Tiêm kích Mỹ cuối tuần qua liên tiếp bắn hạ ba vật thể bay lạ. Vụ gần nhất diễn ra chiều 12/2, khi tiêm kích F-22 Mỹ phóng tên lửa vào một vật thể bay không xác định trên hồ Huron, gần biên giới Canada. Lầu Năm Góc xác nhận vật thể bay dường như đã di chuyển gần các địa điểm quân sự của nước này.
Trước đó một ngày, một vật thể khác bị bắn theo lệnh của Thủ tướng Canada Justine Trudeau và Tổng thống Mỹ Joe Biden trên khu vực Yukon, miền bắc Canada. Ngày 10/2, tiêm kích F-22 cũng hạ một vật thể khác trên không phận Alaska.
Những sự việc này diễn ra một tuần sau khi Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc ngoài khơi Nam Carolina, với cáo buộc đây là thiết bị do thám. Tuy nhiên, Nhà Trắng, Lầu Năm Góc hay chính phủ Canada dường như chưa thể đưa ra lời giải thích rõ ràng cho những gì đang xảy ra, đặt ra nhiều vấn đề cho giới lãnh đạo quân sự và các cơ quan tình báo Mỹ.
"Những gì diễn ra trong tuần qua, hay chính xác là 10 ngày qua, thật sự điên rồ. Quân đội cần lên kế hoạch để xác định rõ những gì đang xuất hiện trên bầu trời cũng như nguy cơ từ chúng", thượng nghị sĩ Dân chủ Jon Tester nói.
Ngay cả vào đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh, khi tiêm kích Mỹ thường ngăn chặn máy bay Nga thách thức hệ thống phòng thủ Bắc Mỹ và châu Âu, họ chưa từng được giao nhiệm vụ bắn hạ các vật thể bay không xác định trên không phận Mỹ và Canada.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) Glen VanHerck nói rằng những sự kiện gần đây có thể lần đầu tiên mà họ phải chủ động bắn hạ vật thể bay trên không phận Mỹ.
Do đó, chúng đặt ra những câu hỏi về chính trị và an ninh quốc gia nghiêm trọng ở Washington, theo nhà phân tích Stephen Collinson của CNN.
Câu hỏi đầu tiên là ba vật thể bay mới nhất có liên quan tới chương trình do thám của Bắc Kinh mà Mỹ cáo buộc sau vụ bắn hạ khí cầu hay không? Bất kỳ dấu hiệu nào về hoạt động liên tiếp của khí tài do thám Trung Quốc trên không phận Mỹ sẽ là bước ngoặt nghiêm trọng trong quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Nếu không liên quan tới Trung Quốc, các vật thể này có mối liên hệ nào với một số thế lực hoặc tổ chức thù địch khác hay không? Ba sự kiện bắn hạ vật thể bay có liên quan tới nhau, hay chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên?
Nếu khả năng thứ hai xảy ra, liệu NORAD có thể phải đối mặt thêm nhiều vật thể tương tự hay không? Và với những rủi ro tiềm ẩn cho ngành hàng không dân dụng, liệu đây có phải vấn đề mới mà Mỹ cần phải quan tâm?
Tổng thống Biden đã vấp chỉ trích từ đảng Cộng hòa vì không bắn hạ khí cầu Trung Quốc ngay khi phát hiện nó ở Alaska. Trong Thông điệp Liên bang hôm 7/2, ông Biden đã phải cảnh báo Trung Quốc rằng ông sẽ quyết tâm bảo vệ chủ quyền Mỹ.
Kể từ đó, các phản ứng với những vật thể bay tiếp theo xuất hiện trên bầu trời Bắc Mỹ trở nên quyết đoán hơn. Điều này cho thấy Nhà Trắng hiểu được mối nguy hiểm chính trị trực chờ nếu người Mỹ nhận thấy ông Biden không làm mọi thứ để bảo vệ đất nước, theo Collinson.
