Hiệp hội Chủ xe buýt Tư nhân Sri Lanka có hơn 20.000 xe trong hệ thống. Ngày 2/3, tổ chức này cho biết họ chỉ còn đủ năng lực vận hành 1/4 biên chế vì thiếu dầu. Tài xế hôm nay phải cho xe nối đuôi xếp hàng ở các trạm xăng chờ bơm dầu. Có người phải chờ đến 7 tiếng mới đến lượt.
"Tôi không chạy xe đã hai ngày, vì hết sạch dầu rồi", Sarath, tài xế 51 tuổi, chia sẻ. "Tôi đậu xe chờ bơm dầu đã 7 tiếng rưỡi rồi".
Các đơn vị điều hành xe buýt ở Sri Lanka tuần này thông báo cắt giảm đáng kể số chuyến. Nhiều người buộc phải chuyển qua xe đạp hoặc dùng ôtô cá nhân để di chuyển trên đảo quốc.
Lanka IOC, một trong những đại lý xăng dầu lớn nhất đảo quốc Ấn Độ Dương, điều chỉnh giá nhiên liệu tăng khoảng 12% vào ngày 27/2. Tập đoàn Xăng dầu Ceylon (CPC) đã yêu cầu chính phủ cho phép áp dụng biện pháp tương tự. Một số nguồn tin nội bộ CPC khẳng định tập đoàn quốc doanh chỉ còn đủ dự trữ cung ứng cho thị trường từ ngày 2 đến ngày 6/3.
"Chúng tôi phải giảm lượng cung ứng tiêu chuẩn cho các trạm xăng dầu, yêu cầu bán dè xẻn", một nguồn tin cho biết.
Thushara, tài xế taxi 36 tuổi, nói anh phải xếp hàng 6 tiếng để bơm xăng. Anh bức xúc chính phủ Tổng thống Botabaya Rajapaksa chưa giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhiên liệu cho đảo quốc và không hiểu tâm tư của người dân.
Không chỉ thiếu nhiên liệu, chính phủ Sri Lanka còn áp dụng biện pháp cắt điện luân phiên vì khủng hoảng năng lượng. Đảo quốc tuần này bắt đầu cắt điện khoảng 7 tiếng rưỡi mỗi ngày, thời lượng cắt điện luân phiên lâu nhất trong 25 năm qua.
Ủy ban Tiện ích Công cộng (PUCSL) lý giải áp dụng chính sách cắt điện vì khủng hoảng ngoại tệ khiến Sri Lanka không đủ tiền mua nhiên liệu cho các máy phát. Đảo quốc đang trong mùa khô nên hồ thủy điện cũng không đạt đủ công suất bù đắp. Mọi cơ quan nhà nước từ ngày 1/3 phải tắt máy điều hòa vào buổi chiều để giảm tiêu thụ điện.
Sri Lanka phụ thuộc rất nhiều vào du lịch để kiếm ngoại tệ. Đại dịch Covid-19 suốt hai năm qua đã bóp nghẹt ngành kinh tế quan trọng này, buộc chính phủ áp dụng lệnh cấm nhập khẩu với nhiều mặt hàng từ tháng 3/2020 để giải quyết thất thoát ngoại tệ.
Giới quan sát cảnh báo Sri Lanka đang bên bờ vực khủng hoảng kinh tế, thiếu nguồn cung trong nhiều phương diện từ lương thực, thuốc men đến linh kiện cơ giới, xi măng. Một số siêu thị đã chuyển sang mô hình tem phiếu cho các mặt hàng như gạo, đường và sữa bột.
Dự trữ ngoại tệ của đảo quốc tính đến cuối tháng 1 là khoảng 2,07 tỷ USD, giảm 25% so với tháng 12/2021. Khi Tổng thống Rajapaksa nhậm chức vào tháng 11/2019, dự trữ ngoại tệ Sri Lanka ở mức 7,5 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Udaya Gammanpila, đất nước đang trải qua cuộc khủng hoảng thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng nhất từ khi tuyên bố độc lập vào năm 1984. Khủng hoảng nhiên liệu còn khiến giá lương thực lạm phát 25% vào tháng 1, còn mức lạm phát trên toàn thị trường là 16,8%.
Trung Nhân (Theo AFP)