Những đường ống này tạo nên hệ thống xả thải trực tiếp thô sơ và mất vệ sinh mà hàng nghìn dân nghèo tại vùng nông thôn bang Alabama, hầu hết là người da màu, vẫn phải sử dụng do không đủ điều kiện xây bể tự hoại.
"Tôi chưa từng thấy bất cứ thứ gì như vậy", Lee Thomas, bạn trai của Marilyn Rudolph, người chuyển từ thành phố Cleveland đến ngoại ô thị trấn Hayneville ở Alabama sống cùng bà ba năm trước, cho biết. "Như thể phải sống với một nhà vệ sinh nữa ở bên ngoài căn nhà. Tôi có thể chẳng bao giờ quen với nó".
"Còn tôi đã sống chung với nó cả đời", Rudolph, 60 tuổi, cho hay.
Đường ống sau nhà Rudolph chỉ là một trong hàng loạt vấn đề của hệ thống xả thải xuống cấp trên diện rộng tại Mỹ. Các bể tự hoại đã trở nên lạc hậu. Hệ thống thoát nước mưa không phù hợp và bảo trì kém khiến các bãi cỏ thường xuyên ngập trong nước thải hôi thối chỉ sau một trận mưa nhỏ.
Theo bình luận viên Glenn Thrush của NY Times, nếu có nơi nào trên nước Mỹ thấy rõ lợi ích mang tính bước ngoặt nhờ đạo luật cơ sở hạ tầng được Tổng thống Joe Biden ký hồi tháng 11/2021, đó chính là Vành đai Đen ở Alabama, nơi từng là trung tâm sản xuất bông sử dụng lao động nô lệ. Khu vực này trải rộng trên 17 hạt, từ bang Georgia sang Mississippi, với tỷ lệ người da màu chiếm 3/4 dân số.
Khoảng 55 tỷ USD trong gói ngân sách hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD được chính quyền Biden phân bổ để nâng cấp các hệ thống xử lý nước uống, nước thải và nước mưa trên toàn quốc, trong đó 25 tỷ USD dùng để thay thế những hệ thống nước máy xuống cấp ở các thành phố như Flint ở Michigan hay Jackson ở Mississippi. Khoản ít được chú ý hơn là 11,7 tỷ USD đầu tư nâng cấp các hệ thống cống và thoát nước đô thị, cùng bể tự hoại và hệ thống thu gom nước thải cho những cộng đồng nhỏ.
Nguồn tiền này có thể giúp thay đổi chất lượng cuộc sống và triển vọng kinh tế cho những cộng đồng nghèo khó tại các bang Alabama, Mississippi, Bắc Carolina, Oklahoma, Illinois, Michigan. Helenor Bell, cựu thị trưởng Hayneville, gọi đây là "cơ hội chỉ có một lần trong đời".
Đạo luật cơ sở hạ tầng hướng tới đầu tư cho những khu vực "bất lợi" như Hayneville và các thị trấn xung quanh, như một phần mục tiêu của chính quyền Biden nhằm giảm thiểu tình trạng phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ. Tuy nhiên, các bang lại được trao quyền rất lớn về cách phân bổ ngân sách, cũng như không có cơ chế thực thi mới khi ngân sách được cấp.
Dường như để khắc phục điểm này, ngân sách đầu tư cho hệ thống xả thải đang được chuyển qua một chương trình cho vay sẵn có. Theo luật mới, các chính quyền địa phương có nguồn thu không đáng kể từ thuế sẽ không phải trả lại khoản vay. Quốc hội cũng giảm mức đóng góp được yêu cầu của bang trong các dự án hạ tầng xả thải từ 20% xuống 10%.
"Nhiều người biết rằng đạo luật không chỉ nhằm giải quyết vấn đề về hệ thống nước uống, mà hệ thống xả thải cũng quan trọng tương đương", thượng nghị sĩ bang Illinois Tammy Duckworth cho hay. Bà đã tham gia soạn thảo các điều khoản đạo luật sau khi hỗ trợ Cahokia Heights và Cairo, hai thành phố nhỏ ở Illinois, nâng cấp hệ thống cống hỏng từng khiến các khu dân cư tràn ngập nước thải.
Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA), đơn vị quản lý chương trình cho vay, hồi tháng 11/2021 cho biết đợt tài trợ đầu tiên cho các dự án nước uống và nước thải, trị giá 7,4 tỷ USD, sẽ được trao cho các bang trong năm nay, với khoảng 137 triệu USD dành cho Alabama.
