"Hy vọng tôi sai", Kinzinger hôm 30/12 nói khi đưa ra dự đoán. Ông cho rằng nếu các thành viên trong đảng tiếp tục thách thức kết quả bầu cử, đó sẽ là hành động "gây thiệt hại to lớn và phá hoại nền dân chủ".
"Nó giống như sự việc ở Texas vậy. Họ biết rằng mọi chuyện chẳng đi đến đâu, nhưng việc ký tên vào đơn vẫn dễ dàng hơn nhiều so với việc thực sự bảo vệ nó", Kinzinger nhận định.
Ông đề cập tới vụ kiện do Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton khởi xướng hồi đầu tháng này nhằm ngăn các đại cử tri ở 4 bang chiến trường bỏ phiếu cho Tổng thống đắc cử Joe Biden. Hơn 100 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã ký ủng hộ vụ kiện bất thành này.
Hạ nghị sĩ Kinzinger là một trong số ít đảng viên Cộng hòa liên tục chỉ trích những cáo buộc gian lận bầu cử của Tổng thống Trump. Ông cho rằng việc Tổng thống và đồng minh tiếp tục nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử là "trò lừa đảo".
Trong khi đó Josh Hawley, từ bang Missouri, hôm 30/12 đã trở thành thượng nghị sĩ đầu tiên thông báo sẽ thách thức việc chứng nhận chiến thắng của Biden tại phiên họp quốc hội ngày 6/1.
Phó tổng thống Mike Pence kiêm Chủ tịch Thượng viện hôm 6/1 sẽ chủ trì phiên họp, xác nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn và tuyên bố người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay. Trump và các đồng minh đang lên kế hoạch "lật kèo" kết quả bầu cử bằng cách để các nghị sĩ Cộng hòa nộp văn bản kiến nghị phản đối phiếu đại cử tri ở các bang chiến trường bị cáo buộc gian lận.
Các đồng minh của Trump tại quốc hội dự định nộp danh sách đại cử tri thay thế và đã đệ đơn kiện yêu cầu thẩm phán liên bang tuyên bố Phó tổng thống Pence là người duy nhất có quyền định đoạt phiếu đại cử tri, qua đó tuyên bố Trump là người chiến thắng. Tuy nhiên, mọi kịch bản "lật kèo" bầu cử đều được nhận định không có khả năng thành công.
Trước ngày 6/1, thay vì nhận thua, Trump cùng các đồng minh vẫn thực hiện nhiều kế hoạch nhằm đảo ngược kết quả bầu cử. Tổng thống Mỹ còn cảnh báo sẽ xảy ra cuộc biểu tình "rầm rộ" tại thủ đô Washington vào ngày xác nhận kết quả bầu cử.
Ngọc Ánh (Theo Hill)