Thượng nghị sĩ bang Missouri Josh Hawley ngày 30/12 thông báo sẽ tham gia vào nỗ lực phản đối việc chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden trong phiên họp quốc hội ngày 6/1.
Sự tham gia của một thượng nghị sĩ như Hawley là điều kiện đủ để kiến nghị phản đối phiếu đại cử tri của các hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa có hiệu lực, buộc lưỡng viện quốc hội Mỹ phải dừng phiên họp chứng nhận kết quả bầu cử và tổ chức phiên thảo luận, biểu quyết riêng rẽ về kiến nghị đó.
"Tôi không thể bỏ phiếu để chứng nhận kết quả cử tri đoàn vào ngày 6/1 mà không nêu ra thực tế là một số bang, đặc biệt là Pennsylvania, đã không tuân theo luật bầu cử của chính mình", Hawley giải thích về quyết định của mình.
Theo giới chuyên gia, quyết định này của Hawley có thể đẩy các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khác vào thế khó, khi họ đứng trước áp lực phải công khai thể hiện liệu họ có ủng hộ những tuyên bố mà Tổng thống Donald Trump đưa ra về gian lận bầu cử và rằng ông mới là người chiến thắng thay vì Biden hay không.
Đến nay, rất ít nghị sĩ Cộng hòa dám công khai chọn cách đi ngược lại lập trường của Tổng thống Trump, bởi làm vậy là họ đã chọn trở thành đối thủ với ông, một người vẫn có sức ảnh hưởng đáng kể trong đảng.
Suốt nhiều tuần qua, Hawley, được cho là ứng viên tiềm năng chạy đua ghế tổng thống của đảng Cộng hòa vào năm 2024, đã ngụ ý rằng ông sẽ phản đối kết quả tại Pennsylvania và các bang chiến trường khác đã bầu cho Biden.
Hawley, người liên tục cáo buộc Facebook và Twitter hậu thuẫn Biden một cách không công bằng, nói ông quyết định phản đối việc chứng nhận chiến thắng cho Biden để có cơ hội nhấn mạnh rằng "một số bang, đặc biệt là Pennsylvania, đã không tuân thủ luật bầu cử của chính bang mình".
Giới chức Pennsylvania bác bỏ các cáo buộc về việc họ lách luật bầu cử. Tổng thư ký bang Josh Shapiro hôm 30/12 chỉ trích Hawley vì theo đuổi một "nỗ lực vô căn cứ" nhằm "làm suy yếu ý chí của người dân".
"Cuộc bầu cử tại Pennsylvania diễn ra an toàn, hợp pháp và công bằng", Shapiro tweet sau quyết định của Shapiro. "Các đại cử tri bang chúng tôi đã bầu cho Joe Biden và Kamala Harris. Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại những đòn công kích nhằm vào quyền bầu cử cho tới ngày 20/1. Cho đến lúc đó, mọi người nên biết rằng bất kỳ thượng nghị sĩ nào tuyên bố về việc thách thức kết quả bầu cử của Pennsylvania đều chỉ nhằm mục đích phục vụ cho sân khấu chính trị của Donald Trump mà không tuân theo một thực tế hay luật lệ nào cả".
Trump và các đồng minh lên kế hoạch "lật kèo" kết quả bầu cử bằng cách để các hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ Cộng hòa nộp văn bản kiến nghị phản đối phiếu đại cử tri ở các bang chiến trường bị cáo buộc gian lận. Các đồng minh của Trump tại quốc hội còn dự định nộp danh sách đại cử tri thay thế, qua đó tuyên bố Trump là người chiến thắng.
Theo Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887, cần phải có một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ cùng nhau đệ trình văn bản kiến nghị để nó có hiệu lực. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mo Brooks của bang Alabama là người đầu tiên tại Hạ viện thông báo ý định làm vậy. Một số hạ nghị sĩ khác sau đó cũng bày tỏ sự ủng hộ với Brooks. Trong khi đó, Hawley là thượng nghị sĩ đầu tiên thông báo sẽ tham gia nỗ lực này.
