Các quan chức thể thao và cổ động viên Indonesia hôm qua bày tỏ bức xúc và phẫn nộ sau khi Bộ Y tế Singapore đưa ra yêu cầu cách ly với Elkan Baggott, khiến trung vệ của đội tuyển nước này không thể thi đấu trận gặp đội tuyển Việt Nam tối nay.
Baggott từ London, Anh nhập cảnh Singapore hôm 8/12 và vào sân thi đấu với đội tuyển Lào 4 ngày sau. Tuy nhiên, đến ngày 13/12, Baggot được thông báo phải cách ly 5 ngày, do chuyến bay của anh có người nhiễm chủng Omicron.
Sự cố với Baggott được cho là kết quả từ chính sách thận trọng của Singapore trước mối đe dọa từ Omicron, biến chủng gồm hơn 50 đột biến được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 26/11 xếp vào danh sách đáng lo ngại.
Singapore là một trong những nước đầu tiên có biện pháp phản ứng quyết liệt với Omicron. Ngay từ ngày 28/11, nước này đã áp hạn chế đi lại với 6 quốc gia miền nam châu Phi, nơi Omicron được phát hiện lần đầu, chỉ cho phép công dân Singapore và thường trú nhân khởi hành từ những nước này nhập cảnh, nhưng phải cách ly 10 ngày ở cơ sở do chính phủ chỉ định.
Sự thận trọng càng tăng lên sau khi Bộ Y tế Singapore hôm 2/12 thông báo hai hành khách nhập cảnh từ Nam Phi trên chuyến bay trước đó một ngày nhiễm Omicron, trở thành các ca đầu tiên nhiễm biến chủng mới tại nước này.
Singapore siết chặt quy định xét nghiệm nCoV với người nhập cảnh từ ngày 3/12. Tất cả hành khách, gồm cả những cư dân trở về Singapore và người quá cảnh tại sân bay Changi, sẽ phải có kết quả âm tính trong vòng hai ngày kể từ khi khởi hành, đồng thời phải thực hiện xét nghiệm PCR khi tới nơi.
Tất cả những người nhiễm biến chủng Omicron đều không được phép tự cách ly tại nhà, mà phải đến Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm để điều trị. Những trường hợp tiếp xúc gần, trong đó có hành khách đi cùng chuyến bay với ca nhiễm, cũng bị cách ly, ngay cả khi âm tính với nCoV và đây là trường hợp được áp dụng đối với trung vệ Baggott.
Theo CNN Indonesia, đại sứ Indonesia tại Singapore Suryo Pratomo đã liên hệ với nước chủ nhà AFF Cup để thuyết phục họ cho phép Baggott được chơi trận gặp Việt Nam. Giám đốc Kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Indonesia Indra Sjafri cũng kiến nghị để Baggott không cần cách ly nữa và có thể chơi trận tối nay.
Quyết định cách ly Baggot khiến cộng đồng mạng Indonesia phẫn nộ, bởi trung vệ này đã ba lần xét nghiệm PCR âm tính với nCoV kể từ khi đến Singapore. Một số người chỉ ra rằng tiền vệ Malaysia Safawi Rasid vẫn được thi đấu dù đồng đội cùng phòng Akhyar Rasid mắc Covid-19, trong khi Baggott không được thi đấu chỉ vì đi cùng chuyến bay với người nhiễm Omicron.
Theo một số chuyên gia Singapore, giới chức nước này dường như đã quá lo ngại và triển khai ứng phó Omicron quyết liệt quá mức tại thời điểm nhiều thông tin về biến chủng chưa rõ ràng, như liệu vaccine hiện nay có thể ngăn nguy cơ trở nặng nếu nhiễm Omicron hay không, tốc độ lây lan ra sao và liệu người nhiễm có bị bệnh nghiêm trọng hơn không.
"Nếu Omicron tăng khả năng lây nhiễm nhưng không làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong so với biến chủng Delta, tác động đối với hệ thống y tế sẽ không lớn đến mức đó, trong trường hợp các nước đảm bảo được tỷ lệ tiêm chủng và mũi tiêm tăng cường cao", giáo sư Teo Yik Ying, hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Giáo sư lưu ý nếu có bằng chứng rõ ràng rằng Omicron làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong ngay cả với những người đã tiêm chủng, các quốc gia sẽ cần xem xét lại chiến lược coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. "Nhưng hiện tại, vẫn còn quá sớm để xác định diễn biến sẽ đi theo hướng bi quan hay lạc quan", ông nhấn mạnh.
Giáo sư Hsu Li Yang, phó khoa y tế toàn cầu tại trường Saw Swee Hock, cho biết viễn cảnh tồi tệ nhất là biến chủng Omicron vừa dễ lây lan hơn Delta, vừa tránh được phản ứng miễn dịch nhờ vaccine hoặc từng nhiễm nCoV. "Nhưng tôi nghĩ tình huống này vô cùng khó xảy ra, bởi Omicron không phải chủng virus hoàn toàn mới", ông đánh giá.
Hai chuyên gia này còn nhất trí rằng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt ở biên giới nhắm đến một số nước cụ thể chỉ làm trì hoãn sự xâm nhập của Omicron tại Singapore. "Rất có thể biến chủng vốn đã hiện diện và lây lan tại những quốc gia không thuộc châu Phi, có chuyến bay thẳng tới khu vực này và Singapore", Hsu nêu ý kiến.
Giáo sư Dale Fisher tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng "rõ ràng" đóng cửa biên giới chỉ làm chậm sự xâm nhập của biến chủng. "Chúng ta không thể đóng cửa biên giới mỗi khi xuất hiện biến chủng đáng lo ngại mới. Bất kỳ biện pháp nào được áp dụng cũng cần phù hợp với chiến lược phục hồi từ Covid-19", ông cho hay.
Trên thực tế, bất chấp loạt biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, Singapore đã ghi nhận 16 ca nhiễm Omicron tính đến ngày 14/12, bao gồm 14 trường hợp nhập cảnh và hai ca cộng đồng, đều là nhân viên phụ trách hành khách tại sân bay Changi.
Toàn bộ 16 ca nhiễm đều đã được tiêm chủng đầy đủ, không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. 13 người đang hồi phục trong khu cách ly, trong khi ba trường hợp đã khỏi và được ra ngoài.
"Mục tiêu quan trọng nhất là xác định nhanh nhất có thể về những nguy cơ Omicron đặt ra, có cần cập nhật vaccine hay không, và liệu các phản ứng y tế cộng đồng hiện nay có cần thay đổi không", phó giáo sư Natasha Howard tại trường Saw Swee Hock nhận định.
"Chúng ta cần hành động dựa trên khoa học và những điều đã biết thay vì sợ hãi. Áp dụng rồi lại dỡ bỏ hạn chế mỗi khi phát hiện biến chủng đáng lo ngại mới không phải cách làm bền vững", Fisher nêu quan điểm.
Sau nhiều ý kiến của các chuyên gia, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung trong cuộc họp báo hôm qua thừa nhận không thể ngăn chủng Omicron bằng cách đóng biên giới, vì biến chủng này đã xuất hiện tại hơn 60 nước. "Chúng ta phải học cách sống chung với biến chủng Omicron, như đã làm với biến chủng Delta", ông nói.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ nỗ lực của Indonesia xin cơ chế đặc biệt cho trung vệ Baggott có được giới chức Singapore chấp thuận hay không.
Ánh Ngọc (Theo Straits Times, SCMP, CNA)