"Truy bắt lính đào ngũ" (D.P.) là một trong số những loạt phim ăn khách ở Hàn Quốc từ khi công chiếu từ cuối tháng 8. Loạt phim phản ánh hoạt động truy bắt lính đào ngũ của quân cảnh Hàn Quốc và hé lộ cuộc sống hàng ngày của lính nghĩa vụ tại đây, bao gồm nạn lạm dụng tinh thần và thể chất trong quân ngũ.
Đạo diễn Han Jun-hee cho biết ông tìm cách "kể một câu chuyện nhân văn" về hệ thống khiến những binh sĩ đào ngũ rơi vào tình cảnh vừa là nạn nhân và là tội phạm, cùng cái giá phải trả của những người tham gia nhiệm vụ truy lùng.
"D.P. là câu chuyện về cuộc truy lùng lính đào ngũ, song đôi khi cũng là câu chuyện trái ngược về cuộc tìm kiếm con trai, anh trai hoặc người yêu bất hạnh của ai đó", đạo diễn Han cho biết.
Khi được hỏi về mức độ nổi tiếng của loạt phim D.P., một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết môi trường quân ngũ thực tế đã thay đổi và quân đội Hàn Quốc đang cố gắng ngăn chặn tình trạng ngược đãi và đối xử tàn tệ trong quân ngũ.
Quân đội Hàn Quốc cho biết trước khi D.P. được công chiếu, lực lượng này đã lên kế hoạch loại bỏ hệ thống cho phép các binh sĩ thông thường truy lùng đồng đội đào ngũ, dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2022.
Hàn Quốc duy trì đội quân thường trực 550.000 người với 2,7 triệu quân dự bị. Hầu như tất cả nam giới Hàn Quốc phải đi nghĩa vụ quân sự với thời gian tới 21 tháng, tùy vào quân chủng. Những người đào ngũ có thể chịu án tới 10 năm tù.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết tình trạng lính nghĩa vụ đào ngũ hoặc bị ngược đãi đã giảm xuống, phần lớn do quyết định cho phép binh sĩ sử dụng điện thoại di động trong doanh trại từ năm 2019, song từ chối nêu số lượng binh sĩ đào ngũ.
Truyền thông Hàn Quốc cho biết 55 binh sĩ đào ngũ trong năm 2020 và 78 người trong năm 2019. Số vụ binh sĩ Hàn Quốc tự sát giảm từ 27 xuống 15 cùng kỳ.
Loạt phim D.P. được công chiếu trong bối cảnh Hàn Quốc tranh cãi về tương lai của chính sách nghĩa vụ quân sự. Nhiều nam thanh niên Hàn Quốc cho rằng họ mất thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự trong khi có thể học tập hoặc làm việc.
Tòa án Tối cao Hàn Quốc năm 2018 ra phán quyết rằng một số người có thể từ chối nhập ngũ với lý do điều này trái đạo lý. Quốc hội Hàn Quốc năm 2020 thông qua dự luật cho phép sao K-Pop hoãn nghĩa vụ quân sự cho tới khi họ 30 tuổi.
Quân đội Hàn Quốc gần đây rung chuyển bởi loạt bê bối lạm dụng tình dục trong năm nay, khiến các nghị sĩ thông qua đạo luật quy định lạm dục tình dục và bạo lực trong quân ngũ sẽ do các tòa án dân sự xử lý.
Các cựu binh Hàn Quốc phản ứng trái chiều về D.P., một số cho rằng loạt phim phản ánh trải nghiệm quân ngũ của họ, số khác quyết định không xem phim để ngăn ký ức đau buồn ập về. Một số cựu binh khác lại cho rằng D.P. thổi phồng quá mức nạn bạo lực quân ngũ.
"Một cảnh trong D.P. cho thấy họ ném ghệt vào một binh sĩ. Tôi từng trải qua nhiều vụ quấy rối tương tự", cựu binh Ma Joon-bin nói và mô tả giai đoạn trong quân ngũ năm 2013-2014 là "thời kỳ đen tối". "Giờ nhìn lại, tôi thấy điều này thật không công bằng, nhưng đấy là chuyện phổ biến hồi đó".
Lee Jun-tae, 24 tuổi, từng phục vụ trong quân đội Hàn Quốc năm 2017-2019, cho biết chưa bao giờ trải qua hay chứng kiến bất cứ đồng đội nào bị lạm dụng trong thời gian tại ngũ. "Trong thời kỳ đó, tôi không gặp bất cứ hành vi đối xử tàn bạo nào cả", Lee nói.
Lee Jae-myung, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Đồng hành cầm quyền, hồi tuần trước gọi những câu chuyện trong loạt phim D.P. là "lịch sử man rợ" của quân đội Hàn Quốc.
Hong Joon-pyo, ứng viên tổng thống của đảng Hàn Quốc Tự do đối lập, cho biết ông từng bị đối xử tàn tệ trong thời gian tại ngũ và cam kết sẽ chuyển chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc sang tình nguyện nhập ngũ nếu được bầu.
Tuy nhiên, chấm dứt chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc không thể giải quyết tất cả vấn đề trong quân đội Hàn Quốc nếu văn hóa quân ngũ không thay đổi, theo nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Hern-sik, người từng tham gia truy lùng binh sĩ đào ngũ.
"Nếu vẫn duy trì văn hóa đó, cuộc sống quân ngũ, dù bắt buộc hay tình nguyện, đều sẽ nảy sinh vấn đề, dưới cách này hay cách khác", Kim nói.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)