Thượng viện và Hạ viện sẽ tranh luận riêng về kiến nghị trong tối đa hai giờ. Sau đó, lưỡng viện sẽ bỏ phiếu riêng rẽ về việc có chấp nhận kiến nghị hay không. Tuy nhiên, kiến nghị chỉ được chấp thuận khi có đa số thành viên của Hạ viện và Thượng viện nhất trí trong các phiên bỏ phiếu.
Giới quan sát đánh giá những nỗ lực nhằm thách thức các đại cử tri bầu cho Biden hầu như không thể thành công, bởi nó cần nhận được sự ủng hộ đa số từ lưỡng đảng. Phe Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện chắc chắn sẽ bác bỏ và những nghị sĩ Cộng hòa đủ chín chắn tại Thượng viện nhiều khả năng sẽ không mạo hiểm danh tiếng của mình để làm theo ý Trump, theo bình luận viên Elizabeth Crisp của Newsweek.
Tuy nhiên, những người này chắc chắn sẽ khiến Tổng thống Trump nổi giận. Trong khi đó, những người công khai ủng hộ nỗ lực "lật kèo" bầu cử lại đi ngược lại mong muốn của Mitch McConnell, người từng cảnh báo các thành viên Thượng viện không tham gia kế hoạch này. Ông cho rằng điều đó sẽ chỉ khiến Thượng viện phải tiến hành một cuộc bỏ phiếu "tồi tệ" về kiến nghị phản đối phiếu đại cử tri.
Thượng viện Mỹ nhiều khả năng sẽ chứng kiến một phiên tranh luận kéo dài, nơi các thượng nghị sĩ Cộng hòa sẽ phải phản biện lẫn nhau để đi đến kết luận cuối cùng. Bình luận viên Crisp đánh giá đây là "ác mộng" mà lãnh đạo phe Cộng hòa McConnell đã tìm cách né tránh.
Đây sẽ là lần thứ ba trong một thế kỷ Thượng viện và Hạ viện Mỹ buộc phải bỏ phiếu về việc liệu họ có chấp nhận nhóm đại cử tri do bang đề cử hay không. Hai lần trước phiếu bầu của đại cử tri bị thách thức là vào năm 1969 và 2005, song đều thất bại.
Trump vẫn từ chối chấp nhận thất bại và đã nộp hàng loạt đơn kiện thách thức kết quả bầu cử tại các bang mà Biden đã giành chiến thắng. Nỗ lực này chưa gặt hái bất kỳ thành công nào.
Khi được hỏi về việc Trump không ngừng phản đối kết quả bầu cử, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện McConnell hồi đầu tháng nói ông không có lời khuyên nào dành cho Tổng thống.
"Với tôi, trên cơ sở cách thức mà toàn bộ hệ thống hoạt động, quyết định của đại cử tri đoàn đã được xác định", ông nói.
Tại phiên họp quốc hội ngày 6/1, Phó tổng thống Mike Pence, người giữ chức Chủ tịch Thượng viện, sẽ mở giấy chứng nhận phiếu đại cử tri của từng bang để các thành viên quốc hội xác nhận, sau đó tuyên bố người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Các nghị sĩ Louie Gohmert, Kelli Ward và nhiều đảng viên Cộng hòa ngày 28/12 đệ đơn kiện lên Thẩm phán liên bang Jeremy Kernodle ở Texas, yêu cầu tuyên Phó tổng thống Mike Pence là "người có thẩm quyền duy nhất và được tùy ý" quyết định kiểm đếm phiếu đại cử tri nào ở các bang trong phiên họp lưỡng viện quốc hội ngày 6/1.
Đơn kiện được đệ trình sau khi nhóm luật sư đại diện cho các nghị sĩ đảng Cộng hòa không thuyết phục được Pence tham gia vào kế hoạch "lật kèo" bầu cử tại quốc hội, theo hồ sơ tòa án.
Theo Wall Street Journal, bằng việc làm này, Tổng thống Trump đã đẩy phó tướng của mình vào một vị thế vô cùng tồi tệ. Nếu kịch bản Pence có thể định đoạt phiếu đại cử tri trở thành hiện thực và ông thực sự lấy chiến thắng từ tay Biden trao cho Trump, những cuộc biểu tình, bạo động trên đường phố có lẽ sẽ là hệ quả ít nghiêm trọng nhất.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, Newsweek)