Cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời ngày 27/10 tại Thượng Hải do lên cơn đau tim, hưởng thọ 68 tuổi. Ông đảm nhận cương vị thủ tướng hai nhiệm kỳ, từ tháng 3/2013 đến tháng 3/2023, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong 10 năm điều hành chính phủ, ông Lý dẫn dắt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt qua nhiều khó khăn, thúc đẩy kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài, cải cách hành chính, chống tham nhũng và đối phó ô nhiễm môi trường, với nhiều phát biểu ấn tượng về tầm nhìn quản trị của ông.
Trong diễn văn đầu tiên sau khi nhậm chức hồi tháng 3/2013, ông Lý đã đưa ra tầm nhìn về một xã hội bình đẳng hơn, trong đó bảo vệ môi trường được ưu tiên hơn là tăng trưởng kinh tế không kiểm soát, đồng thời yêu cầu quan chức chính quyền đặt phúc lợi người dân lên trên lợi ích cá nhân.
"Tham nhũng và danh dự của chính phủ khắc nhau như lửa và nước", ông Lý nói tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh.
Với vị trí đứng đầu nội các, chịu trách nhiệm thực hiện các chính sách kinh tế, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, ông Lý cũng cần giải quyết những thách thức trỗi dậy từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở Trung Quốc.
Ông cảnh báo về "căn bệnh đô thị" cũng như tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng, với yêu cầu "tránh để xuất hiện những tòa nhà chọc trời cạnh các khu ổ chuột".
Tình trạng bất bình đẳng ở Trung Quốc cũng được ông Lý đề cập trong bài phát biểu tháng 5/2020. "Trung Quốc là quốc gia đông dân đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người hàng năm là 30.000 nhân dân tệ, nhưng 600 triệu người đang có thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 nhân dân tệ", ông cho biết.
Thủ tướng Trung Quốc khi đó nói rằng với số tiền này, người lao động rất khó thuê nhà tại một thành phố tầm trung. Số liệu trên nhanh chóng gây tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người cảm thấy bất ngờ trước mức thu nhập của hơn 40% dân số nước này.
Trong vài thập kỷ qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh cũng kéo theo một số hệ quả, như tình trạng ô nhiễm không khí tại nhiều khu vực. Chất lượng không khí tệ đến mức chính phủ nước này phải phát động cuộc chiến chống ô nhiễm, đầu tư hàng tỷ USD để chống lại khói bụi.
"Khói mù đang ảnh hưởng nhiều khu vực rộng lớn ở Trung Quốc và ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề lớn. Đó là cảnh báo đỏ của tự nhiên với mô hình phát triển mù quáng, không hiệu quả", ông Lý phát biểu hồi tháng 3/2014.
Chính phủ Trung Quốc sau đó đã thi hành các chính sách chống ô nhiễm không khí quyết liệt, như hạn chế ôtô lưu thông ở thành phố lớn, cấm xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới ở những khu vực ô nhiễm, cắt giảm khí thải hoặc đóng cửa nhà máy đang hoạt động, giảm hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm nặng như sản xuất sắt thép.
Với các biện pháp mạnh tay như vậy, mức độ ô nhiễm ở Trung Quốc năm 2021 đã giảm 42% so với năm 2013, đưa nước này thành quốc gia điển hình về chống ô nhiễm ở khu vực, theo một báo cáo được công bố ngày 29/8.
Về tầm nhìn quản trị kinh tế, ông Lý cho biết Trung Quốc sẽ không ngừng mở cửa và tiếp tục đưa nước này thành thị trường lớn của thế giới, điểm nóng của đầu tư nước ngoài và nhiều lần tái khẳng định quan điểm này.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Davos Mùa hè ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh năm 2014, ông Lý mô tả "chúng ta đang sống trong một ngôi làng toàn cầu. Không nước nào có thể tồn tại cô lập với những bên khác, như Robinson Crusoe trên đảo hoang".
Tại diễn đàn năm 2016 ở Thiên Tân, ông Lý tiếp tục khẳng định Trung Quốc dù phát triển đến đâu vẫn cần học hỏi phần còn lại của thế giới và nước này tiếp tục mở cửa sâu rộng hơn nữa, cam kết bảo vệ lợi ích, quyền hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài.
"Thiên Tân là một cảng lớn trên thế giới, nơi mọi người có thể bắt đầu giương buồm ra đại dương rộng lớn. Để một con tàu lớn đi xa, gió mạnh và ổn định là yếu tố cần thiết", ông nói.
Vào tháng 3/2018, ông Lý tiếp tục được bầu làm thủ tướng nhiệm kỳ hai, nhưng nhiệm vụ quản lý kinh tế lúc này được giao cho Phó thủ tướng Lưu Hạc, nhà kinh tế học tốt nghiệp Đại học Harvard. Dù vậy, ông Lý vẫn đưa ra một số sáng kiến chính sách nhất định về quản trị kinh tế, như giảm thuế phí cho các doanh nghiệp nhỏ.
Nhiệm kỳ hai của ông Lý bị phủ bóng bởi đại dịch Covid-19, với ổ dịch đầu tiên bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cuối năm 2019. Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng chính sách "Không Covid" với hàng loạt biện pháp hạn chế, phong tỏa nghiêm ngặt, khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.
Với chính sách đóng cửa biên giới để chống dịch của Trung Quốc, ông Lý không để lại được nhiều dấu ấn về quản trị kinh tế trong nhiệm kỳ hai. Khi Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp hạn chế vào cuối năm 2022, ông cho rằng sinh kế của người dân thời hậu Covid-19 là điều rất quan trọng.
Ông Lý có bài phát biểu cuối cùng trên cương vị thủ tướng hồi tháng 3, khi quốc hội Trung Quốc họp bầu nhân sự cho nhiệm kỳ mới.
"Chúng ta hãy cùng tập hợp quanh Ủy ban Trung ương, với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân, giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc", ông Lý phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân. "Hãy đi theo định hướng của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho thời kỳ mới".
"Ông Lý Khắc Cường chắc chắn sẽ được nhớ tới như một người ủng hộ nhiệt thành cho thị trường tự do và những người yếu thế", Wen-Ti Sung, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định.
Trong khi đó, người dùng mạng xã hội Trung Quốc sau khi được tin ông qua đời đã chia sẻ lại bài viết của truyền thông nhà nước năm 2014, trong đó ca ngợi ông Lý là "người luôn kiên trì, nhẫn nại vượt mọi khó khăn".
Như Tâm (Theo NPC, SMH)