Chu Thúy Hường, 18 tuổi, cựu học sinh trường THPT Đồng Đăng, Lạng Sơn trúng tuyển ngành Điều dưỡng với điểm xét tuyển 25,25 tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh). Điểm chuẩn ngành học này ở Đại học Y Hà Nội năm nay là 24,7.
Hường mồ côi bố năm 6 tuổi. Một mình mẹ em lo cho ông bà và hai con. Từ năm lớp 7, Hường được các chú bộ đội Đồn biên phòng Tân Thanh hỗ trợ nuôi ăn học. Suốt những năm tháng đó, Hường luôn là học sinh giỏi, đặc biệt ở môn Sinh học. Thấy bà hay đau ốm, Hường muốn học ngành sức khỏe để chăm sóc người thân. Y khoa là ngành học mơ ước của em, cũng là mong muốn của bà em lúc còn sống.
"Nhưng em biết gia đình không có điều kiện nên đã sớm xác định học xong THPT sẽ đi làm", Hường nói. 10 ngày sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hường theo bạn đi làm công nhân nhà máy ở Bắc Ninh để đỡ đần kinh tế cho mẹ và em gái đang đi học.
Công việc của Hường là lắp ráp linh kiện điện tử từ 8h đến 17h, hoặc 20h nếu hôm nào tăng ca. Với mức lương khoảng 6 triệu đồng một tháng, Hường đủ trả tiền nhà, tiền ăn và dư chút ít. Hường từng nghĩ sẽ làm ở khu công nghiệp một thời gian rồi về Lạng Sơn, học tiếng Trung để xin việc.
Nhưng vài ngày trước khi hết hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, Hường nhận được điện thoại động viên của các chú ở Đồn biên phòng. Biết không đủ điểm vào ngành Y khoa, Hường chuyển hướng sang ngành Điều dưỡng, đăng ký nguyện vọng 1 vào Đại học Y Hà Nội.
Hôm 16/9, Hường nhận tin đỗ đại học khi đang làm việc ở nhà máy. "Em rất vui nhưng cũng buồn. Mẹ bảo muốn cho em đi học nhưng nhà không có điều kiện. Em đã nghĩ phải bỏ cơ hội này", Hường nhớ lại.
Các chiến sĩ ở Đồn biên phòng sau đó đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ khắp nơi để giúp đỡ em. Đầu tháng 10, nữ sinh từ Bắc Ninh về Lạng Sơn hoàn thiện thủ tục để kịp xuống Hà Nội. Trước ngày đi học, mẹ dặn Hường "không được đua đòi, phải tiết kiệm và được các chú hỗ trợ rồi phải học tốt".
Đưa Hường đến trường nhập học chiều 3/10, Thượng tá Đoàn Ngọc Báu, Trưởng phòng Công tác quần chúng, Cục Chính trị, Bộ đội Biên phòng, cho biết đã tìm được mạnh thường quân nhận hỗ trợ Hường học phí và chi phí sinh hoạt trong những năm học ở đây. Bộ đội biên phòng Lạng Sơn và Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đã giúp em mua sắm đồ dùng đi học. Nữ sinh là một trong hàng nghìn học sinh được hỗ trợ từ Chương trình "Nâng bước em tới trường – Con nuôi bộ đội biên phòng", triển khai từ năm 2016.
Biết hoàn cảnh của Hường, trường Đại học Y Hà Nội đã bố trí chỗ ở miễn phí trong ký túc xá cho em. Bác sĩ Phạm Tùng Sơn, trưởng phòng Công tác học viên, sinh viên và Quản lý ký túc xá của trường, cho biết đây là năm đầu tiên trường áp dụng chính sách miễn phí ký túc xá cho sinh viên và Hường là một trong 10 em được xét duyệt.
"Tôi ấn tượng với Hường ở sự chân thật, nhanh nhẹn, đặc biệt về những lời chia sẻ xúc động của em ở buổi gặp với thầy cô của trường", thầy Sơn nói.
Theo đại diện nhà trường, Hường đăng ký học ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến, "nhập khẩu" từ Mỹ. Đây là chương trình duy nhất trong nhóm ngành Sức khoẻ đào tạo tại Việt Nam cấp chứng chỉ hành nghề được nước ngoài chấp nhận. Chương trình được dạy bằng tiếng Anh và có nửa năm hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ cho người học. Những năm qua, đây là ngành học "hot" với 70% sinh viên tốt nghiệp có công việc tốt ở nước ngoài.
Bác sĩ Sơn cho biết thời gian đầu Hường có thể khó đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ nhưng ông tin nếu có quyết tâm, nữ sinh sẽ làm được. Ông sẽ theo sát và hỗ trợ Hường tối đa nếu em gặp khó khăn trong học tập, phần còn lại phụ thuộc ở sự phấn đấu của em.
Bốn ngày sau khi xuống Hà Nội, nữ sinh người Nùng chủ yếu quanh quẩn trong phòng, xa nhất là xuống nhà ăn ở tầng một của ký túc xá. Em vui vì đã trở thành sinh viên nhưng cũng lo khó hòa nhập, theo kịp các bạn và sợ làm mọi người thất vọng. Tân sinh viên dự kiến đăng ký một khóa học tiếng Anh trong thời gian tới.
"Nếu có thể, sau khi tốt nghiệp, em muốn về Lạng Sơn làm việc. Em cũng định học lên thạc sĩ", Hường cho hay.
Bình Minh