Giới chức chính quyền Biden tin rằng quy mô khoản ngân sách mới đủ để đảm bảo chia sẻ công bằng cho các cộng đồng nghèo. "Chúng tôi muốn thay đổi cách hợp tác giữa EPA và các bang, nhằm đảm bảo những cộng đồng đã chịu đựng quá lâu được tiếp cận nguồn lực tài chính mới", Zachary Schafer, quan chức EPA giám sát triển khai chương trình, cho biết.
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi lớn vẫn chưa được giải đáp, như những hộ gia đình không được tiếp cận với hệ thống thu gom nước thải có thể tự bỏ tiền ra để làm điều này hay không, trong khi bộ hướng dẫn dự kiến đến cuối năm nay mới hoàn thành.
Một nghiên cứu năm ngoái của Trung tâm Đổi mới Chính sách Môi trường và Đại học Michigan cho thấy nhiều bang ít có khả năng sử dụng các quỹ cho vay quay vòng hỗ trợ những cộng đồng nghèo thuộc nhóm thiểu số.
Theo các báo cáo thường niên của chương trình do EPA quản lý, quỹ cho vay quay vòng tại Alabama vài năm gần đây đầu tư cho rất ít dự án ở những cộng đồng này, ngoài một dự án nâng cấp hệ thống nước thải lớn tại thành phố Selma.
Bình luận viên Thrush đánh giá Alabama không có khả năng phân bổ xong khoản ngân sách nâng cấp hệ thống xử lý nước thải cho đến cuối năm nay. Nghị viện bang tới giờ vẫn thảo luận với Thống đốc Kay Ivey về cách sử dụng hàng chục triệu USD được phân bổ từ gói kích cầu trị giá 1,9 nghìn tỷ USD mà Biden thông qua hồi tháng 3/2021.
Suốt những năm qua, chính quyền bang Alabama cũng hành động rất ít để tự giải quyết vấn đề. Hồi tháng 11/2021, bộ phận dân quyền thuộc Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra cáo buộc chính quyền Alabama đã phân biệt đối xử cư dân da màu tại hạt Lowndes, nơi thị trấn Hayneville tọa lạc, khi ban hành những chính sách hạn chế họ tiếp cận hệ thống vệ sinh phù hợp.
Một trong những nỗ lực đáng chú ý nhất gần đây không đến từ chính quyền, mà là sáng kiến đơn lẻ của một quan chức tên Sherry Bradley. Bà tạo ra một dự án nhằm xây dựng hơn 100 hệ thống tự hoại hiện đại ở Lowndes, sau khi huy động được 2 triệu USD từ Bộ Nông nghiệp Mỹ và 400.000 USD tại bang. Những dự án khác cũng mang tính tự phát như vậy, thay vì kết nối với kế hoạch lớn hơn để giải quyết vấn đề một cách có hệ thống.
Chính quyền Biden kỳ vọng đạo luật cơ sở hạ tầng sẽ giúp thay đổi động lực đó. Những nỗ lực tạo ra cách tiếp cận toàn diện hơn đang được tiến hành, mặc dù rất chậm chạp. Hạ nghị sĩ bang Alabama Terri Sewell, người đại diện cho một khu vực đa số là người da màu, đã bắt đầu liên hệ với giới chức địa phương để soạn danh sách những dự án cần ưu tiên.
Bất chấp những dấu hiệu tích cực, cảm giác hoài nghi và bi quan đã ăn sâu bám rễ vẫn tồn tại trong lòng cư dân địa phương. Catherine Coleman Flowers, tác giả cuốn sách "Chất thải" về cuộc khủng hoảng điều kiện vệ sinh ở hạt Lowndes, không chắc những chính sách do bang phê duyệt sẽ được thực hiện hiệu quả. Vì vậy, bà đang thúc đẩy giới chức và các lãnh đạo cộng đồng yêu cầu gia hạn thời gian bảo hành với mọi dự án xử lý nước thải và nước mưa.
"Tôi nghĩ điều kiện sống như thế gây ra ảnh hưởng tâm lý sâu sắc đến người dân nơi đây, khiến họ cảm thấy bị bỏ lại và coi thường, giống như lỗi là ở họ vậy", Flowers nêu ý kiến.
Mặc dù những đường ống thẳng xả thải trực tiếp ra môi trường xuất hiện khắp khu vực, Rudolph là một trong số ít cư dân sẵn sàng đề cập về vấn đề. Người phụ nữ 60 tuổi cho biết quan trọng là mọi người cần thấy bà đã vô cùng cố gắng giữ đường ống sạch sẽ, không bị tắc nghẽn. Bà cũng muốn những người ngoài cuộc thấu hiểu nỗi cay đắng.
"Chúng tôi không thể bỏ giấy vệ sinh vào bồn cầu như những người khác. Chúng tôi phải bỏ vào thùng rác", Rudolph nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)