Ngày 18/8, quốc hội Anh triệu tập phiên họp một ngày để nghe các nhà lập pháp đưa ra những phát biểu chân thành tôn vinh những người lính đã ngã xuống, đồng thời phân tích bên nào có lỗi.
Thủ tướng Boris Johnson ca ngợi những thành công ở Afghanistan trong 20 năm qua, cụ thể là 3,6 triệu trẻ em gái đang đi học và phụ nữ được bầu vào các chức vụ chính trị. Nhưng các nhà lập pháp đưa ra những lời chỉ trích gay gắt đối với cả ông và Tổng thống Biden, nói rằng những tiến bộ đó có thể sớm bị đảo ngược.
Nhà lập pháp Chris Bryant từ Công đảng cho rằng nước Anh đã tự làm bẽ mặt và kéo danh dự của mình xuống vũng bùn. Ông gọi sự trỗi dậy của Taliban là sự sụp đổ đột ngột và thảm khốc nhất của mục tiêu chính sách quân sự và đối ngoại kể từ Suez", ám chỉ chiến dịch quân sự của Anh năm 1956 vào Bán đảo Sinai, sau khi Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quốc hữu hóa kênh đào.
Thủ tướng cảnh báo Taliban rằng họ sẽ bị phán xét "dựa trên những lựa chọn và hành động thay vì lời nói - về thái độ của họ đối với khủng bố, tội phạm và ma tuý, cũng như quyền tiếp cận nhân đạo và quyền được đi học của bé gái".
Johnson điều thêm 800 binh sĩ Anh tới sân bay Kabul để hỗ trợ sơ tán công dân Anh và người dân địa phương đã làm nhân viên hỗ trợ và thông dịch viên cho chính phủ Anh. Các quan chức cam kết sẽ giúp 20.000 người tị nạn Afghanistan tái định cư ở Anh trong những năm tới. Họ hứa sẽ tiếp nhận 5.000 người trong năm đầu tiên - con số mà một nhà lập pháp gọi là "không đáng kể".
Sau vụ khủng bố 11/9/2001 khiến 67 công dân Anh thiệt mạng, Anh đã triển khai 150.000 quân nhân, là lực lượng lớn thứ hai trong liên quân tới Afghanistan. Hoàng tử Harry thậm chí được điều động hai lần. 457 binh sĩ Anh thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương về thể chất hay tinh thần.
Một số nhà lập pháp lên án Biden vì đã rút quân cũng như những nhận xét thẳng thừng của ông vào 16/8. Khán phòng trở nên yên lặng khi nhà lập pháp đảng Bảo thủ Tom Tugendhat, cựu binh tham chiến ở Afghanistan, đứng lên phát biểu. Ông chỉ trích Biden vì nghi ngờ lòng dũng cảm của quân đội Afghanistan, những người mà ông đã tự hào khi được chiến đấu cùng trước khi Anh rút lực lượng năm 2014. "Việc ông ấy nói họ đã bỏ chạy thật là đáng xấu hổ", Tugendhat bình luận.
Ed Davey, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, cũng nói rằng ông "không thể tin được" khi Biden nói người Afghanistan dường như không muốn chiến đấu. Ông bình luận rằng điều đó cho thấy Tổng thống Mỹ "không nhận thức được" những gì xảy ra trên thực địa.
Tuy nhiên, Johnson mới là người đối mặt câu hỏi gay gắt nhất. Người đứng đầu phe đối lập, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer, chỉ trích Thủ tướng "tự mãn đến mức đáng kinh ngạc". Ông chế giễu Johnson và Ngoại trưởng Dominic Raab vì cả hai đi nghỉ khi Kabul thất thủ.
Anh không phải là đồng minh duy nhất của Mỹ đưa ra chỉ trích gay gắt. Với các thành viên NATO ở châu Âu, việc Taliban tiếp quản đã đặt ra những câu hỏi khó chịu về tương lai của liên minh quân sự và mức độ châu Âu nên phụ thuộc vào Mỹ.
Armin Laschet, ứng viên kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel, gọi việc Mỹ rút quân là "thất bại lớn nhất mà NATO trải qua kể từ khi thành lập".
Hỗn loạn ở Kabul có thể làm giảm sự lạc quan về một kỷ nguyên mới của hợp tác Mỹ - châu Âu dưới thời Biden. Hôm 17/8, Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman, người thân Nga và Trung Quốc, nói rằng chi tiêu cho NATO của nước này là "lãng phí tiền bạc".
