Quan chức Ấn Độ cảnh báo Trung Quốc có thể sử dụng đập để kiểm soát dòng chảy của sông chảy vào phía đông bắc Ấn Độ, cắt nguồn cung cấp, gây khan hiếm nước hoặc đột ngột xả nước gây lũ quét. Tại Bangladesh, các chuyên gia lo ngại rằng Trung Quốc có thể xây đập để chuyển dòng chảy, gây khan hiếm nước ở hạ lưu.
Yarlung Zangbo chảy về hướng đông, kéo dài qua nam Tây Tạng khoảng 1.600 km, sau đó rẽ về hướng nam tại khúc uốn quanh Great Bend để chảy vào Ấn Độ. Ở Ấn Độ, sông chảy qua các bang Arunachal Pradesh, được gọi là sông Siang, và Assam, được gọi là sông Brahmaputra, trước khi đổ vào Bangladesh. Sau khi nhập vào sông Ganga ở Bangladesh, sông đổ ra Vịnh Bengal.
Con đập có thể sẽ được xây dựng tại Great Bend. Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (POWERCHINA ) Yan Zhiyong hôm 6/12 cho biết họ sẽ xây dựng con đập.
"Việc khai thác thủy điện 60 triệu kWh ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo có thể cung cấp 300 tỷ kWh điện sạch, có thể tái tạo và không carbon" hàng năm, đóng một vai trò quan trọng "giúp Trung Quốc đạt đỉnh phát thải carbon trước năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060", Yan cho hay.
Sản lượng thủy điện dự án này dự kiến cao gấp ba lần đập Tam Hiệp, nơi có công suất thủy điện lắp đặt lớn nhất trên thế giới. Yan mô tả dự án đập là "một cơ hội lịch sử cho ngành thủy điện Trung Quốc".
Nhưng các nước ở hạ lưu kém lạc quan hơn. Có những lo ngại rằng con đập của Trung Quốc sẽ "tác động sâu rộng đến an ninh nguồn nước của vùng đông bắc Ấn Độ", thậm chí giúp Bắc Kinh "kìm hãm nền kinh tế Ấn Độ".
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc tuyên bố các nước hạ lưu không cần "lo lắng" về việc xây dựng đập của họ và cam kết sẽ liên lạc đầy đủ.
"Khi sử dụng và phát triển các con sông xuyên biên giới, Trung Quốc luôn hành động có trách nhiệm", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh.
Những người ủng hộ dự án đưa ra thực tế rằng thể tích sông Brahmaputra không phụ thuộc quá nhiều bởi nước chảy từ Tây Tạng, mà do các nhánh sông bắt nguồn từ bang Arunachal Pradesh. Điều này có nghĩa ngay cả khi Trung Quốc trữ nước tại đập họ định xây ở Great Bend, dòng nước của Brahmaputra sẽ không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Ngoài ra, đập được đề xuất sẽ là dự án thủy điện dòng chảy, do đó không cần trữ lượng nước lớn trong hồ chứa.
Tuy nhiên, những đảm bảo như vậy khó có thể làm dịu đi những lo ngại của Ấn Độ về con đập. Thứ nhất, đây không phải con đập đầu tiên Trung Quốc dự kiến xây trên Yarlung Zangbo, mà là đập thứ năm. Ngoài dự án thủy điện Zangmu bắt đầu hoạt động năm 2015, các con đập đang được xây tại Dagu, Jiexu và Jiacha. Do đó, nhiều khả năng sẽ có nhiều đập hơn trong những năm tới.
Hơn nữa, Trung Quốc bị cáo buộc không minh bạch về hoạt động xây dựng đập. Bắc Kinh liên tục phủ nhận kế hoạch xây đập ở Zangmu suốt vài năm, sau đó tiếp tục xây thêm một dự án thủy điện tại đó. Sự thiếu minh bạch đối với các dự án đập khiến Ấn Độ lo ngại rằng dù khẳng định con đập mới trên Yarlung Zangbo là dự án thủy điện, Trung Quốc cuối cùng sẽ chuyển nước cho nông nghiệp và các mục đích khác.
Trong khi đó, Ấn Độ đang đẩy mạnh kế hoạch cho các dự án thủy điện và trữ nước ở phía đông bắc đất nước. Họ đã công bố kế hoạch xây dự án thủy điện 10 gigawatt ở Arunachal Pradesh. Dự án không chỉ nhằm tạo ra điện mà còn để trữ nước, dường như "nhằm bù đắp tác động của các con đập Trung Quốc đối với dòng chảy".
Các chuyên gia Bangladesh cho rằng tác động của đập Trung Quốc đối với Ấn Độ sẽ lớn hơn đối với Bangladesh. Tuy nhiên, với tư cách là quốc gia nằm ở hạ nguồn, Bangladesh sẽ phải gánh chịu những tác động lớn từ hoạt động xây đập của cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Huyền Lê (Theo Diplomat)