Chen, nhân viên kế toán ở Vũ Hán, không phải là người bán hải sản, thợ săn dơi hay nhà khoa học phòng thí nghiệm. Nếu ai đó bị nhiễm nCoV vì từng tới hang dơi, người đó chắc chắn không phải anh. Chen cũng cho biết anh không rời thành phố Vũ Hán trước khi phát bệnh, cũng không hay đến chợ hải sản Hoa Nam, mà thích tới siêu thị RT-Mart gần nhà ở bờ đông sông Dương Tử.
Trong nỗ lực truy tìm nguồn gốc đại dịch Covid-19, mọi dấu vết chính thức dừng lại ở Chen, người được định danh Bệnh nhân S01, hay ca nCoV đầu tiên được xác nhận của Trung Quốc và được đưa vào báo cáo điều tra do Bắc Kinh cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng công bố hồi tháng 3.
"Chúng ta thực sự nói quá ít về nguồn gốc của đại dịch. Chúng ta đang nghiên cứu quá ít trình tự gene nhưng lại muốn biết rất nhiều về chúng", Sergei Pond, giáo sư sinh học tại Đại học Temple, người phân tích những trình tự gene sớm nhất của nCoV, cho hay.
Ngay cả với S01, bệnh nhân được xem xét kỹ lưỡng nhất, thông tin cũng rất mơ hồ. Báo cáo của WHO gán mã trình tự gene của Chen là EPI_ISL_403928, nhưng nó lại thuộc về một bệnh nhân khác, một người 61 tuổi làm việc ở chợ chết vì sốc nhiễm trùng sau khi đổ bệnh vào ngày 29/12/2019, theo cơ sở dữ liệu của Trung tâm Thông tin sinh học Quốc gia Trung Quốc.
Hồ sơ của S01 khớp hơn với một người 41 tuổi được chẩn đoán nhiễm nCoV vào cuối tháng 12. Nhưng trong cơ sở dữ liệu của Trung Quốc, người này được báo cáo mắc bệnh hôm 16/12. Một phát ngôn viên của WHO cho biết vấn đề này được đang được xem xét.
Dù cả thế giới mong muốn làm sáng tỏ nguồn gốc Covid-19, việc các nhà khoa học có thể mất nhiều năm để tìm hiểu một dịch bệnh mới không phải chuyện hiếm thấy. Những rào cản từ phía Trung Quốc, như hạn chế tiếp cận với các mẫu sinh phẩm và hồ sơ gốc, cũng khiến nỗ lực trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, giới khoa học đang nỗ lực tìm kiếm và thu thập được một số manh mối ở những nơi xa hơn như Paris hay Milan về những gì có thể đã xảy ra trước khi S01 phát bệnh.
Ba ngày trước khi S01 biểu hiện triệu chứng, vào ngày 5/12/2019, một bé trai 4 tuổi ở ngoại ô Milan, Italy được lấy mẫu dịch họng do nghi nhiễm bệnh sởi. Nhiều tháng sau, mẫu sinh phẩm của bé trai này được xét nghiệm và có kết quả dương tính với nCoV. Kết quả công bố trên tạp chí Emerging Infectious Diseases là một trong vài nghiên cứu của châu Âu cho thấy Covid-19 có thể đã âm thầm lây lan trên thế giới trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.
Các nhà nghiên cứu ở Pháp cũng tìm thấy manh mối cho thấy virus thậm chí xuất hiện sớm hơn từ tháng 11. Một nhóm của Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Pháp cùng một số viện khác đã kiểm tra 9.000 mẫu huyết thanh được thu thập từ tháng 11/2019 tới 3/2020 cho một dự án y tế cộng đồng.
"Chúng tôi phát hiện 7 tình nguyện viên dương tính, trong đó hai trường hợp được lấy mẫu từ tuần đầu tháng 11", Marie Zins, giám đốc dự án, cho biết. Zins thừa nhận khả năng xét nghiệm cho kết quả dương tính giả, nhưng cho rằng điều đó không thể xảy ra với tất cả các mẫu dương tính.
Một trong những nghiên cứu gây tranh cãi nhất được công bố vào tháng 11, trong đó giới nghiên cứu Italy nói nCoV có thể đã xuất hiện từ tháng 9/2019. Các nhà khoa học tại Viện Ung thư Quốc gia Milan và Đại học Siena đã phân tích gần 1.000 mẫu máu thu thập năm 2019 từ một thử nghiệm tầm soát ung thư. Kết quả xét nghiệm kho mẫu máu này cho thấy hơn 10% mẫu chứa kháng thể nCoV, trong đó có mẫu được thu thập từ tháng 9/2019.
Kết quả gây chấn động đến mức WHO yêu cầu một phòng thí nghiệm ở Hà Lan xét nghiệm lại. Phòng thí nghiệm này đã hoàn thành quá trình xét nghiệm lại nhưng từ chối công bố kết quả. Tuy nhiên, Giovanni Apolone, giám đốc Viện Ung thư Quốc gia Milan, cho biết có sự bất đồng về cách diễn giải kết quả xét nghiệm lại.
