Sức khỏe của lãnh đạo là một trong những bí mật được giữ kín nhất của Triều Tiên, khiến các cơ quan tình báo và truyền thông nước ngoài nhiều lần "bó tay" hay đưa tin sai lệch.
Báo chí Hàn Quốc từng đưa tin sai rằng Kim Nhật Thành, ông của Kim Jong-un, qua đời vào tháng 11/1986. Ngày 16/11/1986, Chosun, báo lớn nhất Hàn Quốc, đăng một tin ngắn từ phóng viên tại Tokyo, cho biết có tin đồn ở Nhật Bản rằng Kim Nhật Thành đã qua đời. Hôm sau, phát ngôn viên quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên thông báo qua loa phóng thanh ở biên giới rằng Kim Nhật Thành đã bị bắn chết.
Chosun vốn không ra báo vào thứ hai nhưng tờ này đã phá lệ, phát hành thêm một số vào thứ hai, ngày 17/11/1986 để đăng thông tin này. Trong số báo ra ngày 18/11/1986, họ mô tả "vụ ám sát" Kim Nhật Thành trên 7 trang báo. Các báo khác cũng theo chân Chosun đăng tin tương tự.
Tin đồn sau đó bị xóa tan khi Kim Nhật Thành xuất hiện tại một sân bay ở Bình Nhưỡng để chào đón một phái đoàn Mông Cổ. "Kim Nhật Thành bị bắn chết" trở thành một trong những dòng tít tai tiếng nhất lịch sử báo chí Hàn Quốc.
Chosun không đăng tin đính chính. Nhưng họ đã xin lỗi về sự cố này vào tháng trước, khi kỷ niệm 100 năm thành lập. Ông Kim Nhật Thành qua đời vì đau tim vào tháng 7/1994.
Chosun cũng xin lỗi về việc từng đăng tin vào năm 2013 rằng ca sĩ Hyon Song-wol đã bị xử tử. Hyon tái xuất vào tháng 5/2014 và hiện được coi là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất Triều Tiên, tháp tùng Kim Jong-un tới một số hội nghị thượng đỉnh quốc tế.
Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un, cũng là chủ đề của nhiều tin đồn thất thiệt. Năm 2004, một vụ nổ lớn tại nhà ga đường sắt Triều Tiên ở sát biên giới với Trung Quốc làm dấy lên tin đồn về âm mưu ám sát Kim Jong-il, vì đoàn tàu chở ông đã đi qua vài giờ trước đó trên đường trở về từ Bắc Kinh. Vụ nổ là do hai đoàn tàu chở nhiên liệu đâm nhau, được cho là khiến nhiều người thương vong nhưng vụ va chạm không được xác nhận liên quan đến lịch trình di chuyển của Kim Jong-il.
Khi Kim Jong-il bị đột quỵ vào hè 2008, tình báo Mỹ đã không nắm được thông tin có thể trong vài ngày hoặc vài tuần, cho đến khi Bình Nhưỡng xin tư vấn từ các bác sĩ Pháp về chụp sọ não. Dựa vào giám sát liên lạc giữa Triều Tiên và Pháp, tình báo Mỹ xác định Kim Jong-il không bị bệnh nan y và chuyển thông tin đến cho đối tác Hàn Quốc.
Tuy nhiên, sau vụ đột quỵ, tin đồn Kim Jong-il qua đời bùng lên mạnh mẽ tới nỗi cơ quan quản lý tài chính Hàn Quốc năm 2009 phải điều tra xem liệu những tin đồn này có được cố tình lan truyền để thao túng thị trường chứng khoán hay không.
Khi Kim Jong-il qua đời vào tháng 12/2011, thế giới bên ngoài không có manh mối nào cho đến khi truyền thông nhà nước Triều Tiên thông báo hai ngày sau.
Cũng có những thông tin thất thiệt về em gái Kim Jong-il là Kim Kyong-hui. CNN tháng 5/2015 trích dẫn một người đào tẩu khỏi Triều Tiên nói rằng bà đã qua đời. Người phụ nữ 73 tuổi đã xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên trong gần 6 năm hồi tháng một, ngồi gần Kim Jong-un trong một buổi hòa nhạc.
