Xung quanh câu chuyện luật "rừng" đang diễn ra ở Việt Nam, độc giả Ngọc Hải phân tích:
"Tử tế" vốn là một từ gốc Hán, nghĩa là cẩn trọng, chu đáo, chỉn chu, đúng mực từ những việc nhỏ nhất. Lòng tử tế không tự nhiên mà có, đó là kết quả của cả quá trình giáo dục, tự trau dồi và tu dưỡng bền bỉ. Con người khác biệt và hơn hẳn giống loài khác không chỉ ở trí khôn, ngôn ngữ mà cao nhất ở năng lực tự lựa chọn và trách nhiệm trong mỗi hành xử của mình. Logic đó lý giải cho câu hỏi: Giữa sự "lương thiện" và "thông minh", điều gì khó hơn?
Thông minh là nhân tố thiên bẩm, ít cần đến sự trau dồi hơn. Còn Lương thiện lại khác; giữa lằn ranh mong manh của một bên là đạo đức, bên kia là phi đạo đức, sự lựa chọn của bạn trước cám dỗ của "bả" danh lợi, vật chất sẽ cho thấy bạn là người tử tế, lương thiện hay không? Một người bước qua được cám dỗ danh lợi, vật chất nghĩa là người đó đã chiến thắng lòng tham, sự thiển cận, sự vô minh trong mình; vượt lên cái tôi vị kỷ xấu xí. Do đó, lương thiện khó hơn thông minh rất, rất nhiều.
Mỗi cá nhân luôn tồn tại trong mình phần "con" và phần "người"; thường trực trong bạn sẽ luôn là cuộc đấu tranh giữa hai thái cực - một bên sẽ nâng phẩm giá của bạn sánh ngang với "thánh thần"; đối lại sẽ là hố thẳm kéo tụt bạn xuống nấc bậc thấp hèn nhất của quỷ dữ.
Một cá nhân, một cộng đồng tiến bộ, văn minh cũng cần nuôi dưỡng sự tử tế như hơi thở, cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Có vậy thì luật "rừng" kia mới được thay thế, đẩy lui.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.