Emanuele Montomoli, đồng tác giả nghiên cứu, đưa ra giả thuyết rằng có thể họ đã phát hiện ra chủng nCoV "ít lây nhiễm hơn" lưu hành nhưng không gây bùng phát dịch lớn. Tuy nhiên, một số bác sĩ hoài nghi giả thuyết và nói rằng xét nghiệm kháng nguyên có thể tạo ra kết quả dương tính giả.
Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Science hồi tháng 4 cho thấy khả năng virus lây lan sớm hơn với quy mô nhỏ. Joel Wertheim, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học California ở San Diego và là thành viên nghiên cứu, cho biết nhóm của họ ước tính ổ dịch Vũ Hán có thể bắt đầu từ tháng 11, nhưng không loại trừ các cụm dịch nhỏ hơn đã xuất hiện trước đó.
Việc xác định những bệnh nhân đầu tiên của đại dịch Covid-19 rất khó khăn. Zins nói phần lớn người có kháng thể ở Pháp không có yếu tố dịch tễ liên quan tới Trung Quốc. Một người từng có hai tháng đi khắp Trung Quốc nhưng không ghé qua Vũ Hán.
Giới chức Trung Quốc trong khi đó cho rằng nCoV được đưa tới Vũ Hán từ nước ngoài. Tuy nhiên, giả thuyết này không nhận được ủng hộ từ giới khoa học phương Tây, một phần do sự tương đồng giữa nCoV và virus corona trong loài dơi ở miền nam Trung Quốc.
Tại Vũ Hán, các cuộc tìm kiếm ca nhiễm trước S01 không mang lại kết quả. Báo cáo của WHO cho biết các bệnh viện địa phương đã xét nghiệm hàng chục ca nghi nhiễm trong giai đoạn đầu dịch nhưng tất cả đều có kết quả âm tính.
Một số nhóm khoa học ước tính đợt bùng phát có thể bắt đầu từ tháng 10/2019, thời điểm Trung Quốc trải qua đợt cúm mùa tồi tệ nhất trong 10 năm qua, nên rất có thể các ca nhiễm đầu tiên bị bỏ sót. Số liệu thống kê chính thức cho thấy tới tháng 11/2019, số ca nhiễm cúm ở Trung Quốc tăng gấp năm lần so với năm trước. Tới tháng 12, con số này là 9 lần.
Một số nghị sĩ Mỹ kêu gọi điều tra nguy cơ bùng phát dịch từ Thế vận hội Quân sự, được tổ chức vào tháng 10/2019. Đây chỉ là một trong số nhiều sự kiện quốc tế ở Vũ Hán vào mùa thu năm 2019 và mỗi sự kiện có thể là con đường đưa virus ra nước ngoài.
Có nhiều tin đồn xung quanh nguồn gốc của đại dịch. Stella Zhou, cư dân Vũ Hán, cho biết cô đã nghe nói về căn bệnh viêm phổi bí ẩn tại một trung tâm chăm sóc trẻ em vào ngày 8/12/2019, cùng ngày Chen phát bệnh và gần một tháng trước khi có thông báo chính thức. Zhu Wei, một cư dân khác, nói những ca đầu tiên có thể chưa được chẩn đoán.
"Mọi người quanh tôi đều có cảm giác rằng con số thực tế cao hơn báo cáo chính thức. Lúc đầu, có nhiều người không có cơ hội xét nghiệm hoặc điều trị y tế", Zhu nói.
Trong hầu hết năm 2020, ca Covid-19 sớm nhất được cho là một cư dân Vũ Hán bị ốm vào ngày 1/12/2019. Thông tin sau đó được đính chính trong báo cáo của WHO rằng người đàn ông này đã mắc bệnh khác vào đầu tháng 12 và nhiễm nCoV vào cuối tháng. Sửa đổi này đã khiến Chen, nhân viên kế toán bị ốm vào ngày 8/12/2019, trở thành ca chính thức đầu tiên.
Gần 20 tháng đã qua từ khi dịch bùng phát tại Vũ Hán cuối năm 2019, nguồn gốc của Covid-19 vẫn là vấn đề gây tranh cãi.
Báo cáo của WHO cho rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là "cực kỳ khó xảy ra". Nhưng một số nhà khoa học tin vẫn có khả năng này. Jesse Bloom, nhà sinh vật học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, là một trong số đó.
"Nguồn gốc của nCoV chưa rõ ràng với hai giả thuyết hợp lý là nó lây từ động vật sang người, hoặc do sự cố từ phòng thí nghiệm", Bloom nói.
Bloom tháng trước khiến dư luận chú ý khi công bố khôi phục được 13 trình tự gene của những ca nhiễm đầu tiên ở Trung Quốc, sau khi chúng bị các nhà khoa học Vũ Hán xóa khỏi cơ sở dữ liệu gene quốc tế mà không rõ lý do.
"Là nhà khoa học, chúng tôi phải tìm cách thu thập thêm dữ liệu về các ca sớm nhất", ông nói.
Giáo sư Pond của Đại học Temple nói rằng báo cáo của Bloom đã cung cấp thông tin cho quá trình tìm hiểu cách virus phát triển, đồng thời nhấn mạnh giả thuyết chợ hải sản Hoa Nam có thể không phải là ổ dịch duy nhất.
"Ngay cả khi chỉ có 13 trình tự gene mới, một số lượng rất ít, cũng có thể thay đổi đáng kể hiểu biết về nguồn gốc của đại dịch", Pond nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)