Anh Luân 27 tuổi, ở xã Trù Hữu, huyện Lục Ngạn, đăng ký ngành Y đa khoa ở ba trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Với số điểm 28,85, anh đoán mình đỗ nguyện vọng một nhưng không dám nói với ai vì sợ mừng hụt. Ngày 16/9, Đại học Y Hà Nội báo danh sách trúng tuyển, anh thở phào hạnh phúc.
Cách đây 9 năm, Luân thi đại học lần đầu tiên vào Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, nhưng chỉ được 18 điểm nên nộp nguyện vọng vào hệ cao đẳng của Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Ra trường năm 2015, anh làm kỹ thuật viên xét nghiệm tại một phòng khám tư ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, vài năm sau thì kết hôn.
Vợ anh học cùng ngành, cùng trường, nhưng hệ đại học và hiện công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội. Hai vợ chồng đón con đầu lòng vào năm ngoái.
Tốt nghiệp và đi làm nhiều năm, nhưng ông bố một con vẫn nuôi ước mơ trở thành bác sĩ đa khoa. Anh thích lâm sàng, muốn tìm hiểu kiến thức sâu và giao tiếp với bệnh nhân. Được vợ và sếp ở cơ quan động viên, anh tính thi thử.
Anh xác định chỉ thi Y đa khoa và chọn trường có học phí phù hợp bởi còn phải lo cho gia đình. Vừa đi làm, vừa tranh thủ ôn thi và chăm vợ bầu, anh cố gắng cân đối thời gian phù hợp. Ở lần thử sức năm ngoái, anh tiếp tục thất bại khi thiếu 0,25 điểm. "Tôi sợ không đủ thời gian nên làm vội nhiều câu dễ và bị nhầm. Sau lần ấy, tôi quyết tâm thi tiếp và đặt mục tiêu cao hơn", anh Luân nói.
Tháng 12/2020, anh bắt đầu ôn luyện, tiếp tục đăng ký các khóa học online và sử dụng nhiều tài liệu từ năm trước. Bận rộn với công việc ở phòng khám, anh tranh thủ những lúc vắng bệnh nhân để xem video bài giảng. Buổi tối, anh học từ 22h đến 0h, có ngày tới 2h, hôm nào bận cũng cố gắng ôn ít nhất hai tiếng.
Học online gặp nhiều khó khăn khi không tương tác được với thầy giáo. Anh Luân chỉ có thể học đêm, trong khi thời gian đó lại không có lớp online hay Zoom. Nếu có thắc mắc, anh cũng không được giải đáp ngay. Tuy nhiên, chưa hiểu phần nào, học viên có thể để lại bình luận, sẽ có trợ giảng giải thích hoặc thầy giáo gọi điện hỗ trợ.
Từ khi xác định thi lại đại học, anh Luân tập trung vào ôn luyện, chấp nhận cảnh sống xa vợ con. Khi dịch bệnh chưa căng thẳng, mỗi tuần anh xuống Hà Nội thăm vợ con hai ngày. Chiều hết giờ làm, anh bắt xe đi Hà Nội rồi 4h sáng thứ hai lại ngược về Bắc Giang sớm.
Hai vợ chồng xác định cùng nhau cố gắng cho tương lai đoàn tụ ở Hà Nội. Ngoài vợ là hậu phương vững chắc, anh Luân được gia đình hai bên động viên, thay nhau lên chăm sóc cháu. "Nhà vợ luôn ủng hộ, còn bố mẹ tôi nói sẽ hỗ trợ tiền ăn, học để vợ chồng không quá vất vả. Nhưng chúng tôi cũng có sự chuẩn bị về kinh tế, nếu không tôi không dám nghĩ tới đi học", bác sĩ tương lai chia sẻ.
So với năm ngoái, anh Luân đánh giá đề thi Toán năm nay dễ hơn, môn Hóa và Sinh mang tính phân loại học sinh. Ở bài thi Hóa, anh dự định lấy điểm cao nhưng bối rối ở một câu cân bằng phương trình, khiến không đủ thời gian cho hai câu còn lại. Cuối cùng, anh đạt tổng điểm 28,1, với 9,6 Toán, 9,25 Hóa học và 9,25 Sinh học. Cùng với 0,75 điểm cộng, anh Luân vừa đủ điểm đỗ ngành Y đa khoa của Đại học Y Hà Nội.
Biết anh Luân đỗ đại học, người thân và đồng nghiệp nhắn tin chúc mừng. Nhiều bạn bè bất ngờ khi anh có công việc ổn định lại tính chuyện thi lại. Trong lúc ôn thi mệt mỏi, anh Luân đôi lần thoáng nản chí. Mỗi lúc như vậy, anh tự hỏi mình lý do và mục đích thi lại để làm gì. "Tôi đã xác định thi là phải đánh đổi và đã làm là phải làm bằng được", anh Luân tâm sự.
Nhắc đến kết quả đạt được, anh Luân dành lời cảm ơn tới vợ. Nhờ sự hy sinh và đồng hành của vợ, anh có thêm động lực để đạt được ước mơ. Anh mường tượng cảnh 6 năm sau trong lễ tốt nghiệp sẽ cùng con trai lên nhận bằng.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hóa tại Hệ thống Giáo dục Hocmai, ấn tượng với học viên quê Bắc Giang ở ý chí, quyết tâm ôn thi lại. "Tôi từng khuyên bạn ấy cần cân nhắc kỹ việc thi lại để tập trung cho công việc hiện tại và chăm lo cho gia đình, vợ con. Nhưng Luân có khát khao cháy bỏng trở thành bác sĩ và được vợ cùng gia đình rất ủng hộ thi lại", thầy Ngọc kể.
Với thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Sinh học, anh Luân là học trò đặc biệt. Thầy Công nhớ lần học trò vừa canh vợ đẻ vừa ôn đại học. Biết điểm thi của anh Luân, thầy Công đã đoán cơ hội của anh rất cao. Nhưng khi những công bố về học phí của các trường phía Nam cao hơn, nhiều học sinh trong đó nhờ tư vấn để nộp nguyện vọng một vào Đại học Y Hà Nội, thầy Công lại lo lắng.
"Quả ngọt cuối cùng đã đến với Luân và gia đình sau bao nhiêu năm nỗ lực. Đó là món quà vô giá", thầy Công nói.
Bình Minh