Việc phát triển thành công một số loại vaccine hiệu quả ngừa Covid-19 trong vòng chưa đầy một năm thực sự là một kỳ tích của nhân loại. Tuy nhiên, thông báo tuần trước của cơ quan quản lý dược phẩm Liên minh châu Âu và Anh về nguy cơ đông máu của vaccine AstraZeneca là thông tin đáng thất vọng giữa đại dịch.
Thất vọng không chỉ bởi các nước phát triển như ở Tây Âu đã đặt hàng số lượng lớn vaccine AstraZeneca để tìm cách thoát đại dịch, mà bởi nhiều quốc gia đang phát triển cũng dựa vào loại vaccine này để làm điều tương tự.
Thất vọng nối tiếp thất vọng khi cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ đầu tuần này quyết định tạm dừng sử dụng vaccine Johnson & Johnson (J&J) chỉ sau báo cáo về 6 trường hợp đông máu trong gần 7 triệu liều được phân phối, giữa lúc nhiều nước châu Phi đang chuyển hướng sang loại vaccine này. J&J cũng quyết định dừng triển khai loại vaccine của họ trên khắp châu Âu.
Liên minh châu Phi đã đặt hàng 220 triệu liều vaccine J&J để chia sẻ cho 55 quốc gia trong quý ba năm nay. Đây là loại vaccine mà họ có thể đặt hàng nhiều nhất thông qua chương trình Covax.
Dù mối liên quan giữa tình trạng đông máu và vaccine J&J chưa được chính thức xác nhận, giới chức Mỹ vẫn muốn tạm dừng để tìm hiểu và sử dụng các loại vaccine sẵn có khác, trong khi châu Âu cũng chờ đợi kết quả kiểm tra.
Tuy nhiên, phần lớn các nước nghèo không có lựa chọn "xa xỉ" đó. Các loại vaccine công nghệ mRNA, như Pfizer hay Moderna đang được sử dụng rộng rãi ở Mỹ, thường đắt gấp ba, bốn lần so với AstraZeneca, hay vaccine một mũi tiêm J&J.
Nhiều nước đang phát triển phải đợi lâu hơn rất nhiều so với nước giàu để được tiếp cận vaccine. Trong giai đoạn đầu phát triển, vaccine mRNA có yêu cầu bảo quản cao hơn, mà hầu hết những quốc gia này không thể đáp ứng nếu không mua trang thiết bị đắt tiền mới. Những yêu cầu này đang được cải thiện, nhưng điều đó có nghĩa trong vài tháng qua, phần lớn nước nghèo chỉ tập trung đặt hàng AstraZeneca hoặc J&J.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết không có ý định ngừng triển khai các loại vaccine này bởi các trường hợp đông máu là rất hiếm gặp.
"Đối với vaccine Covid-19, lợi ích vượt trội hơn nguy cơ biến chứng", Benjamin Djoudalbaye,người phụ trách cơ quan Chính sách, Ngoại giao Y tế và Truyền thông tại CDC châu Phi, nói.
Nhưng bức tranh đối lập giữa nước giàu và nước nghèo được khắc họa rõ nét hơn thế. Anh cho biết dù dữ liệu chỉ ra lợi ích của vaccine lớn hơn nhiều so với rủi ro, họ không nhất thiết phải tiếp tục sử dụng vaccine này cho mọi lứa tuổi trong mọi hoàn cảnh. Tuần trước, cơ quan quản lý dược phẩm Anh khuyến nghị người dưới 30 tuổi nên sử dụng loại vaccine khác thay thế AstraZeneca, cho rằng nhóm tuổi này có nguy cơ bị ảnh hưởng cao hơn.
Nhiều quốc gia châu Âu khác và Australia cũng thông báo chỉ sử dụng vaccine này cho người cao tuổi. Đan Mạch thậm chí thông báo ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca hoàn toàn cho chương trình tiêm chủng, bởi đã có đủ các loại vaccine khác để thay thế.
Song châu Phi khó có thể làm điều tương tự. Lục địa này đã bị bỏ lại rất xa trong chiến dịch triển khai vaccine và phần lớn phải phụ thuộc vào dự án chia sẻ vaccine Covax để được giảm giá hoặc tặng miễn phí AstraZeneca. Mục tiêu phân phối tiếp theo của Covax là vaccine J&J. Chương trình do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn hy vọng có thể cung cấp cho châu Phi khoảng 600 triệu liều vaccine trước cuối năm nay.
