Năm 2023 đánh dấu sự trở lại của nhiều nhà làm phim nổi tiếng như Martin Scorsese, Christopher Nolan và Wes Anderson. Các tác phẩm nổi bật năm nay cho thấy tầm nhìn, quan điểm về xã hội và đạo đức. "Những bộ phim đặc sắc là lời nhắc: Điện ảnh giúp con người tiến đến tương lai tốt đẹp, tiếp thêm niềm tin vào chính mình, hơn hẳn những gì chúng ta có thể tưởng tượng", trang IndieWire viết.
Các nhà phê bình chọn ra các tác phẩm hay nhất năm nay, dựa trên nội dung và nghệ thuật kể chuyện.
1. Past Lives (đạo diễn Celine Song)
Tác phẩm lược bỏ mọi kịch tính để đào sâu việc mỗi người tìm thấy chính mình thông qua tình yêu. "Mỗi cảnh trong phim đều tĩnh lặng và thiêng liêng. Đạo diễn biết cách biến từng khoảnh khắc thành những giây phút sống động trên màn ảnh", cây bút David Ehrlich của chuyên trang điện ảnh viết.
Phim không có cao trào hay xung đột, ghi điểm ở sự nhẹ nhàng, chân thực mà người xem có thể bắt gặp trong cuộc sống. Những đoạn đối thoại giản dị, không lên gân nhưng vẫn khiến nhiều khán giả ấn tượng. Hôm 28/11, Past Lives giành giải Phim hay nhất tại Gotham Awards 2023 - giải tiền Oscar ở Mỹ.
2. The Pot au Feu ( đạo diễn Trần Anh Hùng)
Tác phẩm của Trần Anh Hùng - Đạo diễn xuất sắc Liên hoan phim Cannes 2023 - tập trung truyền tải tối đa chủ đề đưa ra: Câu chuyện về tình yêu và ẩm thực hòa quyện. "Nhà làm phim cho thấy sự công phu trong cách dàn dựng. Nhà bếp của một trang viên Pháp thế kỷ 19 trở thành bối cảnh cho đoạn mở đầu phim công phu nhất mà khán giả từng thấy", IndieWire nhận xét.
Hai nhân vật chính thể hiện ngôn ngữ tình yêu qua những cuộc trò chuyện về nấu ăn. Họ hòa hợp cả về bản năng, trí tuệ lẫn khát vọng. Diễn viên Juliette Binoche và Benoît Magimel phối hợp ăn ý trong nhiều phân đoạn, diễn tả trọn vẹn cảm xúc nhân vật qua hành động và biểu cảm gương mặt.
3. Asteroid City (đạo diễn Wes Anderson)
Phim lấy bối cảnh năm 1955, xoay quanh một thị trấn sa mạc hư cấu của Mỹ trở thành nơi tổ chức hội nghị Junior Stargazer. Tại đây, các học sinh và phụ huynh tụ tập để thi thố và vui chơi giải trí.
Tác phẩm pha trộn nhiều thể loại, chủ đề. Lấy bối cảnh một dự án khoa học viễn tưởng, phim có nhiều tình tiết gây cười lẫn châm biếm. Dù mang màu sắc tươi sáng, đạo diễn đào sâu vào cách mỗi nhân vật khám phá và đối mặt với nỗi đau. Wes Anderson khéo léo kết hợp những yếu tố trên, khiến phim có sự liền mạch, mang tiết tấu lôi cuốn.
4. The Boy and the Heron (đạo diễn Hayao Miyazaki)
Phim lấy bối cảnh Nhật Bản thời chiến, về cậu bé Mahito và người cha chuyển đến sống ở vùng nông thôn, sau khi mẹ cậu qua đời trong vụ hỏa hoạn. Một ngày nọ, cậu bị một con chim diệc màu xanh biết nói quấy rầy, nói Mahito sẽ gặp lại mẹ nếu cả hai đi đến một tòa tháp bỏ hoang.
IndieWire và nhiều chuyên trang điện ảnh đánh giá tác phẩm là một trong những bộ phim hoạt hình hay nhất của Miyazaki. Anime News Network cho rằng phim không chỉ đặt ra câu hỏi "Sống thế nào?", mà khiến người xem phải suy nghĩ làm sao có thể sống tiếp khi những người yêu thương qua đời.
5. May December (đạo diễn Todd Haynes)
Nhà làm phim Todd Haynes cho thấy khả năng mô tả sự đa diện của cuộc sống. Giống Carol, May December - đề cử Cành Cọ Vàng Cannes 2023 - xoáy sâu vào tâm lý nữ giới.
Giới chuyên môn còn đánh giá cao diễn xuất của diễn viên Natalie Portman và Julianne Moore. Tờ Independent nhận xét: "Tác phẩm không rườm rà, không có nhiều hiệu ứng. Cách xây dựng nhân vật sâu sắc nhờ diễn xuất tuyệt vời của Portman và Moore, điều mà các phim kịch tính thường không làm được".
