Nhưng bây giờ, sau khi 80% dòng chảy của sông được sử dụng cho thủy điện, "chúng tôi đổ mồ hôi khi ngồi hóng mát, dù có dùng quạt điện", Hadieri, 70 tuổi, một người dân Muzaffarabad, nói.
Pakistan đang tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh mới. Chính quyền chuyển hướng dòng chảy các con sông qua đường hầm để khai thác thủy điện sạch. Nhưng sự chuyển hướng này cũng gây ra hàng loạt vấn đề, từ gia tăng nền nhiệt đô thị tới thiếu nước, tích tụ chất thải dưới đáy sông.
Ở Muzaffarabad, thủ phủ vùng Azad Jammy và Kashmir (AJK), người dân từng phản đối dự án chuyển hướng dòng Nellum năm 2018 để tạo ra gần một gigawatt điện. Ngay cả các quan chức ngành môi trường cũng thừa nhận từ khi dòng sông bị đổi hướng, mùa hè tại thành phố 190.000 dân này oi bức hơn.
Chính quyền đang lên kế hoạch chuyển hướng Jhelum, con sông thứ hai chảy qua thành phố, cho một dự án thủy điện khác. Nhiều tiếng nói phản đối và cảnh báo về tác động môi trường của dự án với thủ phủ bang liên tục vang lên.
"Nước chảy trong lòng sông không nên lãng phí, nên được khai thác vì lợi ích con người, nhưng cần tránh chuyển hướng dòng chảy", Raja Abbas Khan, nguyên lãnh đạo cơ quan bảo vệ môi trường AJK (EPA), cảnh báo.
Shafiq Abbasi, phó giám đốc EPA, cho hay Neelum từng đóng vai trò như một hệ thống tản nhiệt hiệu quả cho thành phố. Người dân thường tập trung ven bờ suốt mùa hè, khi thời tiết nóng nực. Nhưng từ khi dòng sông bị chuyển hướng, khả năng hấp thu nhiệt của nó đã giảm hơn một nửa trong những tháng mùa hè nóng nực từ tháng 5 tới tháng 8.
Faisal Jameel, doanh nhân, thành viên chiến dịch bảo vệ hai con sông ở Muzaffarabad, cho rằng chính quyền cần tăng cường cung cấp nguồn nước, xử lý chất thải rắn và xử lý nước thải để đối phó với tình trạng suy giảm dòng chảy ở Neelum.
Sau khi người dân phản đối, Cơ quan Phát triển Điện và Nước Pakistan, đơn vị quản lý dự án điện, đã cung cấp vốn cho chính quyền bang AJK để giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc chuyển hướng dòng sông.
Ejaz Ahmed Khan, thư ký bang phụ trách Bộ phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Địa phương, cho hay hơn 30 dự án bảo vệ nguồn nước hoặc cải thiện chất thải rắn đã được thực hiện tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi đường hầm thủy điện. Nhưng cái cần nhất là một nhà máy xử lý chất thải rắn cho cả khu vực lại không được triển khai bởi địa phương thiếu kỹ sư về chuyên ngành này.
Do đó, cơ quan bảo vệ môi trường của bang từ chối chứng nhận các nỗ lực xử lý nguồn nước và chất thải với lý do chúng chưa hoàn thành, theo Adnan Khurshid, tổng giám đốc EPA của tỉnh.
Những người ủng hộ môi trường cho rằng kế hoạch chuyển dòng sông Jhelum để lấy nước cung cấp cho nhà máy thủy điện 1,1 gigawatt nằm trong dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) là bước đi quá xa với Muzaffarabad.
Sau khi người biểu tình cắm trại suốt hai tháng gần ngã ba của hai con sông, Thủ tướng Pakistan đã chỉ đạo quan chức tài nguyên nước quốc gia và ban ngành khác tới thanh tra địa điểm dự án để đánh giá tác động môi trường.
Họ cho hay dự án thiếu một nguyên cứu chuyên sâu về rủi ro tác động môi trường. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình vào mùa hè ở Muzaffarabad và khu vực lân cận đã tăng 4-5 độ C từ khi dòng Neelum bị chuyển hướng.
Đoàn thanh tra nhận định cần thực hiện một nghiên cứu mới để tìm ra cách duy trì hiệu quả dòng chảy qua thành phố, cân nhắc xử lý chất thải rắn và nước thải đổ vào Neelum.
Bashir Ur Rehman Kant, trưởng khoa khoa học sức khỏe, Đại học Azad Jammu và Kashimir tại Muzaffarabad, khẳng định việc chuyển hướng dòng chảy khiến lòng sông nóng hơn và nhiệt độ mùa hè cao hơn.
"Xin hãy ngừng đổ rác xuống sông, thiết lập hệ thống xử lý chất thải rắn. Ở những nơi khác trên thế giới, làm gì có chuyện đổ chất thải xuống sông", Kant nói.
Khan, cựu giám đốc EPA, cho rằng các dự án thủy điện không nên thiết kế theo hướng chuyển dòng, nhất là khi biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ gia tăng và nhu cầu làm mát của người dân lớn hơn.
Ông khẳng định việc chuyển hướng con sông thứ hai ở Muzaffarabd sẽ mang tới "thảm họa".
Còn Muhammad Imtaiz Khan, cựu giám đốc Tổ chức phát triển điện AJK, cho rằng những dự án thủy điện quy mô lớn không khả thi nếu không chuyển hướng dòng chảy. Tuy nhiên, ông nhận định có thể thiết lập hàng loạt dự án thủy điện nhỏ dọc các nhánh sông để sản xuất đủ điện mà không gây nhiều hậu quả môi trường.
Hadieri, người luôn nhớ về những buổi tối cùng gia đình hóng mát trên ban công nhà, cũng đồng ý với Khan.
"Chúng tôi không phản đối xây dựng thủy điện nhưng không nên đánh đổi chúng bằng môi trường", ông nói.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)