Chứng kiến hình ảnh người Afghanistan tuyệt vọng đu bám máy bay Mỹ với hy vọng rời khỏi Afghanista, Tổng thống Joe Biden trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 16/8 vẫn khẳng định ông "kiên quyết ủng hộ" quyết định rút quân, thêm rằng ông đang thực hiện cam kết không để binh sĩ Mỹ tiếp tục đổ máu cho một cuộc chiến lẽ ra đã kết thúc từ lâu.
Một ngày sau, Nhà Trắng cũng lên tiếng bảo vệ quyết định rút quân. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định Tổng thống thừa hiểu không còn cách nào khác là phải kết thúc nhanh chóng một cuộc chiến tồi tệ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia không đồng tình với quyết định của Tổng thống Mỹ, nhất là khi chứng kiến tình cảnh hiện tại của Afghanistan, cho rằng thực tế này trái với khẩu hiệu "Nước Mỹ trở lại" mà Biden đưa ra sau khi đắc cử.
"Sau 20 năm can thiệp quân sự, sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan là một nỗi hổ thẹn khủng khiếp đối với Mỹ và cũng là nỗi đau khổ của hàng nghìn người Mỹ từng làm việc tại đất nước này", Charles R Hankla, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia ở Atlanta, nói với VnExpress.
Theo một cuộc khảo sát hôm 17/8 của Politico Morning Consult với gần 2.000 người tham gia, chỉ 49% người Mỹ được hỏi tán thành quyết định rút quân khỏi Afghanistan của Biden, giảm 20% so với hồi tháng 4, khi ông công bố kế hoạch rút quân.
Cuộc thăm dò được Reuters/Ipsos tiến hành hôm 16/8 cho thấy tỷ lệ người Mỹ ủng hộ hiệu suất làm việc của Biden là 46%, mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức, giảm đáng kể so với con số 53% trong thăm dò tương tự hôm 13/8.
"Quyết định rút quân khỏi Afghanistan của Tổng thống Biden là sai lầm", Tiến sĩ Ted Gover, chuyên gia về chính sách đối ngoại và là giám đốc Chương trình Quản trị cho người Mỹ bản địa thuộc Đại học Claremont Graduate ở California, nhận định.
Không chỉ giảm tín nhiệm trong nước, ông cho rằng việc rút quân một cách vội vàng đã gây tổn hại đến danh tiếng của Mỹ, cũng như đẩy những người Afghanistan từng cộng tác với Mỹ vào tình cảnh nguy hiểm tính mạng. Điều này khiến niềm tin vào cam kết của Washington với các vấn đề quốc tế bị lung lay.
"Các đồng minh, đối tác lẫn đối thủ của Mỹ coi đây là minh chứng mới nhất cho thấy Washington đang tìm cách rút lui khỏi các chiến dịch quân sự tốn kém", Gover nói.
Chuyên gia này cho rằng cuộc khủng hoảng Afghanistan có thể tạo điều kiện để Bắc Kinh tiến hành một chiến dịch truyền thông, chỉ ra thất bại của Biden và tuyên bố với các nước rằng Trung Quốc là một đối tác đáng tin cậy, trong khi Mỹ không làm tròn cam kết. Truyền thông nhà nước Trung Quốc từng cho rằng đặc khu Hong Kong và đảo Đài Loan "không thể tin tưởng và trông chờ vào Mỹ".
"Mỹ lẽ ra cần duy trì một lực lượng 3.000-5.000 người ở Afghanistan để chống khủng bố, hoạt động tình báo, ngăn chặn Taliban, al-Qaeda và các lực lượng khủng bố khác. Ngoài ra, với vị trí chiến lược của Afghanistan, lực lượng này sẽ mang lại khả năng răn đe của Mỹ với các nước như Trung Quốc, Nga và Iran", Gover nhận định.
Gover giải thích rằng quyết định rút quân của Biden là một thất bại trong tham vọng đưa Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo thế giới, bởi nó đẩy Afghanistan vào tình trạng hỗn loạn, mang tới cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ cho các lực lượng như Taliban.
