Dù phải trải qua nhiều vòng đàm phán với những bất đồng tưởng như không giải quyết nổi, thỏa thuận ngừng bắn ở Syria cuối cùng cũng được các cường quốc thế giới thống nhất hôm 12/2 tại Munich, Đức.
Thỏa thuận "chấm dứt tình trạng thù địch" này rõ ràng không thể coi là một hiệp định ngừng bắn thực sự nhưng lại được ca ngợi như một thành quả ngoại giao mang lại khoảng thời gian ngưng tiếng súng quý giá cho cuộc chiến đẫm máu kéo dài 5 năm qua ở Syria. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá thỏa thuận này vẫn ẩn chứa nhiều lỗ hổng và có khả năng không thể duy trì lâu dài, theo Guardian.
Thỏa thuận ngừng bắn cho thấy Mỹ và châu Âu đang có vấn đề, trong khi Nga là bên đã và đang giữ chặt chìa khóa tháo gỡ nút thắt cuộc khủng hoảng Syria trong tay, Shashank Joshi, chuyên gia nghiên cứu tại Viện các Lực lượng Thống nhất Hoàng gia Anh, đánh giá.
Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Syria (ISSG), một tổ chức liên lạc gồm 17 quốc gia ở cả hai phe trong cuộc nội chiến, khẳng định thỏa thuận ngừng bắn này không áp dụng với phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), Mặt trận al-Nusra thân al-Qaeda, cùng "các nhóm khác bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc coi là tổ chức khủng bố".
Điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng nó lại chính là lỗ hổng lớn trong bản thỏa thuận. Cả Nga và Iran đều coi tất cả các nhóm nổi dậy Syria quanh Aleppo, bao gồm cả phiến quân do Mỹ và phương Tây hậu thuẫn, đều là "khủng bố". Sự bất nhất về khái niệm "khủng bố" sẽ là một trong những chướng ngại vật cản trở thành công của thỏa thuận ngừng bắn, theo ông Joshi.
Những diễn biến thực tế trên chiến trường vô cùng phức tạp. Trong khu vực do quân nổi dậy kiểm soát nằm giữa Aleppo và Thổ Nhĩ Kỳ, Mặt trận al-Nusra là một nhóm mạnh. Song nhóm này lại thuộc Jaish al-Fatah, một liên minh nổi dậy lớn do Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi hậu thuẫn. Các nhóm này mới là mục tiêu chính mà Nga nhắm tới trong các cuộc không kích, dù Moscow khẳng định họ đang đánh IS, Joshi nhận định.
Từ trước tới nay, Mỹ luôn chia các nhóm nổi dậy ở Syria thành hai loại là "ôn hòa" và "cực đoan", đồng thời tìm cách ủng hộ, hậu thuẫn các thành viên nhóm ôn hòa. Trong khi đó, Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ không thực sự quan tâm đến cách phân loại này. Tuy nhiên, không bên nào mong muốn các nhóm nổi dậy trên bị ném bom.
Lỗ hổng thứ hai trong bản thỏa thuận ngừng bắn khiến Nga được hưởng lợi là quy trình thực hiện. Thỏa thuận ngừng bắn Munich quy định một nhóm đặc trách do Nga và Mỹ đồng chủ trì sẽ "phân định" lãnh thổ giữa al-Nusra và IS, đồng thời giải quyết các tranh chấp phát sinh sau đó.
Nhưng khó khăn nằm ở chỗ các nhóm phiến quân đang hoạt động xen kẽ trên chiến trường xung quanh thành phố Aleppo do quân nổi dậy kiểm soát và các vùng lân cận, ông Joshi nhận định. Điều đó sẽ không ngăn chặn được việc Nga tiếp tục thực hiện các cuộc không kích nhắm vào phe nổi dậy nhân danh "tấn công IS".
Những thắng lợi ngoạn mục trên chiến trường mà Nga đạt được trong những tháng qua đang khiến tiếng nói của Mỹ và Arab Saudi không còn sức nặng như trước. Đòn không kích yểm trợ của Nga đang giúp quân đội chính quyền Tổng thống Assad giành thế áp đảo trên chiến trường. Những cuộc không kích dữ dội này cũng góp phần thúc đẩy dòng người tị nạn chạy khỏi các vùng chiến sự và đổ về châu Âu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng di cư đang khiến giới chức phương Tây đau đầu.
Hơn một tuần qua, vị thế của phe nổi dậy ngày càng suy yếu. Trong khi đó, thỏa thuận ngừng bắn này lại có tác động mạnh mẽ đối với mối quan hệ giữa Nga và đồng minh Syria. Chưa đầy một tuần trước, một cố vấn lâu năm của ông Assad, đã tuyên bố đề xuất về một lệnh ngừng bắn là công việc của các quốc gia "không muốn chấm dứt chủ nghĩa khủng bố" và chỉ muốn hỗ trợ cho quân nổi dậy. Điều này phản ánh thực tế rằng quân đội Syria đang rất tự tin vào chiến thắng của mình trên chiến trường và không thấy lý do thực sự để ngừng bắn.
Dù vậy, ông Assad không thể làm gì ngoài việc chấp nhận thỏa thuận. Quân đội của ông dù đã đạt được một số chiến thắng gần đây, nhưng họ phải phụ thuộc vào các chiến dịch không kích yểm trợ của Nga cùng các lực lượng do Iran hậu thuẫn trên chiến trường.
Một điểm đáng chú ý nữa là thỏa thuận ngừng bắn này không có hiệu lực ngay lập tức, mà phải chờ ít nhất một tuần mới được thực thi. Ông Joshi cho rằng trong thời gian đó, Nga có thể đẩy mạnh chiến dịch không kích, yểm trợ quân đội Syria bao vây, cô lập thành trì Aleppo của quân nổi dậy, cắt đứt các tuyến đường tiếp tế từ Thổ Nhĩ Kỳ và giành lại lãnh thổ ở các khu vực khác.
Vitaly Naumkin, một học giả Nga am hiểu về chính sách Syria, hôm 10/2 cho hay một trong những mục tiêu quan trọng nữa của Moscow là "thiết lập bàn đạp ở Aleppo để phát động một cuộc tấn công quy mô vào các thành trì của IS ở miền đông".
Ông Kerry hiển nhiên hy vọng rằng thỏa thuận "chấm dứt thù địch" sẽ là bước đệm tạo đà tiến tới một lệnh ngừng bắn trên phạm vi rộng hơn. Tuyên bố của ISSG hôm 12/2 nhắc lại mục đích cao cả của nó là nhằm hướng tới một thỏa thuận chuyển giao chính trị trong 6 tháng tới.
Tuy nhiên, nếu Nga kiên trì theo đuổi giải pháp quân sự, thỏa thuận này sẽ mang đến cho họ những thắng lợi đắt giá. Khi áp lực ở miền bắc giảm xuống và quyền kiểm soát của chính phủ Syria mở rộng hơn, động lực để loại bỏ ông Assad và cải cách chính phủ từ đây cũng sẽ ít dần. Nói một cách khác, với thỏa thuận ngừng bắn Munich, Nga đã hy sinh ít nhưng lại thu lợi nhiều, chuyên gia Joshi nhấn mạnh.
Duy Sơn