Một phụ nữ sống tại tòa chung cư ở thành phố Incheon, giáp thủ đô Seoul, hôm 15/11 gọi điện báo cảnh sát về hàng xóm 40 tuổi sống ở tầng trên gây ồn ào. Hai cảnh sát, gồm một nam và một nữ, được điều tới khu chung cư để giải quyết sự việc.
Khi tới nơi, nam cảnh sát đứng ở tầng một trao đổi với những người liên quan, còn nữ cảnh sát lên tầng ba nói chuyện với người phụ nữ và con gái. Trong lúc bà này phàn nàn với nữ cảnh sát về tiếng ồn, người đàn ông ở tầng 4 mang dao đi xuống và tấn công bà.
Chứng kiến hành vi đâm chém của kẻ tấn công, thay vì tìm cách khống chế nghi phạm, nữ cảnh sát được trang bị súng điện và dùi cui đã chạy xuống cầu thang để tìm kiếm sự trợ giúp của đồng nghiệp nam lớn tuổi hơn và dày dạn kinh nghiệm hơn.
Chồng của nạn nhân, khi đó đang trao đổi với nam cảnh sát, nghe tiếng vợ la hét nên vội chạy lên ứng cứu, tay không đối đầu kẻ tấn công. Anh cứu được con gái khỏi kẻ tấn công nhưng hai bố con đều bị thương.
Nam cảnh sát sau đó dùng súng điện khống chế và bắt nghi phạm. Cảnh sát không xác nhận liệu hai cảnh sát có mang theo súng quân dụng hay không. Nữ cảnh sát 20 tuổi và mới làm việc được 6 tháng.
Nạn nhân bị chém đã được phẫu thuật khẩn cấp và hiện vẫn nằm viện.
Gia đình nạn nhân cho biết nghi phạm đã nhiều lần đe dọa và quấy rối họ. Đó là lần thứ tư họ gọi điện báo cảnh sát và là lần thứ hai vào ngày hôm đó.
Phản ứng của nữ cảnh sát đã khơi lại cuộc tranh luận về năng lực của cảnh sát Hàn Quốc, với một số người bảo thủ cho rằng chiến dịch tăng số lượng nữ sĩ quan trong lực lượng cảnh sát đã đi quá xa.
"Đạo luật Cảnh sát quy định ưu tiên hàng đầu của lực lượng này là bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân, cũng như ngăn chặn và trấn áp tội phạm, nhưng sự việc ở Incheon là sự chối bỏ trách nhiệm của cảnh sát", nghị sĩ Oh Yeong-hwan nói.
Nhiều người dân cũng bày tỏ sự thất vọng với năng lực cảnh sát sau sự việc. Bản kiến nghị kêu gọi xử lý nghiêm nữ cảnh sát do gia đình nạn nhân đề xuất đã thu thập được hơn 230.000 chữ ký trong ba ngày, vượt ngưỡng cần thiết để chính phủ phải phản hồi.
Tổng thống Moon Jae-in hôm qua nói rằng đây không phải vấn đề giới tính, mà là vấn đề nghĩa vụ của cảnh sát trong phục vụ và bảo vệ người dân.
Tổng Ủy viên Cảnh sát Quốc gia Kim Chang-yong xin lỗi về sự việc và cách chức trưởng đồn cảnh sát khu vực. Hai cảnh sát liên quan bị đình chỉ công tác, trong khi một cuộc điều tra nội bộ được tiến hành.
Đây không phải là lần đầu tiên cảnh sát Hàn Quốc gây tranh cãi về cách phản ứng với hành vi phạm tội. Năm 2018, dư luận nước này từng phẫn nộ khi một video cho thấy nhóm cảnh sát được trang bị súng và dùi cui đứng nhìn 7 người hành hung một người đàn ông.
Lee Yung-hyeock, giáo sư khoa học cảnh sát tại Đại học Konkuk, cho rằng cảnh sát Hàn Quốc thiếu các chương trình đào tạo kỹ năng thực địa để ứng phó với các tình huống khẩn cấp. "Nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự với các biện pháp sử dụng vũ lực cũng khiến cảnh sát ngần ngại sử dụng vũ khí, kể cả súng điện", Lee nói.
Lee Jun-seok, người đứng đầu đảng Quyền lực Nhân dân bảo thủ, nói rằng sự việc cho thấy các biện pháp bình đẳng giới có thể đang làm suy yếu lực lượng cảnh sát. Theo Lee, người nhiều lần chỉ trích các chương trình bình đẳng và nữ quyền, cảnh sát Hàn Quốc cần chấm dứt chính sách tăng tuyển dụng phụ nữ, để đảm bảo cảnh sát được tuyển chọn dựa trên năng lực thực tế.
Hàn Quốc đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nữ cảnh sát từ 13,4% vào tháng 12/2020 lên 15% vào năm 2022, trong tổng số 130.000 sĩ quan của lực lượng. Cảnh sát Hàn Quốc hồi tháng 6 công bố kế hoạch tăng tiêu chí đánh giá thể lực khi tuyển dụng nữ cảnh sát tương ứng với nam giới, sau những chỉ trích về tiêu chuẩn kép.
Huyền Lê (Theo Reuters, Korea Herald)