Năm 2014, Kim Jong-un gây xôn xao khi không xuất hiện trong 40 ngày và không dự lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên, sự kiện quan trọng ông chưa từng vắng mặt kể từ khi lên nắm quyền cuối năm 2011. Nhiều đồn đoán về sức khỏe xuất hiện như ông bị gout hay vỡ mắt cá chân. Một đồn đoán khác là đã có thay đổi trong bộ máy quyền lực tại Bình Nhưỡng. Vào ngày thứ 36 Kim Jong-un vắng bóng, Mỹ bác tin đồn có đảo chính quân sự ở Bình Nhưỡng.
Ngày 14/10/2014, Kim Jong-un tái xuất khi chống gậy đến thăm một khu liên hợp. Tình báo Hàn Quốc vài ngày sau nói rằng ông đã làm phẫu thuật loại bỏ u ở mắt cá chân.
Năm 2016, truyền thông Hàn Quốc dẫn lời các quan chức tình báo cho biết Kim Jong-un đã xử tử quan chức quan đội Ri Yong-gil vì tham nhũng và các cáo buộc khác. Nhưng vài tháng sau, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin cho thấy Ri Yong-gil còn sống và có chức vụ mới.
Kim Jong-un đã vắng bóng từ ngày 11/4, đặc biệt là vắng mặt trong dịp kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành hôm 15/4. Trang Daily NK chuyên đưa tin về Triều Tiên dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng Kim Jong-un đã phẫu thuật tim hôm 12/4.
CNN đầu tuần trước dẫn lời một quan chức Mỹ nói rằng Washington đang xác minh tin tình báo Kim Jong-un "trong tình trạng nghiêm trọng sau ca phẫu thuật". Trong khi đó, Hàn Quốc nói rằng ông "vẫn sống và khỏe mạnh". Trump nói ông nắm được tình trạng hiện tại của Kim Jong-un nhưng không cho biết chi tiết.
Truyền thông Triều Tiên đưa tin Kim Jong-un đã gửi thư cho một số lãnh đạo nước ngoài để chúc mừng các ngày lễ quan trọng và gửi lời động viên đến công nhân xây dựng thành phố Samjiyon. Ảnh vệ tinh cho thấy đoàn tàu và du thuyền chuyên dụng của Kim Jong-un đang ở khu nghỉ dưỡng Wosan. Một số chuyên gia an ninh đánh giá Covid-19 có thể là lý do khiến Kim Jong-un hạn chế xuất hiện trước công chúng.
"Không thể nắm được thông tin về sức khỏe của lãnh đạo Triều Tiên trong thời gian thực", Nam Sung-wook, cựu giám đốc trung tâm nghiên cứu thuộc cơ quan tình báo Hàn Quốc, nói. Giới chuyên gia và các quan chức Mỹ - Hàn miêu tả Triều Tiên như "hố đen" thông tin tình báo.
Thae Yong-ho, nhà ngoại giao cấp cao Triều Tiên đã đào tẩu 4 năm trước, cho biết ngay cả các quan chức cấp cao nhất trong chính quyền "cũng không biết nơi ở của gia đình Kim Jong-un".
Các phương tiện thu thập thông tin tình báo khác, bao gồm sử dụng hình ảnh vệ tinh, có thể không hiệu quả vì Bình Nhưỡng biết họ bị theo dõi. "Đó là lý do họ luôn sử dụng nhiều chiến thuật đánh lừa để che giấu nơi ở của Kim Jong-un", Thae nói.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên thường nhanh chóng đáp trả các ý kiến chỉ trích của quan chức Mỹ. Nhưng họ không có truyền thống phản ứng trước những tin đồn về sức khỏe của các lãnh đạo, Rachel Lee, nhà phân tích cấp cao về Triều Tiên cho chính phủ Mỹ, nói.
Do đó, việc truyền thông Triều Tiên không có động thái gì ngoài đưa tin Kim Jong-un gửi thư không nên được coi là bằng chứng cho thấy có gì đó không ổn, bà nói thêm.
"Có thể truyền thông Triều Tiên thấy những đồn đoán đó không đáng để họ phải phản ứng", Lee nói. "Họ cũng không muốn tạo ra ấn tượng rằng những tin đồn quốc tế chi phối hoạt động của lãnh đạo nước mình".
Phương Vũ (Theo AP/WSJ)