Hôm 23/9, bà Nguyễn Thị Thu Hương cùng con trai Nguyễn Nhật Huy đến Đại học Văn Lang nhập học. Không giống với các phụ huynh đi cùng khác, bà Hương là tân sinh viên khóa 28 của trường.
"Ai cũng bất ngờ. Bảo vệ ở cổng đòi xem giấy nhập học của tôi, sinh viên hướng dẫn chỉ nhìn giấy tờ của Huy và phát số thứ tự cho nó. Tôi xin thêm và nói: 'Cô cũng đi nhập học mà'", bà Hương cười, cho biết "rất vui" vì đã lường trước sự ngạc nhiên của mọi người.
Bà Hương trúng tuyển ngành Tâm lý học bằng phương thức xét kết quả học tập THPT từ năm 1981. Xét theo tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), bà đạt 24,9 điểm, thừa 6,9 điểm vì ngành Tâm lý học năm nay chỉ lấy 18. Con trai bà đỗ ngành Thiết kế đồ họa bằng phương thức xét kết quả học tập THPT tổ hợp H06 (Văn, Anh, Vẽ) với 30,3 điểm khi đang là sinh viên năm thứ ba, Đại học Y Dược TP HCM.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng thường trực Đại học Văn Lang, cho biết "ấn tượng và nể phục bà Hương". Đây là trường hợp hiếm và lần đầu tiên ở trường này khi hai thế hệ học chung một khóa. Trước đây, trường cũng có hai bố con cùng là sinh viên, nhưng bố học khóa trước con.
Bà Hương tốt nghiệp trường THPT Thạnh Mỹ Tây (nay là THPT Gia Định), quận Bình Thạnh, năm 1981. Ngày còn đi học, bà học đều các môn, từng đi thi học sinh giỏi Toán, Văn và là lớp phó học tập hồi cấp ba.
Bà mơ ước vào khoa Răng - Hàm - Mặt của Đại học Y Dược TP HCM nhưng cả hai lần thi đều thiếu 0,5 điểm. Không đỗ đại học, bà học trung cấp, trở thành y sĩ nha khoa, rồi công tác tại Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh cho đến khi nghỉ hưu năm 2018. Bà Hương cũng từng tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh hệ tại chức và có chứng chỉ tin học A, B từ những năm 1990.
Năm 2012, khi con trai lớn thi đại học, bà định thi nhưng lo không đủ kinh tế nuôi con nên đành gác lại.
"Tôi ấp ủ việc học Đại học Y Dược TP HCM suốt nhiều năm, năm nào cũng lấy sách Toán, Hóa, Sinh ra ôn luyện nhưng mãi chưa hoàn thành được ước muốn", bà Hương nói.
Về hưu, bà quyết định đi học để não được hoạt động và có cơ hội tiếp xúc với nhiều người. Tuy nhiên, bà nhận ra, nếu bỏ công sức và một khoản tiền lớn để theo đuổi ngôi trường mình mong ước nhưng khi ra trường đã lớn tuổi, không còn làm được việc sẽ lãng phí. Đọc báo thấy nhiều trường hợp học sinh trầm cảm, bế tắc, bà Hương xót xa, muốn tìm hiểu ngành Tâm lý học để cứu người.
Bà sau đó giấu bạn bè, người thân nộp hồ sơ xét tuyển đại học và trúng tuyển. "Ai cũng chúc mừng tôi, còn các con vui và thích tôi đi học. Tôi tự an ủi tuổi già không bị lãng quên mà có cơ hội ra ngoài, tiếp xúc xã hội", bà Hương chia sẻ.
Trước lúc đi học, bà đã có sự chuẩn bị về kinh tế. Bà nhẩm tính, mỗi mẹ con tốn 50 triệu đồng tiền học một năm, tổng 400 triệu cho bốn năm; sắm thêm chiếc xe máy tốt nữa là khoảng 500 triệu đồng.
Đi học ở tuổi lục tuần, bà lo lắng về một số môn học, đặc biệt Giáo dục thể chất. "Tôi không ngại lắm môn Giáo dục Quốc phòng, cũng không lo bơi, chỉ sợ nhất môn chạy bộ do đau khớp", tân sinh viên khóa 28 chia sẻ.
Bà dự định học lên thạc sĩ, tiến sĩ nếu việc học suôn sẻ và đầu óc còn minh mẫn sau bốn năm học. Bà cũng muốn hợp tác với một bác sĩ về thần kinh để cùng làm việc.
Nhiều ngày qua, bà tranh thủ tập luyện sức khỏe, sẵn sàng cho hành trình đi học sắp tới. Hàng sáng, bà dậy sớm đạp xe, tập thể dục 45 phút. Bà vui khi nghĩ tới việc đi học cùng con trai và hai mẹ con giúp đỡ nhau học. "Nhà cách trường khoảng 5 km nên hai mẹ con sẽ chở nhau đi học bằng xe máy", bà Hương cho biết.
Bình Minh