Quốc gia Nam Á này đang chật vật ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất từ khi giành độc lập vào năm 1948. Xuất phát từ tình trạng thiếu ngoại tệ mạnh để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là nhiên liệu phục vụ sản xuất và dân sinh, cuộc khủng hoảng đã lan rộng từ kinh tế sang xã hội và chính trị.
Sri Lanka nợ khoảng 12,55 tỷ USD dưới dạng trái phiếu chính phủ quốc tế (ISB), chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ nước ngoài khoảng 35 tỷ USD tính đến năm 2021. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản và Trung Quốc nằm trong danh sách chủ nợ hàng đầu của đảo quốc.
Hồi tháng 2, Sri Lanka thông báo nước này còn 2,31 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, trong khi phải trả nợ khoảng 4 tỷ USD riêng trong năm nay, trong đó có 1 tỷ USD nợ dưới dạng trái phiếu chính phủ quốc tế đáo hạn vào tháng 7.
"Với một quốc gia nặng về nhập khẩu năng lượng, lương thực, hàng hóa thiết yếu và dược phẩm như Sri Lanka, mức dự trữ ngoại tệ 2,31 tỷ USD là một cơn ác mộng. Tình hình càng trầm trọng thêm khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa thừa nhận nước này thâm hụt thương mại 10 tỷ USD", Seshadri Chari, nhà phân tích chính sách đối ngoại và chiến lược của Ấn Độ, nhận định.
Khi Sri Lanka không còn ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu, người dân chịu cảnh mất điện hơn 12 tiếng mỗi ngày do máy phát không còn dầu diesel để chạy, nguồn cung lương thực, đồ dùng sinh hoạt và nhiên liệu cũng không được đảm bảo.
Bệnh viện phải ngừng lịch phẫu thuật vì thiếu thuốc và mất điện. Đồng rupee bị hạ giá mạnh nhằm thuyết phục Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chấp thuận khoản vay cứu trợ, càng khiến đảo quốc 22 triệu dân lún sâu vào lạm phát. Bức xúc trong dư luận tăng cao, châm ngòi làn sóng biểu tình leo thang bạo lực suốt nhiều ngày qua, yêu cầu Tổng thống Rajapaksa từ chức.
Chính phủ Sri Lanka tuyên bố tình trạng khẩn cấp và áp lệnh giới nghiêm tại thủ đô Colombo, sau khi người biểu tình tấn công tư dinh tổng thống và đụng độ cảnh sát tuần qua. Các thành viên trong liên minh cầm quyền của Tổng thống Rajapaksa cũng liên tiếp "đào tẩu" sang phe đối lập, khiến liên minh này đánh mất thế đa số tại quốc hội.
Khi các cuộc biểu tình kéo dài sang ngày thứ 5, Tổng thống Rajapaksa buộc phải tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và tìm cách đàm phán với phe đối lập nhưng chưa đạt kết quả.
Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị ở Sri Lanka khiến những tranh cãi về "núi nợ" của nước này tăng nhiệt trở lại. Tính đến cuối năm 2020, nước này nợ Trung Quốc khoảng 3,5 tỷ USD, còn nếu tính thêm những khoản vay cho doanh nghiệp nhà nước sẽ lên khoảng 5 tỷ USD. Họ vay Nhật Bản số tiền tương đương.
Khả năng trả nợ của Sri Lanka đã bị đặt dấu hỏi từ năm 2018, khi nước này chấp nhận cho đối tác Trung Quốc thuê lại cảng Hambantota trong 99 năm để giảm áp lực tài chính. Trung Quốc còn tham gia vào dự án trị giá 13 tỷ USD phát triển trung tâm kinh tế ven biển ở Colombo và một sân bay tại Hambantota.
Những chính sách kinh tế gây tranh cãi của các đời chính phủ Sri Lanka, cùng tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 với lĩnh vực du lịch, nguồn thu chính của nước này, càng khiến ngân sách quốc gia hao hụt. Khoảng 2/3 thu ngân sách Sri Lanka được dùng để thanh toán lãi suất các khoản vay.
