"Khi mà chúng ta đang khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng và những hình thức di chuyển xanh như đi bộ, xe đạp thì tại sao lại xén vỉa hè, thu hẹp không gian này lại để ưu tiên cho các phương tiện cá nhân khác như ôtô, xe máy di chuyển? Những con đường, tuyến phố trung tâm sẽ chẳng thể mở rộng mãi để đáp ứng nhu cầu phương tiện cá nhân.
Thế nên, chúng ta phải tìm cách làm giảm lưu lượng phương tiện cá nhân, giãn mật độ dân số. Những khoản đầu tư xén vỉa hè, mở rộng đường này nên tập trung vào việc phát triển, khuyến khích phương tiện công. Chỉ nên mở rộng các tuyến đường vành đai, tuyến đại lộ dẫn vào trung tâm".
Đó là quan điểm của độc giả Minhthao về đề xuất xén vỉa hè, dải phân cách một số tuyến đường ở Hà Nội. Theo đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất thành phố chi 225 tỷ đồng để xén vỉa hè và dải phân cách tại các vị trí phù hợp trên 7 tuyến đường chính (Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến). Giải pháp trên nhằm thực hiện chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2021-2025, do HĐND thành phố thông qua tháng 12/2021.
Tuy nhiên, phản biện lại quan điểm xén vỉa hè để mở rộng đường, bạn đọc Xiem Nguyen Van cho rằng: "Vỉa hè ở Việt Nam vốn đã có kích thước quá nhỏ, rất khó đủ cho người đi bộ. Ở Sydney, thành phố được xây dựng cách đây gần 300 năm nhưng người ta đã để vỉa hè rộng trung bình là 10 m, có nơi 15 m. Đến bây giờ, những vỉa hè đó vẫn đảm bảo đủ cho người đi bộ. Nay nếu Hà Nội cắt xén vỉa hè thì người đi bộ sẽ phải đi xuống lòng đường?".
>> Ôtô, xe máy quyết liệt giành đường tại ngã năm Hà Nội
Đồng quan điểm, độc giả Trần Dần nêu giải pháp thay cho việc xén vỉa hè để mở rộng lòng đường: "Quy hoạch tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu sáu làn đường đúng là quá chật. Nhưng hai bên đường rất nhiều chung cư mà lại đi xén vỉa hè thì chưa chắc đã giải quyết được ùn tắc. Có khi nó còn khiến đô thị xấu hơn, vì vỉa hè tuyến này đâu có rộng.
Theo tôi, nên đẩy nhanh tiến độ đường Lê Quang Đạo kéo dài, mở kết nối đường Vũ Trọng Khánh cắt sang. Đồng thời, nên mở thêm nhiều tuyến đường nhỏ kết nối Tố Hữu và Lê Quang Đạo kéo dài để tạo giao thông ô bàn cờ, sẽ giảm tải được giao thông tuyến này".
Trong khi đó, bạn đọc Tranphongthanh lại nhấn mạnh sự cấp thiết của giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân trong nội đô: "Thiết nghĩ, thành phố cần giải quyết bài toán số lượng ôtô trong nội đô (thu phí thật cao để phát triển phương tiện công cộng), đồng thời hạn chế xe máy và các phương tiện thô sơ khác, tiến tới cấm hoàn toàn trên các tuyến đường trong nội đô. Hiện nay, phương tiện cá nhân tham gia giao thông quá lớn. Nhiều đường mới mở hoặc nới rộng nhưng vẫn ùn tắc. Thế nên, xén vỉa hè, dải phân cách không phải cách làm hiệu quả, lại gây tốn kém".
"Tôi thấy đường nội đô ở Việt Nam đã khá là rộng so với nhiều nước, nên không cần phải xén bớt vỉa hè của người đi bộ như thế. Thay vào đó, hãy hạn chế xe máy, thu phí ôtô cá nhân vào nội đô để phát triển giao thông công cộng. Đồng thời, có thể làm các bãi đỗ xe ngầm để hạn chế tình trạng lấn chiếm vỉa hè", độc giả Mai kết lại.
- 'Vỉa hè Hà Nội nhanh hỏng là do xe máy'
- 'Muốn giành lại vỉa hè Hà Nội chỉ còn cách cấm xe máy'
- 'Cấm xe máy để trả lại vỉa hè cho người đi bộ'
- 'Mở làn đường riêng cho xe buýt là tiền đề để từ bỏ xe máy'
- Vì sao tôi vẫn đi làm bằng xe máy mỗi ngày?
- 20 năm bàn lùi 'cấm xe máy'