"Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố nhằm bảo vệ trật tự công cộng, duy trì nguồn cung và dịch vụ thiết yếu cho người dân", Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa hôm 1/4 tuyên bố, trong bối cảnh các cuộc biểu tình đòi phế truất ông lan rộng khắp quốc gia Nam Á.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp cho phép quân đội Sri Lanka bắt giam nghi phạm trong thời gian dài mà không cần xét xử. Cảnh sát đã áp dụng lệnh giới nghiêm vào đêm 1/4 ở tỉnh Western, trong đó có thủ đô Colombo.
Quốc gia 22 triệu dân này đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các nhu yếu phẩm, giá cả tăng mạnh và mất điện trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất từ khi giành độc lập từ Anh năm 1948.
Làn sóng biểu tình vì thiếu nhiên liệu và lạm phát vài tuần qua tại Sri Lanka leo thang bạo lực vào đêm 31/3 ở Colombo, khi người biểu tình tìm cách tấn công tư dinh tổng thống, đòi ông Rajapaksa từ chức. Cảnh sát bắn hơi cay và sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông.
Đám đông sau đó trở nên bạo lực, đốt cháy hai xe quân sự, một xe jeep cảnh sát, hai mô tô tuần tra và một xe ba bánh. Họ cũng ném gạch vào lực lượng thực thi pháp luật. Ít nhất hai người biểu tình bị thương. Cảnh sát cho biết 53 người biểu tình đã bị bắt.
Đến tối 1/4, hàng chục nhà hoạt động nhân quyền mang theo biểu ngữ viết tay và đèn dầu tham gia cuộc biểu tình tại ngã tư đông đúc ở thủ đô, kêu gọi Tổng thống từ chức.
Biểu tình phản đối chính phủ cũng diễn ra tại các thị trấn miền nam Galle, Matara và Moratuwa, cũng như các khu vực miền bắc và miền trung, gây tắc nghẽn giao thông ở các trục đường chính.
Văn phòng Tổng thống Rajapaksa cho rằng người biểu tình muốn tạo ra "Mùa xuân Arab", ám chỉ các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra ở Trung Đông hơn một thập kỷ trước.
Anh trai Tổng thống Rajapaksa, Mahinda, đang giữ chức Thủ tướng Sri Lanka. Người em út của gia đình là Basil đang là Bộ trưởng Tài chính. Bộ trưởng Nông nghiệp Chamal là anh cả trong gia đình ông Rajapaksa, còn Bộ trưởng Thể thao Namal là cháu tổng thống.
Đảo quốc Ấn Độ Dương đang rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất lịch sử nước này, bắt nguồn từ tình trạng thiếu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu và nhiên liệu. Ngày 31/3, truyền thông Sri Lanka cho biết các trạm bơm trên khắp đảo quốc không còn dầu diesel để bán cho người dân.
Hệ thống xe buýt tư nhân trên đảo quốc đã cảnh báo dừng hoạt động vì sắp cạn dầu diesel dự trữ. Tập đoàn điện quốc gia phải cắt điện 13 tiếng trong hôm qua do không đủ nhiên liệu vận hành máy phát, còn lượng nước trong hồ thủy điện đang ở mức báo động.
Các đợt cắt điện còn ảnh hưởng đến hệ thống trạm phát sóng di động và thông tin liên lạc tại Sri Lanka. Trong khi đó, một số bệnh viện do nhà nước quản lý phải ngừng kế hoạch phẫu thuật do không đủ thuốc.
Huyền Lê (Theo AFP)