Khi bạn bị lây nhiễm virus hoặc vi khuẩn, hoặc sau khi tiêm vaccine (lần đầu tiên cơ thể tiếp xúc với thành phần giống virus, vi khuẩn có trong vaccine) hệ miễn dịch sẽ kích hoạt hệ thống bảo vệ. Kháng thể là một thành phần quan trọng của hệ miễn dịch, đặc hiệu với riêng từng loại virus, vi khuẩn. Thông thường, kháng thể bắt đầu hình thành sớm ngay sau khi tiếp xúc với virus (kháng thể IgM), đến khoảng hai tuần có thể phát hiện trong máu, tăng nhiều dần và duy trì trong một thời gian dài (kháng thể IgG) để giúp bảo vệ cơ thể chống lại virus, vi khuẩn ở những lần tiếp xúc sau đó.
Mức độ kháng thể tạo ra ở người mắc Covid-19 tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Bao gồm, cơ địa của người bệnh; thời điểm lấy máu làm xét nghiệm (quá sớm hoặc quá trễ sau khi mắc bệnh đều có thể có kết quả âm tính); mức độ nặng của bệnh (nhiễm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể không có kháng thể hoặc có kháng thể ở nồng độ thấp và giảm nhanh chóng đến âm tính sau một thời gian). Ngoài ra, kỹ thuật xét nghiệm cũng rất quan trọng khi xét nghiệm định tính không chính xác bằng định lượng. Như vậy, những người từng mắc Covid-19 không triệu chứng hay có triệu chứng nhẹ vẫn có thể có kết quả xét nghiệm kháng thể âm tính dù tiến hành thử nghiệm kháng thể bằng kỹ thuật định lượng có độ chính xác cao.
Xét nghiệm kháng thể hiện nay không được khuyến cáo thường quy để đánh giá miễn dịch sau tiêm vaccine Covid-19. Kháng thể tạo ra sau tiêm vaccine phòng Covid-19 khác nhau tùy vào độ tuổi, tình trạng miễn dịch sẵn có, bệnh lý nền của người được tiêm vaccine. Nồng độ kháng thể cao hay thấp không là chỉ tiêu để so sánh hiệu quả của vaccine trong thế giới thực. Thêm nữa, nếu định lượng kháng thể thấp không có nghĩa là bạn không được bảo vệ, vì phản ứng của tế bào B trí nhớ được tạo ra từ tiêm chủng vẫn có thể tạo ra sự bảo vệ khi tái phơi nhiễm với virus thật sự.
Bên cạnh đó, phương pháp xét nghiệm kháng thể Covid-19 có nhiều loại khác nhau trên thị trường, chúng có độ nhạy và độ đặc hiệu thay đổi tùy theo loại sinh phẩm xét nghiệm. Các ngưỡng dương tính của giá trị xét nghiệm định lượng kháng thể IgG của các máy xét nghiệm hiện nay đều dựa trên nồng độ kháng thể trung bình của bệnh nhân dương tính với Covid-19 sau 14-15 ngày, và quy đổi gián tiếp để ước tính về khả năng trung hoà virus.
Hiện có ba phương pháp xét nghiệm kháng thể Covid-19. Loại thứ nhất là xét nghiệm định tính (test nhanh kháng thể). Phương pháp này sử dùng kit test có sẵn như kit test nhanh kháng nguyên Covid-19, nhưng lấy mẫu bằng cách chích máu và nhỏ vào khay test, kết quả với kháng thể IgG, IgM là âm tính (không có kháng thể) hay dương tính (có kháng thể).
Ưu điểm của test nhanh kháng thể là cho kết quả chỉ sau 15 phút, nhưng kết quả kém chính xác, nhất là nếu làm test quá sớm, khi cơ thể chưa sản sinh đủ kháng thể. Kết quả test nhanh kháng thể không cho cụ thể chỉ số kháng thể là bao nhiêu nên không đánh giá được sự thay đổi của nồng độ kháng thể (tăng/giảm) theo thời gian.
Loại thứ hai là xét nghiệm định lượng kháng thể gắn kết (binding antibody). Việc gắn kết kháng nguyên - kháng thể giúp đánh giá sự phơi nhiễm, nghĩa là "đã từng gặp gỡ" của hệ miễn dịch với virus hoặc thành phần virus. Đây là xét nghiệm kháng thể sử dụng rộng rãi hiện nay, nhưng chúng không cho biết mức độ phản ứng của hệ miễn dịch thật sự thế nào.
Phương pháp này cũng lấy mẫu máu nhưng thực hiện phân tích bằng máy xét nghiệm miễn dịch và cho kết quả định lượng đếm được nồng độ kháng thể trong cơ thể, thông thường sẽ là kháng thể IgG chống protein S, RBD (vùng có gắn kết kết với protein S) và/ hoặc nucleocapsid của virus. Thời điểm thích hợp để làm xét nghiệm định lượng kháng thể sau khi tiêm vaccine là khoảng 28 ngày sau tiêm mũi một và 14-28 ngày sau tiêm mũi hai. Tuỳ vào mục đích theo dõi kháng thể ở bệnh nhân Covid-19, có thể làm làm xét nghiệm kháng thể 3-5 ngày khi có triệu chứng của bệnh hoặc sau khi khỏi bệnh một tháng.
Kỹ thuật thứ ba là xét nghiệm đánh giá kháng thể trung hòa (neutralising antibody). Phương pháp này thực hiện bằng kỹ thuật trung hòa giảm đám hoại tử, nhằm đánh giá khả năng vô hiệu hóa virus sống gây bệnh. Loại xét nghiệm này phức tạp, độ nhạy cao nhưng chưa phổ biến, hiện chỉ dùng trong nghiên cứu sản xuất phê duyệt vaccine, theo dõi sau cấp phép vaccine phòng Covid-19 hoặc nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị bệnh.
Các xét nghiệm kháng thể hiện nay chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, khảo sát mức độ miễn dịch trong cộng đồng và một số trường hợp điều trị bệnh. Bộ Y tế Việt Nam đã có văn bản khuyến cáo không sử dụng xét nghiệm kháng thể rộng rãi trong toàn dân sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh
Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM