"Mọi người không ở trong những ngõ này, nên không hiểu được nỗi khổ của những người dân sinh sống bên trong như chúng tôi mỗi ngày, nhất là vào giờ cao điểm. Các bạn cứ thử ở đây khoảng một tháng xem khó chịu thế nào? Buổi sáng dậy, tôi thậm chí còn không lấy xe ra được khỏi nhà mà đi làm luôn.
Biết chặn ngõ là sai quy định, nhưng khi mà chính quyền địa phương không điều phối được giao thông thì cực chẳng đã người dân mới phải lắp barie chặn một chiều. Thực ra, chính người dân trong ngõ cũng chỉ được lưu thông ra vào có một chiều thôi, bản thân họ cũng rất bất tiện vì phải đi xa nhưng nếu không làm vậy thì không sống yên ổn được".
Đó là chia sẻ của độc giả Nguyentiendat trước hiện tượng nhiều ngõ ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) được người dân lắp barie rào chắn, chặn xe vào giờ cao điểm để tránh ùn tắc, giảm tiếng ồn, đảm bảo an toàn cho những người sống trong khu vực. Những thanh chắn được thiết kế bằng sắt thép cao 40 cm, đổ bê tông ở đế, một đầu lắp khóa, có thể nhấc lên hạ xuống. Nhiều người đi theo phần mềm bản đồ, hoặc lần đầu chạy vào ngõ trong khung giờ đóng barie đều phải quay đầu tìm hướng khác.
Đồng cảm với nỗi bức xúc khi cuộc sống bị ảnh hưởng do lượng phương tiện di chuyển trong ngõ tăng vọt vào giờ cao điểm, bạn đọc Hale bình luận: "Thực trạng đi xe vào ngõ làm ô nhiễm không khí của người sống trong ngõ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở đó. Cứ hình dung cái ngõ bé tí, mà dòng xe máy cứ phóng ầm ầm, ô ý thức, xả khói mù mịt, làm cho người già, trẻ em ho hắng, bệnh tật. Người bị hen sống rất khổ sở với đám đông chen chúc trong các ngõ ngách. Thế nên, người ta mới phải tìm cách đối phó.
Không phải cứ tiện đâu là vào đó 'lợi mình hại người' được. Đường lớn đã có làm thì sao không đi, mà lại đâm vào ngõ của cư dân địa phương, làm phiền cuộc sống của họ? Tôi không bao giờ đi đường ngang ngõ tắt bởi vì:
Lợi ích sức khỏe của người sống trong ngõ bị ảnh hưởng thì họ sẽ phải tự bảo vệ gia đình và bản thân. Sức khỏe của con người là trên hết nên tôi đề nghị bổ sung chế tài xử phạt dành cho các xe phun khói mù mịt trong ngõ hẻm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sinh sống bên trong".
>> 'Sai lầm khi xén vỉa hè mở đường cho xe máy, ôtô ở Hà Nội'
Trong khi đó, với quan điểm trái ngược, độc giả Lê Đình Hiển không chấp nhận hành động lập rào chắn, ngăn xe cô qua lại các ngõ: "Trừ khi đường nội bộ trong nhà, đất mình thì chặn được, còn như khu phố, ngõ hẻm thông nhau thì đó là lối đi công cộng. Không ai có quyền tự ý chặn lối đi này cho dù là tổ trưởng hay toàn bộ dân trong hẻm - khu phố đó.
Nếu tình hình an ninh phức tạp, ảnh hưởng an toàn giao thông... bà con phải có đơn kiến nghị gửi lên quận và thành phố. Cơ quan chức năng sẽ chỉ đạo làm biển cấm theo giờ hoặc có phương án khác phù hợp. Hành vi vì lợi ích riêng của một nhóm người mà tự rào chắn lối đi, làm tăng ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến sự di chuyển, sinh hoạt hợp pháp của nhiều người dân khác thì cần phải bị lên án, chấn chỉnh".
Đồng quan điểm, bạn đọc Manhtien nêu ý kiến: "Đường là để đi, còn nếu cảm thấy chỗ ở của mình không an toàn thì có thể chuyển chỗ ở. Chẳng lẽ cứ sống ở trong ngõ thì bạn được phép cấm phương tiện đi lại để không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình sao? Đây là đường dân sinh thì cũng không phải là đường do người dân làm. Mua nhà trong ngõ chứ có mua thêm tiện ích là đường sá trong đó đâu mà coi như của mình để cấm người khác? Theo tôi là người dân làm vậy là không đúng luật. Có thể tuyên truyền để người đi đường đi chậm trong ngõ. Còn không thành phố cần vào cuộc xử lý để đảm bảo an ninh, trật tự trong khu dân cư".
Làm gì để dung hòa lợi ích giữ người tham gia giao thông và cư dân sống trong ngõ nhỏ, độc giả Lê Hoàng cho rằng: "Xét về mặt pháp lý thì người dân không có quyền lắp barie để chặn đường như vậy. Tuy nhiên, thực tế ai cũng biết có những con ngõ rất nhỏ, và người dân ở đó phải bỏ tiền túi, bỏ công sức để đầu tư xây dựng, vệ sinh, duy tu, bảo dưỡng đường đi.
Bây giờ vấn nạn tắc đường dẫn đến ngày nào cũng có hàng trăm, hàng ngàn xe máy ở đâu đó tràn qua, để lại nhiều hậu quả xấu cho người dân khu vực như: tắc ngõ, mất an toàn, còi xe ầm ĩ, khói xe gây ô nhiễm môi trường, đôi khi làm hỏng cả con đường... Trường hợp này cũng giống nhiều vùng làng xóm, nông thôn họ cũng làm barie chặn các xe container chở sỏi, đá, đất, cát... chạy qua làm hỏng đường, bụi bay mù mịt... ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân.
Cốt lõi để giải quyết vấn đề này là Hà Nội cần cấp tốc đồng loạt khởi công xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và đây sẽ là phương tiện giao thông chính của người dân. Sau đó từng bước hạn chế sử dụng xe máy trong nội đô nhằm tránh tắc đường và phát thải gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là nghiêm cấm xây mới các khu chung cư cao tầng trong nội đô để giảm mật độ dân số. Cuối cùng là nhanh chóng chuyển hết các trường đại học, nhà máy xí nghiệp, một số trung tâm mua sắm cỡ lớn, một số bệnh viện, một số bộ ngành... ra ngoại ô để hạn chế những người vào nội thành".
- 'Hạn chế xe máy, ôtô thay vì xén vỉa hè mở rộng đường Hà Nội'
- Ôtô, xe máy quyết liệt giành đường tại ngã năm Hà Nội
- 'Đếm giây trên đèn giao thông khiến tắc đường thường xuyên'
- Lay lắt chống tắc đường vì tư duy 'xe máy chiếm diện tích nhỏ'
- 'Đường còn tắc nếu người Việt vẫn dùng xe cá nhân'
- Không sợ tắc đường vì ôtô tăng đột biến sau cấm xe máy