6. Poor Things (đạo diễn Yorgos Lanthimos)
Nội dung xoay quanh Bella (Emma Stone), cô gái được nhà khoa học Dr. Godwin Baxter (Willem Dafoe) hồi sinh từ cõi chết. Cảm thấy ngột ngạt bởi sự bao bọc của Baxter, Bella bỏ trốn cùng Duncan Wedderburn (Mark Ruffalo), một luật sư láu cá và ranh mãnh. Từ đó, cô dấn thân vào những cuộc phiêu lưu bí ẩn.
Poor Things được giới chuyên môn nhận xét tích cực. IndieWire đánh giá tác phẩm là phim hay nhất trong sự nghiệp của Lanthimos. Nhà phê bình Peter Bradshaw của Guardian chấm tác phẩm 5/5 sao, nói đạo diễn người Hy Lạp đưa diễn xuất của Emma lên tầm cao mới. Hôm 10/9, tác phẩm nhận giải Sư Tử Vàng ở Liên hoan phim Venice 2023. Nhiều chuyên trang điện ảnh cho rằng Emma Stone có thể giành chiến thắng trong mùa giải thưởng năm sau.
7. Passages (đạo diễn Ira Sachs)
Tác phẩm kể về mối quan hệ của một cặp đồng tính nam - đạo diễn người Đức Tomas (Franz Rogowski) và thợ in người Anh Martin (Ben Whishaw). Tại bữa tiệc, Tomas khiêu vũ với Agathe (Adèle Exarchopoulos) vì Martin từ chối nhảy cùng. Sau đó, Tomas bắt đầu thích Agathe, qua đêm tại nhà cô. Từ đây, tình yêu giữa Tomas và Martin dần rạn nứt.
Hồi tháng 2, tác phẩm nhận đề cử Phim hay nhất ở hạng mục Panomara tại Liên hoan phim Berlin 2023. IndieWire nhận xét: "Passages khai thác mối quan hệ tay ba, khiến người xem đồng cảm trong những phân đoạn cãi vã hay khi nhân vật cảm thấy cô độc". Cây bút Sergio Burstein của Los Angeles Times viết: "Một bộ phim hết sức chân thực. Câu chuyện đầy tính nghệ thuật và phức tạp về ba con người phải đối mặt với đạo đức của chính mình".
8. Anatomy of a Fall (đạo diễn Justine Triet)
Bối cảnh phòng xử án trong tác phẩm giành giải Cành Cọ Vàng Cannes 2023 Anatomy of a Fall trở thành nơi để đạo diễn khai thác nhiều câu chuyện trong xã hội. Giống Saint Omer của Alice Diop hay The Goldman Case do Cedric Kahn đạo diễn, Justine Triet chọn cách khai thác góc khuất cuộc sống qua lời kể của bị can, nhân chứng và những người liên quan.
Cây bút Nadine Whitney của The Curb đánh giá: "Anatomy of a Fall đầy thử thách và lôi cuốn, khiến khán giả phải suy đoán và xem xét kỹ lưỡng khái niệm tội lỗi và vô tội". Trên Rotten Tomatoes, nhà phê bình Neal Pollack cho biết: "Một phim pháp lý siêu thực tế của Pháp, đồng thời là diễn ngôn sâu sắc về sự tan vỡ trong hôn nhân. Hấp dẫn và diễn xuất đẹp mắt".
9. All of Us Strangers (đạo diễn Andrew Haigh)
Tác phẩm lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết Strangers (1987) của nhà văn Taichi Yamada. Kịch bản nói về tình yêu đồng giới giữa Adam (Andrew Scott) và Harry (Paul Mescal). Khi tình cảm của họ lớn dần, Adam quay về ngôi nhà cũ, nơi anh sống cùng cha mẹ đã qua đời 30 năm trước để khám phá bản thân và tìm hiểu quá khứ.
Kịch bản gây xúc động khi phản ánh sự cô độc, khao khát được mọi người nhớ đến của Adam. Trang Time Out nhận xét màn trình diễn của Paul Mescal và Andrew Scott khơi dậy câu chuyện tình yêu, kéo theo nhiều tổn thương và nỗi sợ cô đơn của con người.
10. The Zone of Interest (đạo diễn Jonathan Glazer)
Phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Martin Amis, lấy bối cảnh thập niên 1945. Kịch bản kể về Rudolf Hoss (Christian Friedel) - chỉ huy trại tập trung Auschwitz - và vợ, Hedwig (Sandra Hüller) đang xây dựng tổ ấm cạnh khu vực này.
Ở Liên hoan phim Cannes, tác phẩm đoạt giải Grand Prix và giải FIPRESCI do các nhà phê bình phim quốc tế bình chọn. Tác phẩm lấy đề tài nạn diệt chủng Holocaust để lên án tội ác chiến tranh, phô bày sự tàn bạo, vô nhân đạo của chiến tranh. Còn phần nhạc phim mang đến cảm giác kinh dị, rùng rợn, góp phần thúc đẩy cao trào. Variety miêu tả: "Bộ phim lạnh lùng và sâu sắc, đưa mặt tối của con người ra ánh sáng và soi xét chúng một cách kỹ lưỡng".
Quế Chi (theo IndieWire)