Gói dịch vụ này tại phòng khám đa khoa trên đường Cao Thắng, quận 10, chi phí 300.000 đồng. Cầm kết quả sau hơn 3 giờ lấy máu xét nghiệm, anh Thành cho biết "khá yên tâm vì nồng độ kháng thể ở mức cao". "Tôi tiêm mũi hai vaccine cách đây một tháng, không rõ vaccine có hiệu quả hay không nên đi xét nghiệm", anh Thành chia sẻ.
Anh Thành đã khảo giá ở nhiều nơi để chọn dịch vụ xét nghiệm. Chi phí khá cách biệt, nhiều nơi quảng cáo dịch vụ này từ 300.000 đồng đến khoảng 1,5 triệu đồng. Một số nơi nhân viên y tế đến tận nhà để lấy mẫu, sau đó kết quả sẽ được gửi trực tuyến hoặc giao đến nhà tùy theo yêu cầu.
Nhiều bệnh viện thời gian qua triển khai dịch vụ này, song không tiết lộ số lượng khách hàng. Một phòng khám tại Bình Chánh quảng cáo "xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19 giúp đánh giá hiệu quả của việc tiêm vaccine Covid -19", xem vaccine đã tạo đủ miễn dịch để bảo vệ cơ thể trước Covid-19 hay chưa. Nhân viên tư vấn cho biết phòng khám có gói dịch vụ cho nhân viên y tế tới nhà lấy máu, đưa về bệnh viện để làm xét nghiệm có kết quả trong ngày. Giá của dịch vụ đối với một người là 1,5 triệu đồng, nếu xét nghiệm 3 người giá giảm còn 1,3 triệu đồng/người. Trung tâm này khuyến cáo thời gian tốt nhất để làm xét nghiệm là 28 ngày sau tiêm mũi một vaccine Covid-19 và 14 -28 ngày sau khi tiêm đủ hai mũi.
Một bệnh viện đa khoa tư nhân tại Củ Chi quảng cáo xét nghiệm định lượng kháng thể dành cho người có nhu cầu cần biết cơ thể có tạo kháng thể đủ để chống lại bệnh Covid-19 hay không và nếu có sẽ đạt được nồng độ bao nhiêu sau khi tiêm vaccine. Ngoài ra, dịch vụ còn nhắm đến nhóm đối tượng được bác sĩ chỉ định hay có yêu cầu xét nghiệm khi chẩn đoán nghi ngờ bị nhiễm hay đã bị nhiễm Covid-19, để hỗ trợ chẩn đoán xem cơ thể có kháng thể nhiều hay ít và qua đó biết được đáp ứng sinh kháng thể của người bệnh.
"Sau khi xét nghiệm kháng thể và có kết quả, cần quay lại phòng khám gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể về kết quả và những lưu ý cần thiết khác", bệnh viện này khuyến cáo.
Tại một bệnh viện đa khoa quốc tế ở Bình Chánh, mức giá xét nghiệm định lượng kháng thể là 350.000 đồng, không cần đăng ký trước, làm việc tất cả ngày trong tuần, có kết quả sau khoảng hai giờ. Bệnh viện đang thực hiện xét nghiệm kháng thể cho tất cả những người có nhu cầu.
Hiện nay, Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM đã có văn bản gửi các đơn vị, khuyến cáo không thực hiện xét nghiệm kháng thể Covid-19 để tránh tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, xét nghiệm huyết thanh phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm virus và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh Covid-19. Xét nghiệm này chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với virus gây bệnh Covid-19.
Họp báo chiều 4/10, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho rằng "các quy định mà nhà nước không cấm thì các đơn vị được phép thực hiện". Song, "về mặt khoa học, Bộ Y tế cũng như Sở Y tế TP HCM không khuyến cáo nên làm xét nghiệm kháng thể, vì nó không có ý nghĩa và lãng phí kinh tế", bác sĩ Mai khẳng định.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân không nên xét nghiệm kháng thể. Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái (Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực phía Bắc) cho rằng trên thế giới chưa có quốc gia nào khuyến cáo xét nghiệm định lượng kháng thể sau khi tiêm đủ hai mũi vaccine, bởi tiêm vaccine cộng đồng mà xét nghiệm kháng thể, chắc chắn sẽ dẫn đến việc so sánh giữa vaccine này với vaccine khác.
"Về nguyên tắc, không một quốc gia nào đề xuất xét nghiệm kháng thể khi triển khai tiêm vaccine diện rộng, mà chỉ làm để phục vụ trong công tác nghiên cứu và điều trị để đưa ra chiến lược toàn diện hơn", Tiến sĩ Thái khẳng định.
