(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Bố tôi sinh năm 1968, chắc cũng gần đồng tuổi với tác giả bài viết Xã hội không thể phát triển nếu ai cũng viện cớ 'nhà không có điều kiện'. Ông nội tôi mất được một năm thì bố tôi mới thi đại học.
Bố tôi đậu Đại học Quy Nhơn hẳn hoi. Ngày biết kết quả, ông vào Quy Nhơn chuẩn bị nhập học, nhưng thương cảnh bà nội tôi tảo tần, một mình nuôi đàn em thơ dại (bà nội tôi có 8 người con, bố tôi là người con thứ 3, nhưng lại là người con trai lớn nhất) ông đã gác lại ước mơ, từ bỏ tương lai của mình để về quê làm ruộng, giúp bà nội nuôi sống gia đình.
Năm 24 tuổi, bố tôi lập gia đình. Mặc dù đi ở rể, nhưng ông vẫn tháo vác, chăm lo cho cả hai bên nội ngoại đường hoàng. Các cô chú nhỏ tuổi hơn bố tôi, nhiều người thành đạt nhiều, còn gia đình tôi cũng không khá giả gì.
>> 'Ngậm thìa vàng làm giảm động lực phấn đấu của trẻ'
Bố tôi nhiều lần nói về ước mơ làm thầy giáo không thành của mình với một sự khắc khoải, tiếc nuối. Hiện tại, bố tôi đã 52 tuổi, nhưng ông vẫn rất chăm chỉ, ông vẫn đi làm công nhân cho một xí nghiệp gạch ngói.
Hầu như, trừ dịp Tết thì ông không nghỉ ngày nào. Ông nói mình vẫn khoẻ mạnh, vẫn đi làm được, không muốn trong cậy vào các con làm gì. Ba anh em tôi thì hai người đã có việc làm, chỉ có người em gái út là còn đi học thôi.
Tôi thấy tác giả có xuất phát điểm rất tốt, được gia đình tạo điều kiện học tập đàng hoàng. Cộng thêm phần tác giả biết tích góp, biết phát triển tài sản cha mẹ để lại nên trở nên giàu có. Còn nhiều người, dù cũng có tham vọng đổi đời, nhưng vì nhiều lý do, vì nhiều trở ngại nên vẫn không giàu có được.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.