Khi Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức sau khi người tiền nhiệm bị buộc tội tham nhũng, ông cam kết sẽ xây dựng một "thế giới không có đặc quyền", nơi mọi người dân Hàn Quốc đều có cơ hội như nhau. Nhưng giờ đây, ông đang vướng vào một vụ bê bối liên quan tới Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk, thổi bùng hoài nghi về giới tinh hoa tự đặt ra quy tắc cho riêng mình ở nước này.
Vài tuần qua, gia tộc của tân Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk vướng vào nhiều cáo buộc tham nhũng, trong đó có vợ ông, người bị buộc tội giả mạo hồ sơ học vấn để đưa con gái vào trường y, một cáo buộc "động trời" trong xã hội coi học vấn là con đường quan trọng nhất dẫn tới thành công.
Vợ ông Cho cũng bị cáo buộc có liên quan tới một quỹ gia đình đã thực hiện các khoản đầu tư đáng ngờ vào một công ty sản xuất công tắc bóng đèn. Cháu trai của Bộ trưởng Cho đã bị tòa án Seoul phát lệnh bắt hồi giữa tháng 9. Công tố viên cũng cáo buộc em trai ông Cho tội biển thủ và hối lộ thông qua một trường học tư nhân.
Ông Cho từng là thư ký cấp cao của tổng thống trong các vấn đề dân sự và được coi là một ứng viên tổng thống tiềm năng. Ông bác bỏ mọi cáo buộc về hành vi sai phạm và thề sẽ không can thiệp vào cuộc điều tra nhằm vào gia đình. Nhà Xanh chưa đưa ra bình luận về sự việc.
Trong hai tuần qua, các nhóm sinh viên và các nhà hoạt động bảo thủ đã tổ chức những cuộc biểu tình lên tới vài triệu người ở thủ đô Seoul nhằm kêu gọi cả ông Moon và Cho từ chức.
Trong một cuộc thăm dò ý kiến do Hankook Research công bố hôm 10/10, 54% số người trả lời cho rằng ông Cho không nên được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Tư pháp.
Với nhiều người Hàn Quốc, vụ bê bối đã trở thành một ví dụ nữa về những người sinh ra đã "ngậm thìa vàng trong miệng", thuật ngữ được dùng để chỉ đặc quyền của con cái, người thân tầng lớp tinh hoa ở Hàn Quốc, An Jun-seong, giáo sư trợ giảng tại Đại học Yonsei ở Seoul, nói.
"Đa phần người Hàn xem tranh cãi về Cho Kuk là biểu hiện của việc cạnh tranh không lành mạnh kiểu mới trong ngành giáo dục", giáo sư An cho biết.
Theo ông An, con đường học vấn danh giá của con gái Cho Kuk, từ trường trung học quốc tế tới đại học y, đã được sắp xếp tỉ mỉ, khéo léo với sự giúp sức của vài giáo sư nổi tiếng. Họ được cho là những người có lợi ích kinh tế hoặc chính trị và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với thư ký cấp cao của tổng thống về vấn đề dân sự, một trong những người quyền lực nhất tại Nhà Xanh.
Khi nỗi bức xúc với bê bối của gia tộc họ Cho gia tăng, tỷ lệ ủng hộ ông Moon đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 44,4%, theo tổ chức thăm dò Realmeter, dù tỷ lệ này từng tăng vọt lên hơn 80% trong những năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Hong Deuk-pyo, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học Inha, cho rằng vụ bê bối phơi bày bộ mặt đạo đức giả của một số thân tín xung quanh Tổng thống Moon. "Tình thế này đã làm hoen ố hình ảnh ông Moon trong nỗ lực trở thành một Tổng thống đáng tin cậy", Hong nói.
Trong khi đó, những người ủng hộ Bộ trưởng Tư pháp cũng tổ chức các cuộc tuần hành và cáo buộc các công tố viên nhắm vào gia tộc họ Cho vì ông đã cố gắng kiềm chế quyền lực của họ, như giảm thẩm quyền điều tra trực tiếp và giới hạn cuộc thẩm vấn xuống chỉ còn tối đa 8 tiếng.
Theo quy định của luật Hàn Quốc, các công tố viên có quyền lực rất lớn, khi có thể truy tố nghi phạm và yêu cầu lệnh bắt giữ, được trao quyền giám sát và chỉ đạo các cuộc điều tra của cảnh sát.
"Cho từng cam kết sẽ cải cách triệt để quyền lực của cơ quan công tố trên cương vị Bộ trưởng Tư pháp", Shin Kwang-yeong, giáo sư xã hội học tại Đại học Chung-Ang. "Cơ quan công tố là một tổ chức gần như bất khả xâm phạm ở Hàn Quốc, từng là công cụ cai trị độc đoán trong quá khứ nhờ vào quyền lực độc quyền trong quá trình truy tố".
Shin cho biết tranh cãi hiện nay trên thực tế phản ánh một cuộc xung đột gay gắt giữa "những người ủng hộ cải cách và những người phản đối", đồng thời cáo buộc truyền thông bảo thủ đã rò rỉ những tài liệu chưa được kiểm chứng từ công tố viên. "Các cáo buộc bị phóng đại đã tác động tới dư luận", ông nói.
Tham nhũng là cáo buộc khá phổ biến trên chính trường Hàn Quốc, nơi ba trong số 7 tổng thống đã phải ngồi tù vì nhiều tội danh kể từ năm 1987. Cựu tổng thống Roh Moo-hyun đã tự sát vào năm 2009 khi các công tố viên điều tra gia đình ông vì nghi ngờ tham nhũng.
Người tiền nhiệm của ông Moon, bà Park Geun-hye, mất chức sau khi bị buộc tội tham nhũng và bê bối xoay quanh người phụ tá bí ẩn, Choi Soon-sil, người được hưởng nhiều đặc ân, bao gồm việc đưa con gái vào học trong một đại học danh tiếng ở Seoul.
Bà Park bị kết án hơn 30 năm tù sau một phiên tòa năm ngoái, với các tội danh như lạm quyền, hối lộ và can thiệp vào cuộc bầu cử quốc hội năm 2016. Người tiền nhiệm của bà Park, ông Lee Myung-bak, năm ngoái bị kết án 15 năm tù vì nhận hối lộ và biển thủ.
Trong bài phát biểu lúc nhậm chức, Moon cam kết trở thành một tổng thống "liêm chính" và chấm dứt "lịch sử không may" về các vụ bê bối tổng thống ở Hàn Quốc. Gần một nửa nhiệm kỳ 5 năm trôi qua, cam kết của ông đang đối mặt thách thức lớn nhất.
"Người dân ngày càng trở nên bức xúc hơn với chính quyền của ông Moon", Dong Yon Kim, cựu nhà báo và sĩ quan không quân, người đang làm việc cho KORGAD - tổ chức phi chính phủ tập trung vào an ninh quốc gia, nói. "Đó là sự pha trộn nhiều cảm xúc giận dữ khác nhau được hình thành từ một loạt tiến trình bị coi là bất công, vô cảm của chính phủ", ông nói.
Nhật Duy (Theo SCMP)