Ngày 9/6/1959, nữ sinh lớp bảy, Lynne Harper biến mất tại khu vực đường cao tốc gần căn cứ không quân RCAF Station Clinton ở bang Ontario. Hai ngày sau, thi thể cô bé được tìm thấy trong lùm cây rậm rạp ở khu rừng gần đó với dấu hiệu bị xâm hại tình dục.
Ngay lập tức Steven, con trai của sĩ quan không quân, trở thành nghi can số một, bởi trước đó nhiều người đã nhìn thấy cậu chở Lynne bằng xe đạp. Steven và Lynne là bạn cùng lớp.
Khi bị cảnh sát thẩm vấn, cậu khai rằng cô bạn xin đi nhờ tới đây để tiếp tục bắt xe đến nhà bà ngoại. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho rằng Steven là người cuối cùng gặp Harper trước khi cô bé thiệt mạng.
Cảnh sát bắt Steven với cáo buộc Giết người. Tại tòa, Steven liên tục khẳng định đã chia tay Harper tại ngã tư đường cao tốc rồi đạp xe đi về nhà. Một lúc sau, cậu ngoái lại thì thấy chiếc ôtô Chevrolet 1959 biển ngoại tỉnh dừng lại trước mặt Harper và cô bước lên.
Hiện trường vụ án được dựng lại. Cảnh sát cáo buộc Steven chở Harper đi lên cây cầu bắc qua sông Bayfield, tới khu rừng rậm gần đó. Tại đây, Steven đã gây án.
Mối nghi ngờ càng được khẳng định khi các bác sĩ xác định trên dương vật Steven có một vết thương. Cùng với đó lời ban đầu lời khai của Steven không có tình tiết về chiếc ôtô lạ và những vết lốp xe trên con đường mòn dẫn vào khu rừng phù hợp với chiếc xe cậu bé sử dụng.
Chuyên gia pháp y xác định Harper bị sát hại từ 19h15 đến 19h45 ngày 9/6/1959, trùng khoảng thời gian 2 người đang ở cạnh nhau.
Cậu bé 14 tuổi bị kết tội vào ngày 30/9/1959 với bản án tử hình bằng hình thức treo cổ, trở thành tử tù trẻ nhất trong lịch sử Canada.
Một năm sau đó, Chính phủ liên bang giảm án tử hình của Steven xuống còn chung thân. Những năm ở trong tù, Steven liên tục làm đơn kháng cáo nhưng đều bị bác.
Năm 1966, sự xuất hiện của cuốn sách do nhà báo Isabel LeBourdais viết đã một lần nữa khuấy động những tranh cãi trong dư luận. Qua các phân tích phiên tòa xử Steven Truscott, tác giả khẳng định quyết định của tòa án là quá vội vàng và Steven thực sự vô tội.
Tháng 5/1967, Tòa án tối cao Canada lậtlại vụ án. Sau 2 tuần, lắng nghe cả phía bị cáo và cảnh sát tham gia điều tra vụ án, bồi thẩm đoàn đưa ra kết luận những lời kêu oan của Steven không có căn cứ và buộc tiếp tục thi hành án chung thân.
Nhờ chấp hành kỷ luật và có thái độ cải tạo tốt, Steven được ra tù vào tháng 10/1969. Anh tới định cư ở Guelph bang Ontario dưới một cái tên giả để bắt đầu cuộc sống mới, kết hôn và có 3 đứa con.
Cuộc sống của Steven cứ thế trôi đi và vụ án năm xưa tưởng chừng đã đi vào dĩ vãng cho đến năm 2000, khi ông đồng ý trả lời cuộc phỏng vấn với đài truyền hình về trường hợp của mình với mong muốn được minh oan.
Ngày 28/11/2001, Hiệp hội Bảo vệ những người bị kết án oan quyết định giúp đỡ Steven và cùng ông gửi đơn khiếu nại, yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Canada xem xét lại vụ án. Kèm theo là hồ sơ phân tích dày 700 trang cho thấy cảnh sát lúc đó đã bỏ qua các nhân chứng và tình tiết quan trọng.
Tháng 10/2004, Bộ trưởng Tư pháp Irwin Cotler yêu cầu Tòa phúc thẩm Ontario xem xét lại vụ án. Ngày 6/4/2006, hài cốt của Harper được khai quật để kiểm tra bằng chứng ADN. Tuy không tìm được thứ như mong muốn nhưng bằng chứng khoa học cung cấp những lập luận có lợi cho Steven.
Qua việc phân tích giòi và ấu trùng thu thập được trên thi thể Harper năm 1959, các bác sĩ pháp y xác định tuyên bố của pháp y năm xưa là sai. Harper có thể bị giết khoảng 12-24 giờ sau lần đi nhờ xe, thời điểm Steven đang ở trường.
Ngoài ra, một nhân chứng là chủ sở hữu mảnh đất nơi thi thể Harper được tìm thấy, cho biết phát hiện một ôtô lạ đỗ gần hàng rào trong đêm Harper bị sát hại, trùng khớp với lời khai của Steven.
Cuối cùng, các nhà chức trách tìm thấy một báo cáo mà trước đó cảnh sát không hề công bố, cho thấy vết lốp xe đạp trên đường mòn vào rừng đã xuất hiện ít nhất một tuần trước khi Harper bị sát hại.
Với tất cả bằng chứng ấy, Tòa án kết luận cảnh sát đã quá vội vã khi khẳng định Steven là hung thủ. Ngày 28/8/2007, Tòa phúc thẩm Ontario ra phán quyết Steven vô tội, xóa án cho ông kèm số tiền bồi thường 6,5 triệu USD.
Lúc này, Steven đã 62 tuổi. Tổng chưởng lý tỉnh Ontario thay mặt cho chính phủ nói lời xin lỗi cho những oan khuất mà Steven đã phải chịu đựng, khép lại một trong những vụ án nổi tiếng và gây tranh cãi nhất lịch sử tư pháp Canada.
Hoàng Phong (Theo Innocence Canada, Toronto News, The Conversation)