Tôi là một người không thích và không muốn uống rượu bia, rất ủng hộ quy định xử phạt nồng độ cồn như hiện tại. Đúng là nhiều khi ăn hoa quả lên men, ngâm đường như dâu tằm, sấu ngâm, hay một số loại quả ngâm khác để trị ho cũng sẽ có một chút nồng độ cồn, nếu bị thổi phạt thì cũng oan cho người vi phạm.
Tuy nhiên, nếu tạo ra "vùng xanh" thì cũng rất khó. Bởi người mời rượu sẽ nói rằng "uống một chén tí nữa bay hơi hết không sao đâu". Nhưng uống một chén rồi mà người khác mời bạn không uống thì họ lại bảo "không tôn trọng, không coi nhau ra gì", nhất là khi người kia có thể là cấp trên, là đối tác... Cho nên, cũng cần nghiên cứu kỹ vấn đề này.
Tôi thấy, từ khi quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe, đi ăn tiệc người ta cũng ít uống rượu bia hơn. Đặc biệt, những người lái ôtô hạn chế rất nhiều, gần như bỏ hẳn rượu bia dù trước kia họ vẫn thường xuyên uống. Nó cho thấy mức phạt cao đã phần nào có sức răn đe.
Tuy nhiên, với một bộ phận người đi xe máy, họ vẫn chưa thực sự thấy sợ. Một phần vì họ nghĩ "chắc mình sẽ không gặp CSGT đâu", có người tự tin "chỗ mình không có chốt CSGT đứng nên chẳng lo", hay "có phạt mấy triệu đồng cũng chẳng là gì"...
>> Tình ngay lý gian vì quy định nồng độ cồn trong máu bằng 0
Thế nên, tôi cho rằng, mức phạt hiện nay mới chỉ khiến người ta sợ thôi chứ chưa đến mức thẳng thừng từ chối mỗi khi được mời rượu. Thực tế, tình trạng lái xe sau khi uống rượu vẫn còn rất nhiều. Nhất là ở những khu vực không có chốt CSGT đứng thổi nồng độ, người ta vẫn vô tư uống rượu và lái xe. Chỉ khi gây tai nạn rồi thì mọi thứ đã muộn.
Để những người tham gia giao thông bỏ hẳn rượu bia, để những người đã uống đồ uống có cồn không tham gia giao thông nữa, theo tôi, ngoài phạt tiền cần áp dụng thêm nhiều hình thức bổ sung. Chẳng hạn như, nếu một người bị xử phạt nồng độ cồn, CSGT có thể yêu cầu cơ quan, công ty, doanh nghiệp của người đó kỷ luật bổ sung bằng cách hạ chức vụ, hạ bậc lương. Thậm chí, công ty, doanh nghiệp cơ quan có thể đuổi việc nhân viên nếu cố tình điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia.
Ngoài ra, có thể nghiên cứ áp dụng phạt phạt lao động công ích bảy ngày. Nếu người uống bia rượu và điều khiển phương tiện gây tai nạn thì có thể điều tra thêm họ uống với ai, uống tự nguyện hay bị ép, nếu bị ép có thể tính phạt luôn người mời. Rút bằng lái vĩnh viễn với lái xe nếu vi phạm nồng độ cồn ở mức tối đa. Với những trường hợp vi phạm ở mức cao, gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bổ sung thêm xử phạt hình sự, bất kể người đó có khắc phục hậu quả thế nào. Phạt như vậy, tôi dám chắc chẳng ai dám uống mà còn điều khiển phương tiện nữa.
Tóm lại, lực lượng CSGT luôn quá mỏng để xử lý được hết các vi phạm. Do vậy, thay vì việc đòi hỏi có thêm "vùng xanh" nồng độ cồn, tôi cho rằng cần phạt nặng các trường hợp vi phạm để mọi thứ đi vào quy củ. Khi tiền phạt bằng nửa tháng lương thì tôi tin ai cũng phải sợ và tránh.
* Bạn có ủng hộ quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe?
Bài viết gửi về địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
- 'Vùng xanh' nồng độ cồn
- Tôi không sợ 'nồng độ cồn bằng 0' sau khi uống 5 lon bia buổi trưa
- 'Nồng độ cồn bằng 0 vì một lon bia có thể tước đi mạng người'
- Hai ly rượu báo hại tôi bị phạt nồng độ cồn ngày bố nhập viện cấp cứu
- 'Giảm tiền phạt để tránh hàm oan người uống một ly rượu từ hôm trước'
- Sợ đến già sau một lần được oai khi lái ôtô đi nhậu