Tổng thống Rajapaksa từ tháng 1 đã cảnh báo đất nước không còn đủ dự trữ ngoại tệ cho nhập khẩu. Ông đưa ra tuyên bố này khoảng một tuần sau khi gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh để đề nghị tái cấu trúc nợ, nhằm đổi lấy những cam kết thương mại nhiều nhượng bộ hơn trước, đồng thời vận động đối tác nới lỏng các hạn chế đi lại vì Covid-19 để giải cứu ngành du lịch.
Dù đã đồng ý hỗ trợ thêm cho Sri Lanka hơn 2,5 tỷ USD, Trung Quốc vẫn chưa cam kết điều chỉnh lại các điều khoản vay sau ba tháng cân nhắc.
"Chính phủ Rajapaksa đáng lẽ nên dẹp bỏ một số dự án hạ tầng do Trung Quốc đầu tư, vốn chịu phí quản lý nợ cao nhưng mức thu lợi nhuận thấp. Họ đáng lẽ nên tăng sản xuất nông nghiệp thay vì thử nghiệm với thực phẩm hữu cơ (organic) và cấm phân bón hóa học", chuyên gia Chari nhận định, bổ sung rằng ngành du lịch đáng ra nên được Sri Lanka chú trọng phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Theo đánh giá của IMF tháng trước, nợ công Sri Lanka đã lên mức "không bền vững" và dự trữ ngoại tệ không đủ trả nợ ngắn hạn.
W.A. Wijewardena, cựu phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka (CBSL), từng cảnh báo chính phủ cần tìm cách tái cấu trúc các khoản nợ, dùng dự trữ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu cho người dân, nếu không muốn để xảy ra tình trạng vật giá leo thang và "mất trật tự xã hội, chính trị".
Theo chuyên gia Antara Ghosal Singh, thuộc Quỹ Nghiên cứu Observer (ORF) tại New Delhi, Sri Lanka nên tự trách mình khi nhận những khoản vay lớn từ nước ngoài, nhưng bản thân lại không có nền móng kinh tế đủ mạnh và không có phương án trả nợ hợp lý.
"Trung Quốc hay các bên cho vay khác không tạo ra thách thức kinh tế với Sri Lanka. Họ không buộc Sri Lanka mượn tiền. Mọi yêu cầu vay đều xuất phát từ Sri Lanka, một nước độc lập và có chủ quyền, tự quyết định điều kiện vay, đầu tư và xây dựng dự án theo ý họ. Bài toán nợ của bên vay không thể là trách nhiệm của bên cho vay", Singh nói.
Umesh Moramudali, nhà nghiên cứu kinh tế chuyên về nợ công ở Sri Lanka và thương mại quốc tế của Đại học Warwick tại Anh, cho rằng những dự án do Trung Quốc đầu tư ở Sri Lanka đã gây lo ngại về tính bền vững kinh tế và mức cần thiết ngay từ khi bắt đầu, nhưng lập luận cho rằng Bắc Kinh tạo "bẫy nợ" với quốc đảo này là không thuyết phục.
Theo Moramudali, Sri Lanka nếu không mắc nợ Trung Quốc thì cũng gặp vấn đề vay thiếu bền vững và cân bằng thanh toán dài hạn. Khoảng 60% các khoản vay của Sri Lanka được yêu cầu thanh toán bằng USD, khiến đảo quốc thiếu tiền nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu khác.
"Những núi nợ nước ngoài, tỷ lệ lạm phát tăng cao, nguồn dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, đồng tiền mất giá biến Sri Lanka thành 'minh chứng sống' về cuộc khủng hoảng có thể xảy ra với nền kinh tế một quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào vay nợ", Moramudali nhận định. "Với những thách thức này, chính phủ Sri Lanka khó có thể làm được gì để cứu vãn tình hình".
Trung Nhân (Theo Reuters, WSJ, CNBC, The Print)