Căng thẳng chính trị đang gia tăng sau loạt vụ bắn hạ vật thể bay, khiến mối quan hệ giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa càng trở nên gay gắt.
Nghị sĩ Cộng hòa Mike Turner, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho rằng những vật thể này có thể xâm nhập không phận Mỹ là do ông Biden không thể bảo vệ biên giới phía nam và phàn nàn rằng quan chức Nhà Trắng không báo cáo đầy đủ sự việc với quốc hội. Turner cũng cho rằng Tổng thống không phản ứng đủ nhanh trong sự cố khí cầu Trung Quốc.
Tổng thống Biden tới nay chưa lên tiếng về ba vật thể bay mới nhất. Song một quan chức cấp cao đã tìm cách xoa dịu những lo ngại về các sự cố này.
"Chúng tôi chưa thể đánh giá chính xác về những vật thể gần đây. Chúng tôi đã hành động thận trọng để bảo vệ an ninh và lợi ích của chúng ta", Melissa Dalton, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, chia sẻ ngày 12/2.
"Khí cầu Trung Quốc khác ở chỗ chúng tôi biết chính xác nó là gì. Những vật thể gần đây không gây ra mối đe dọa quân sự trực tiếp, nhưng dường như chúng bay gần các địa điểm quốc phòng nhạy cảm và độ cao của chúng có thể gây nguy hiểm cho hàng không dân dụng", Dalton nói thêm.
Khi Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống mới và giữa lúc chính trị chia rẽ nghiêm trọng, loạt sự cố này đang gây thêm áp lực cho ông Biden, đặc biệt sau những cáo buộc hành động chậm trễ với khí cầu Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những chỉ trích được đưa ra quá sớm, khi giới chức đang nỗ lực tìm hiểu toàn diện hơn về các vật thể.
Lầu Năm Góc cho biết NORAD đang điều chỉnh các hệ thống radar cảnh báo sớm để có thể phát hiện các vật thể nhỏ, chuyển động nhanh ở độ cao nhất định. Sự điều chỉnh này đồng nghĩa Mỹ có thể phát hiện nhiều vật thể bay hơn.
Juliette Kayyem, cựu trợ lý Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, cho rằng đây là "kết quả tích cực". Tuy nhiên, Kayyem thêm rằng "điều chúng ta chưa thể trả lời là những gì được phát hiện không đáng lo ngại, hay nó là một phần của chương trình do thám nào đó".
Chính quyền của ông Biden còn phải đối mặt với những bất lợi trên mặt trận truyền thông, khi các quan chức đưa ra những thông tin bất nhất về các vật thể bay.
Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer, thành viên đảng Dân chủ, ngày 12/2 cho biết hai vật thể bị bắn rơi ở Alaska và Yukon là khí cầu có kích thước nhỏ hơn chiếc của Trung Quốc. Ông cho hay đã được Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan chia sẻ thông tin này.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó đưa ra thông tin rằng hai vật thể "không thật sự giống với khí cầu Trung Quốc". Có một số dấu hiệu cho thấy các nghị sĩ có thể đã không được chia sẻ thông tin đầy đủ từ giới chức quân sự, gây ra nguy cơ nhầm lẫn lớn hơn về những gì đang xảy ra.
Nghị sĩ Cộng hòa Matt Rosendale dường như tự tạo ra mối liên kết giữa khí cầu Trung Quốc và các vật thể bay mới, dù chưa có bằng chứng. "Dù các thiết bị này nhỏ hơn, tôi cũng không thấy an tâm hơn. Tôi rất lo ngại về những dữ liệu mà chúng thu thập. Tôi cần những câu trả lời và người dân Mỹ cũng vậy", ông nói.
"Các tranh luận chính trị gay gắt về vật thể bay không xác định đã thay đổi ngưỡng chịu đựng của ông Biden. Hiện tại, quyết định được chính quyền đưa ra đều là bắn hạ trước, điều tra sau", nhà phân tích Collinson cho hay.
Thanh Tâm (Theo CNN)