Cho tới nay, Covax đã phân phối 17,4 triệu liều vaccine cho 36 nước châu Phi, trong đó có hơn 17 triệu liều AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất và khoảng 200.000 liều vaccine Pfizer, theo dữ liệu của WHO. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết số lượng vaccine của châu Phi chỉ chiếm 2% so với toàn cầu, trong khi nhiều nước ở lục địa này đã "cạn" nguồn vaccine.
Trong khi đó, các nước khác như Mỹ và Anh đang đi trước với chương trình vaccine riêng và chia sẻ rất ít với quốc gia khác. Mỹ đã chia sẻ một lượng nhỏ vaccine AstraZeneca, loại chưa được cấp phép sử dụng ở Mỹ, cho hai nước láng giềng Mexico và Canada, nhưng sẽ không chia sẻ rộng rãi cho tới khi nguồn cung của họ được đảm bảo. Báo cáo của Đại học Duke ngày 15/4 ước tính Mỹ thừa khoảng 300 triệu liều vaccine tính tới cuối tháng 7.
"Tiếp cận vaccine công bằng phải trở thành hiện thực nếu chúng ta muốn chung tay đẩy lùi đại dịch", Matshidiso Moeti, giám đốc WHO khu vực châu Phi, nói tuần trước.
Kingsley Douglas, cố vấn sức khỏe cộng đồng người Nigeria, cho biết xu hướng "bảo hộ" của các nước phát triển đã cản trở toàn cầu đạt được kết quả tích cực về triển khai vaccine.
"Các nước phương Tây đang hướng tới công dân của họ trước. Tôi không chê trách họ vì đã theo chủ nghĩa bảo hộ. Nhưng việc tiêm chủng đại trà cho dân số toàn cầu để chống lại Covid-19 mang lại lợi ích của tất cả mọi người. Vaccine nên được phân phối đồng đều và công bằng", Douglas nói.
Một số nước châu Phi cũng bắt đầu tìm nguồn cung vaccine Covid-19 từ những nhà tài trợ toàn cầu. Cuối tuần qua, Bộ Y tế Cameroon cho biết đã nhận 200.000 liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc, lô vaccine đầu tiên mà quốc gia này có được cho đến nay.
Trung Quốc cũng tặng hàng trăm nghìn liều vaccine Sinopharm cho Zimbabwe và chính phủ này cam kết mua thêm hơn một triệu liều. Zimbabwe hy vọng có thể tiêm chủng 60% trong tổng số 14 triệu dân nước này. Bộ Y tế Zimbabwe cho biết hơn 231.000 người đã được tiêm chủng tính đến ngày 14/4.
Một quan chức y tế Trung Quốc cuối tuần qua thừa nhận vaccine của nước này không đạt hiệu quả cao và Bắc Kinh đang xem xét mua các loại vaccine mới dựa trên công nghệ mRNA, như Pfizer và Moderna.
Samuel Matsikure, một cư dân ở thủ đô Harare của Zimbabwe, cho biết thấy nhiều người trẻ hoài nghi về vaccine Trung Quốc. "Nhiều người sợ tiêm chủng. Họ không tin tưởng vaccine Trung Quốc, một phần bởi hiệu quả thấp và không phổ biến như các loại khác", Matsikure nói.
Anh hy vọng Zimbabwe sẽ mua được nhiều vaccine hơn để có thể nới lỏng nhiều biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt ở nước này.
Tương tự châu Phi, nhiều quốc gia đang phát triển ở Mỹ Latinh và châu Á cũng phải phụ thuộc phần lớn vào vaccine AstraZeneca, thông qua chương trình Covax. Brazil đã nhận được hơn một triệu liều AstraZeneca và giữa lúc số ca nhiễm mới tăng mạnh, việc hạn chế sử dụng vaccine này là điều khó xảy ra.
"Hiện tượng đông máu đáng lo ngại. Nhưng tôi không nghĩ số lượng ca đông máu đủ lớn để đưa ra quyết định ngừng sử dụng vaccine", Sergio Litewka, người chuyên nghiên cứu về Mỹ Latinh tại Đại học Miami, nói.
Ông cho biết các nước ở Mỹ Latinh đơn giản không thể có lựa chọn khác để từ bỏ AstraZeneca và J&J. "Đan Mạch đã nói không với AstraZeneca và nhiều quốc gia khác đang cân nhắc nên làm gì với loại vaccine đó. Quyết định tương tự cũng được đưa ra với Johnson & Johnson. Nhưng ở Mỹ Latinh, mọi người có rất ít lựa chọn. Một số thậm chí nói với tôi rằng sẽ chấp nhận rủi ro", Litewka nói.
Thanh Tâm (Theo CNN)