số thẩm quyền hay hạn chế các hoạt động của Trump, để tránh các nguy cơ bất ổn cho nước Mỹ.
"Phương pháp này sẽ ít gây phản cảm đối với dư luận Mỹ hơn là xem xét bãi nhiệm hoặc kích hoạt Tu chính án thứ 25", Gover nói.
Thanh Tâm