Bị hiểu nhầm, bị liên lụy pháp luật, bị người nhà nạn nhân đe dọa, hành hung... là những nguyên nhân khiến nhiều người ngại giúp người gặp nạn. Chuyện cứu người gây tai nạn rồi bị hiểu nhầm không phải hiếm ở nước ta. Đặc biệt là ở những đoạn đường vắng, người gây tai nạn thường có xu hướng bỏ trốn, nên người cứu nạn dễ bị người nhà nạn nhân nhầm là kẻ gây tai nạn, Đó cũng là lúc những phiền toái liên tục ập đến, khiến người ta dần nản lòng, chùn bước khi thấy người gặp nạn.
Cũng rơi vào tình cảnh trớ trêu như vậy, độc giả Adamkhuc kể lại: "Có lần tôi suýt dính họa vì giúp người gặp nạn. Cụ thể, hai vợ chồng đang đi xe, thì cô gái mang bầu đằng sau tự nhiên ngã ra đường, cách chúng tôi cả chục mét (có thể do một xe khác đánh lái bất ngờ làm cô gái giật mình và té ngã. Tôi tử tế dừng xe lại, chạy đến đỡ. Thế nhưng, cô gái lập tức cho rằng tôi tạt đầu khiến em ngã. Tôi ngơ ngác: "Anh đi trước em cả quãng, có vượt qua em từ dưới đâu mà em lại bảo anh lại tạt đầu làm em ngã, sao lại nói oan cho anh vậy?".
Cũng may lúc ấy, có một bác sửa xe gần đấy chứng kiến toàn bộ sự việc đã tới giải oan cho tôi: "Vợ chồng anh này không liên quan đâu, cháu tự ngã ở tít phía sau mà. Anh này dừng lại đỡ cháu thôi". Ngay sau đó, một người ở đâu chạy tới nói tôi đưa cô ấy đi viện. Lúc này, tôi không còn giữ được bình tĩnh nữa, đáp trả: "Này, ông là ai thế? Tôi có liên quan gì đâu, sao lại bắt tôi đưa cô ấy tới viện? Ngộ nhỡ người nhà cô ấy không hiểu lại bảo tôi gây tai nạn thì sao?".
Rồi tôi quay qua cô gái, hỏi: "Em có cần anh gọi điện cho người nhà tới hỗ trợ không?". Cô gái nói: "không, em tự gọi được, nhưng em vẫn nghĩ anh làm em ngã, em chỉ lo cái thai làm sao". Tôi động viên cô gái thêm mấy câu rồi rời đi. Tôi không trách cô gái vì có lẽ lúc té ngã cũng hoang mang nên không nhìn rõ, sợ bị ảnh hưởng thai nên cứ vu tội bừa. Vợ tôi lúc ấy cũng sợ bị oan gia nên thở phào khi chúng tôi rời đi được".
Hiểu cảm giác khi bị vạ lây khi giúp người gặp nạn, bạn đọc Noi Thang chia sẻ: "Trước đây, đi đường thấy người bị nạn (té ngã, động kinh, tai nạn giao thông...) thì mọi người cùng nhảy vào giúp đỡ, mỗi người một tay để nhanh chóng cứu nạn nhân. Nhưng thời nay, thật giả lẫn lộn, chưa nói tới chuyện giúp người thành ra bị oan, vướng vạ, nên dần dần chẳng ai còn muốn dính vào.
Đợt trước, có bà cụ bị xe tông ngã xuống đường, tôi cũng sốt sắng chạy tới giúp đỡ, mua bông băng, thuốc đỏ để băng bó vết thương bà. Thậm chí, tôi còn xin số điện thoại để báo cho người nhà của cụ tới. Ấy thế mà, rốt cuộc, tôi lại bị họ chửi mắng thậm tệ, bị đánh vài cái, rồi bị đe dọa, bắt đền cái vòng cẩm thạch bị vỡ của bà nữa. Từ sau lần ấy, tôi chẳng còn dám giúp đỡ ai bị nạn trên đường nữa".
>> Tôi đơn độc giúp người ngã xe nằm bất tỉnh
Theo luật, không cứu người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu có thể bị phạt 0,5-1 triệu đồng đối với cá nhân, 1-2 triệu đồng đối với tổ chức. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Độc giả Nguyễn Nhân Sinh khẳng định cứu người là việc phải làm dù trong bất cứ hoàn cảnh nào: "Tôi không hiểu tại sao mọi người lại thờ ơ với việc cứu một mạng người như vậy? Tôi từng giúp đưa người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện khoảng 15-20 vụ, từ Hà Nội đến Cần Thơ, và chưa hề bị phiền toái nào quá mức. Thậm chí, công an quận Tân Bình còn nhận tờ trình tôi gửi qua bưu điện. Hay công ty tôi phỏng vấn ở quận 10 còn tặng quà khi tôi đến trễ do giúp người tai nạn nữa.
Không biết mọi người có phóng đại không? Tôi chỉ bị làm phiền chút, hoặc thấy sự thờ ơ của người nhà nạn nhân. Nhưng dù có phiền hơn tôi cũng chấp nhận. Tất nhiên là sẽ ảnh hưởng đến công việc của bản thân, nhưng có gì quý hơn việc cứu một mạng người? Xin hãy tìm cách đưa nạn nhân đến bệnh viện một cách nhanh nhất, còn sau đó thì bệnh viện sẽ phải có trách nhiệm xử lý tiếp. Xin đừng thờ ơ".
Đồng quan điểm, bạn đọc Llhuong nhấn mạnh: "Tôi từng giúp một cô bé sinh viên trên đường đi học về bằng xe đạp và bị một cặp thanh niên chở nhau trên xe máy tông trúng. Cô bé bất tỉnh trước cửa hàng nơi tôi làm việc. Lúc đầu, đám đông bu lại xem đông lắm nhưng khi nói đưa cô bé vào viện thì chỉ còn một mình tôi và cặp thanh niên gây tai nạn (đã bị tôi đã giữ chứng minh nhân dân).
Sau đó, người nhà cậu thanh niên kéo vào viện rất đông và gây áp lực, buộc tôi trả lại giấy tờ cho con họ. Tôi nhất quyết từ chối (mặc dù cũng cảm thấy hơi sợ). Lục cặp của cô bé sinh viên, tôi thấy có quyển sổ tay ghi các số điện thoại, nên tôi gọi điện thoại cho người nhà của cô bé. Gần 12h đêm họ mới tới viện. Cô bé lúc này đã an toàn và tai qua nạn khỏi.
Vài năm sau, người thanh niên gây tai nạn năm nào có ghé qua của hàng của tôi để mua hàng và không hề có ý trách móc hay giận gì tôi. Ngược lại, cậu tâm sự rằng nếu lúc đó cứ thế bỏ đi thì cả đời sẽ ân hận không biết tình trạng cô bé kia thế nào. Nếu ai cũng sợ vạ và bỏ mặc người gặp nạn thì họ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Thế nên, giúp người khi hoạn nạn là điều phải làm dù trong bất cứ hoàn cảnh nào".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.