Ông cũng nhấn mạnh, lý do thứ hai chưa làm xét nghiệm định lượng kháng thể vì đến nay chưa xác định chuẩn trong xét nghiệm kháng thể như nồng độ nào coi là ngưỡng bảo vệ; nồng độ nào tối ưu; nồng độ nào thì sẽ nhiễm bệnh. Ngoài việc định lượng kháng thể nói chung, loại xét nghiệm tối ưu hơn đánh giá kháng thể trung hòa mới phần nào đánh giá được khả năng bảo vệ khi phơi nhiễm với mầm bệnh.
Mỗi loại vaccine có thể giúp tạo ra lượng kháng thể khác nhau, nhưng ngoài kích thích sinh kháng thể thì vaccine còn kích hoạt miễn dịch qua trung gian tế bào, nhìn kháng thể cao chưa chắc đã tốt hơn và ngược lại. Có khoảng 50% người nhiễm nCoV không có kháng thể, hoặc không định lượng được kháng thể, nhưng người ta không nhiễm bệnh tiếp trong những lần phơi nhiễm tiếp theo.
Theo bác sĩ Thái, nếu xét nghiệm định lượng kháng thể để đánh giá khả năng một người đã được bảo vệ là chưa đủ căn cứ khoa học. Đây là lý do Bộ Y tế chưa có khuyến cáo xét nghiệm trên diện rộng mà hiện nay mới chỉ có xét nghiệm định lượng kháng thể nCoV cho công tác điều trị và nghiên cứu cộng đồng.
Phân tích kỹ hơn về xét nghiệm kháng thể, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, (Giảng viên Bộ môn Miễn dịch Sinh lý Sinh lý bệnh, Đại học Y dược TP HCM, kiêm Phó trưởng Đơn vị Tiêm Chủng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM) cho biết virus gây Covid-19 có thể nhận dạng qua nhiều kháng nguyên khác nhau như kháng nguyên protein gai (S), kháng nguyên nucleocapsid (N).
Sau khi mắc bệnh tự nhiên hoặc tiêm vaccine, hệ miễn dịch sản xuất ra kháng thể. Khi mắc bệnh thì cơ thể tạo ra đủ loại kháng thể tương ứng chống lại cả kháng nguyên S và N. Sau khi tiêm vaccine Covid-19, dựa theo cơ chế sản xuất vaccine thì đa số đều chỉ tạo ra kháng thể chống lại kháng nguyên S hoặc RBD (vùng có gắn kết kết với protein S); trừ nhóm vaccine bất hoạt lấy thành phần là toàn bộ virus đã chết. Các kháng thể có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để phát triển trong cơ thể. Vì vậy, không nên đi làm xét nghiệm kháng thể ngay sau khi vừa tiêm vaccine xong.
Theo bác sĩ Hiền Minh, với virus gây Covid-19 thì protein gai (S) có vai trò quyết định khả năng xâm nhập tế bào. Các công ty làm kit xét nghiệm kháng thể Covid-19 đều chọn lựa phát triển sản phẩm theo hướng khác nhau và trên thị trường xét nghiệm dịch vụ hiện nay phần lớn đều tập trung định lượng kháng thể IgG chống kháng nguyên S. Hoặc, các test nhanh kiểm tra kháng thể IgM, IgG là xét nghiệm định tính của phản ứng gắn kết kháng nguyên - kháng thể.
"Đây là xét nghiệm kháng thể sử dụng rộng rãi hiện nay, cho kết quả nhanh nhưng chúng không cho biết mức độ phản ứng của hệ miễn dịch hoặc hiệu quả bảo vệ thế nào", bác sĩ Minh giải thích.
Theo bác sĩ Hiền Minh, xét nghiệm đơn thuần định lượng nồng độ kháng thể chống lại kháng nguyên S hay N của virus gây Covid-19 chỉ đại diện cho một khía cạnh của phản ứng miễn dịch phức tạp. Thiếu hoặc ít kháng thể IgG trong xét nghiệm không có nghĩa là cơ thể không được bảo vệ, vì phản ứng trí nhớ miễn dịch được tạo ra từ nhiễm virus hoặc tiêm chủng trước đó vẫn có thể tạo ra sự bảo vệ khi lần sau tái phơi nhiễm với virus.
Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) cho rằng việc hiểu sai các xét nghiệm kháng thể Covid-19 trong máu có thể khiến mọi người coi thường các biện pháp phòng ngừa đã được chứng minh, đồng thời đưa ra kết luận không đúng về hiệu quả của vaccine. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc từ chối tiêm chủng của những người khác, cuối cùng làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân hãy bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin, không nên nóng vội đi xét nghiệm. Những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine vẫn phải tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế thực hiện 5K để phòng bệnh cho bản thân và cho cộng đồng.
Lê Cầm - Lê Phương