Trong bài phát biểu trên truyền hình dài 11 phút vào tối 17/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ nhắc đến tên của Biden một lần, khi nhắc nhở khán giả về cách phương Tây đến được vị trí hiện tại. Khi Macron tiếp tục mô tả những bên ông sẽ làm việc cùng để xử lý hệ quả, ông chủ yếu nói về những người đồng cấp châu Âu chứ không nhắc đến Washington.
Nhiều quốc gia sát cánh cùng Mỹ đã phải trả giá đắt. Pháp mất 89 quân nhân ở Afghanistan, nhiều hơn bất kỳ nước EU nào khác. Đây là một trong những đồng minh NATO đầu tiên bắt đầu rút khỏi Afghanistan vào năm 2012 và kết thúc nhiệm vụ quân sự vào năm 2014, sau một cuộc tấn công nội gián khiến 5 binh sĩ Pháp thiệt mạng.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đổ lỗi cho các lãnh đạo chính trị Afghanistan, nói rằng họ "đã không thể chống lại được Taliban và đạt được giải pháp hòa bình mà người Afghanistan vô cùng mong muốn". "Thất bại này của giới lãnh đạo Afghanistan đã dẫn đến thảm kịch mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay", Stoltenberg nói tại một cuộc họp báo.
Ở Australia, Thủ tướng Scott Morrison đã gọi hỗn loạn đang diễn ra là "đau lòng" nhưng né tránh mọi ý kiến cho rằng cuộc chiến là không đáng có.
"Tự do luôn có giá trị, cần chiến đấu vì nó, cho dù kết quả thế nào" ông nói với đài truyền hình Australia ABC hôm 17/8, nhấn mạnh Australia đã cử binh sĩ tới Afghanistan để truy lùng Osama bin Laden và ngăn chặn al-Qaeda sử dụng nước này làm căn cứ hoạt động. "Chưa từng có người lính nào của chúng ta hy sinh một cách vô ích", Morrison nói.
Trong khi đó, Jason Scanes, cựu đại úy đã trải qua 10 tháng ở Afghanistan, có quan điểm khác. "Cảm giác của tôi là buồn, tức giận, tuyệt vọng và bất lực. Tình bạn là thứ mà chúng ta rất coi trọng ở Australia, điều đan chặt vào tâm hồn quốc gia của chúng ta. Lẽ ra chúng ta phải là những người dẫn đầu, cho các đối tác liên minh thấy cách chúng tôi đối xử với đồng đội".
Tại Canada, nước mất 158 binh sĩ và 7 dân thường trong cuộc chiến, sự tiếp quản nhanh chóng của Taliban diễn ra vào ngày Thủ tướng Justin Trudeau kêu gọi bầu cử liên bang sớm nhằm giành lại thế đa số trong quốc hội.
Trudeau đã cố gắng bác bỏ chỉ trích từ các đối thủ chính trị và cựu chiến binh rằng chính phủ của ông thiếu chuẩn bị cho việc Mỹ rút quân và đã sơ tán quá chậm những người Afghanistan từng hỗ trợ Canada hiện có nguy cơ bị Taliban trả đũa.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 16/8, Thiếu tướng Denis Thompson đã nghỉ hưu nói: "Bạn có thể lường trước 'vụ đâm tàu hỏa' này từ khá lâu".
Thompson, người dẫn đầu Lực lượng Đặc nhiệm Kandahar của NATO năm 2008 - 2009, cho biết các binh sĩ Canada đã chiến đấu để các nhà hoạch định chính sách có thời gian tìm kiếm các giải pháp chính trị, nhưng điều đó chưa bao giờ thành hiện thực.
Alex Ruff, ứng viên đảng Bảo thủ và là đại tá bộ binh đã nghỉ hưu từng phục vụ tại Afghanistan, nói hôm 17/8 rằng ông đã có những ngày "khó khăn" khi nói chuyện với các thành viên gia đình của những người lính đã chết trong cuộc xung đột, "bởi vì đó là khi họ thực sự bắt đầu đặt câu hỏi về mọi thứ, họ đang đặt câu hỏi tại sao chúng tôi không làm nhiều hơn nữa".
"Việc Taliban tiếp quản là một bước lùi lớn, hay có thể nói là thất bại của chúng ta", Ruff bình luận.
Phương Vũ (Theo Washington Post)