"Nó gây tổn hại đến tinh thần của các đối tác và sẽ khiến Mỹ gặp khó khăn nếu muốn tập hợp liên minh để trở lại Afghanistan", ông nói.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 16/8, Tổng thống Biden cho rằng Taliban chiếm Afghanistan là do các lãnh đạo chính trị ở Kabul tháo chạy khỏi đất nước và quân đội chính phủ không có ý chí chiến đấu.
Ông đổ lỗi cho người tiền nhiệm, cựu tổng thống Donald Trump, đã giúp Taliban có cơ hội "ở vị thế quân sự mạnh nhất kể từ năm 2001" bằng thỏa thuận hòa bình ở Doha năm 2020. Ông cũng cảnh báo Taliban sẽ đối mặt với biện pháp đáp trả mạnh mẽ nếu lực lượng này cản trở việc sơ tán nhân lực của Mỹ khỏi Afghanistan.
Tuy nhiên, phát biểu của Biden dường như không thể xoa dịu làn sóng chỉ trích. Nghị sĩ Mỹ Steve Scalise, thành viên đảng Cộng hòa, cho rằng lý lẽ của Biden có thể gây tổn hại các mối quan hệ ngoại giao và bằng cách đổ lỗi cho lãnh đạo Afghanistan, ông đang gửi thông điệp rằng Mỹ không nghiêm túc trong việc sát cánh với các đồng minh.
"Tổng thống nói nhận trách nhiệm và sau đó đổ lỗi cho những người khác. Đó không phải điều lãnh đạo nên làm", Scalise nói. "Thế giới đang dõi theo. Làm thế nào Tổng thống Biden thuyết phục các đồng minh đứng về phía chúng ta về bất kỳ sáng kiến chính sách đối ngoại nào trong tương lai sau khi ông ấy bỏ lại đất nước đã hoàn toàn rơi vào tay Taliban và đổ lỗi cho quân đội Afghanistan".
Cựu tổng thống Trump hôm 16/8 kêu gọi người kế nhiệm ông từ chức vì cho rằng thế thắng mà Taliban có được ở Afghanistan là hệ quả từ quyết định rút quân của Biden, theo AFP.
Sau chiến dịch tiến công chớp nhoáng, Taliban đã khôi phục quyền lực bị lật đổ từ 20 năm trước. Taliban trỗi dậy từ cuộc nội chiến tại Afghanistan và cai trị phần lớn quốc gia Trung Á này từ năm 1996 bằng luật Hồi giáo hà khắc trước khi bị liên quân do Mỹ dẫn đầu lật đổ năm 2001.
"Taliban sẽ củng cố quyền kiểm soát với Afghanistan và áp đặt luật Hồi giáo của họ trong những năm tới. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng với xã hội dân sự đang phát triển của Afghanistan, cũng như tương lai của phụ nữ và trẻ em gái ở nước này", phó giáo sư Hankla dự đoán.
"Các gia đình sẽ buộc phải để con gái họ kết hôn với các thành viên Taliban hoặc những người khác. Taliban cũng sẽ cướp đi cơ hội học tập và làm việc của phụ nữ", Gover bổ sung.
Taliban từng đóng cửa các trường học, cấm phụ nữ bỏ phiếu, buộc họ phải mặc trang phục che kín từ đầu đến chân và chỉ được ra ngoài khi có người thân là nam đi cùng.
Gover cũng lo ngại Afghanistan lần nữa trở thành địa điểm cho các tổ chức khủng bố và phiến quân tập hợp lực lượng và phát động các cuộc tấn công nhắm vào phương Tây. Ông thêm rằng hôm 15/8, Taliban đã thả hơn 5.000 tù nhân al-Qaeda bị giam ở căn cứ không quân Bagram.
"Taliban vẫn duy trì quan hệ với al-Qaeda và mối quan hệ này sẽ được củng cố thêm", ông nói.
Tuy nhiên, Hankla không đánh giá cao khả năng Taliban cung cấp nơi ẩn nấp cho các nhóm khủng bố khác, để tránh nguy cơ Mỹ can thiệp quân sự trong tương lai. "Thay vào đó, họ sẽ tập trung củng cố vị trí trong nước", ông nói.
Thanh Tâm