"Ngày 6/1, một âm mưu đảo chính đã diễn ra dưới sự dẫn dắt của chính Tổng thống Mỹ", bình luận viên Rebecca Solnit viết trên Guardian. "Một đám đông cánh hữu đã tìm cách đảo chính dưới hình thức bạo động đã tràn vào tòa nhà quốc hội".
Hành động này làm gián đoạn phiên họp của lưỡng viện quốc hội nhằm chứng nhận phiếu đại cử tri của các bang, trong đó ứng viên Joe Biden giành chiến thắng áp đảo trước Tổng thống Donald Trump. Phiên họp tưởng như mang tính thủ tục này trước đó đã bị cản trở khi các quan chức chính quyền Trump liên tục tung ra cáo buộc về gian lận bầu cử và tiến hành nỗ lực nhằm "lật kèo" tại quốc hội.
Solnit nhận định nỗ lực "lật kèo" này về cơ bản cũng là một cuộc "đảo chính", bởi nó là kế hoạch vi phạm quy định của Hiến pháp Mỹ và bác bỏ ý chí của hàng chục triệu cử tri.
"Những nỗ lực bên trong và bên ngoài tòa nhà quốc hội Mỹ là hai mặt của một vấn đề, tất cả đều được dung dưỡng bởi các lãnh đạo đảng Cộng hòa và Tổng thống Mỹ", bình luận viên này viết. "Đám đông bên ngoài sẽ không tồn tại nếu không được các chính trị gia bên trong ủng hộ".
Trong cuộc tấn công chưa từng thấy vào Điện Capitol, người ủng hộ Trump đạp đổ rào chắn bên ngoài tòa nhà quốc hội Mỹ, tràn vào bên trong khi các nghị sĩ đang họp để chứng nhận chiến thắng của Biden. Họ lùng sục các phòng họp, xông vào nghị trường bất chấp sự ngăn cản của lực lượng cảnh sát bảo vệ và mật vụ.
Một phụ nữ bị lực lượng hành pháp bắn bên trong tòa nhà vì phớt lờ mệnh lệnh của lực lượng hành pháp và chết trên đường tới bệnh viện, một số người biểu tình khác bị thương. Trật tự chỉ được vãn hồi khi cảnh sát và Vệ binh Quốc gia điều lực lượng chi viện tới Điện Capitol.
"Nếu Mitch McConnell và các lãnh đạo đảng Cộng hòa khác ngay từ tháng 11//2020 công nhận người chiến thắng hợp pháp trong cuộc bầu cử, nếu các quan chức trong chính quyền không đưa ra thách thức với cuộc bầu cử hợp pháp, sẽ không có đám đông này", Solnit viết.
Theo bình luận viên này, khi không thể chiến thắng trong cuộc bầu cử, Trump đã mời gọi đám đông, kích động họ trong nhiều tháng và "châm ngòi nổ" vào ngày 6/1, dẫn đến cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol.
"Tôi gọi đó là nỗ lực đảo chính, bởi dù không ngăn cản được nhiệm kỳ tổng thống của Biden, nó chắc chắn mang ý định này và là một phần của chiến dịch nhằm làm suy yếu chính quyền sắp tới", Solnit cho biết.
Bình luận viên này cáo buộc Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ, Fox News, các chuyên gia cánh hữu, đại diện các nhóm da trắng thượng đẳng hoặc cực hữu như Proud Boys, thậm chí cả Trump và đảng viên Cộng Hòa đã thúc đẩy "cơn thịnh nộ của người da trắng".
"Đó là cơn thịnh nộ chống lại thực tế rằng những người khác có thể bình đẳng theo luật pháp, phụ nữ và người da màu có thể cầm quyền khi quyền lực được phân bổ công bằng hơn", Solnit cho biết. "Đó là cơn thịnh nộ chống lại sự bình đẳng".
Solnit cho rằng vụ bạo loạn ở Đồi Capitol là hành động "độc đoán" nhằm bắt người khác phục tùng ý chí đến từ "những người đàn ông da trắng vốn lâu nay là kẻ duy nhất có quyền lực" tại Mỹ, nhưng "tưởng tượng rằng mình bị gạt ra bên lề xã hội và bị áp bức vì những người khác họ có thể lên nắm quyền và có tiếng nói".
Những người theo tư tưởng da trắng thượng đẳng này từng mang súng trường tới thành phố Lansing và âm mưu bắt cóc Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer. Tư tưởng này còn hiện hữu trong các vụ xả súng phân biệt chủng tộc từ biên giới tại Texas tới giáo đường Do Thái ở Pennsylvania, theo bình luận viên của Guardian.
"Nỗ lực đảo chính này được bồi đắp bởi hệ tư tưởng sùng bái bạo lực ngày càng lấn át, khi các vụ xả súng hàng loạt trở thành điều bình thường ở Mỹ vào thế kỷ 21, thói tôn sùng súng đạn và quyền sử dụng súng tạo ra những cỗ máy giết người, khiến nạn chết chóc do chúng gây ra phổ biến hơn nhiều. Số người thiệt mạng về súng tại Mỹ gần đây vượt qua số người chết vì tai nạn ô tô", Solnit viết.
Sau vụ bạo loạn, một lãnh đạo đảng Cộng hòa nói trên truyền hình rằng "hãy nhớ chúng ta là đảng của pháp luật và trật tự", nhưng chính thuật ngữ "luật pháp và trật tự" này lại đang trở thành khẩu hiệu của phe cánh hữu, ám chỉ rằng họ chính là luật pháp và có quyền áp đặt trật tự của riêng mình.
"Quan điểm của Trump từ trước tới nay là ông có đặc quyền đó. Giờ nó trở thành cuộc khủng hoảng khi đám đông cản trở quy trình chuyển giao quyền lực hòa bình được quy định trong hiến pháp", Solnit viết. "Điều này xảy ra bởi quyền lực của Trump theo luật là hữu hạn về phạm vi và thời hạn, ông luôn đối đầu với luật pháp vì muốn quyền lực vô hạn và có một đội quân tình nguyện hỗ trợ để giành lấy điều này".
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)