Trong giai đoạn đầu của đại dịch, vaccine Covid-19 do hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển AstraZeneca hợp tác phát triển với Đại học Oxford được đặt kỳ vọng lớn và quảng bá rầm rộ, nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng và công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, những hoài nghi về dữ liệu sai lệch và tình trạng khan hàng khiến việc triển khai loại vaccine này bị đình trệ, trong khi những vaccine Covid-19 khác vượt lên.
Giờ đây, công chúng càng thêm nghi ngờ vaccine của AstraZeneca, liên quan đến các ca đông máu sau khi tiêm ở nhiều nước châu Âu. Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết tính đến ngày 4/4, 169 trường hợp xuất hiện huyết khối tĩnh mạch não sau khi tiêm vaccine AstraZeneca đã được ghi nhận tại khu vực. Dù hiếm gặp, tình trạng này được cho là nguy hiểm.
EMA hôm 7/4 kết luận việc xuất hiện các cục máu đông bất thường kèm theo tiểu cầu trong máu thấp nên được liệt kê là "tác dụng phụ rất hiếm gặp" của vaccine AstraZeneca, nhưng cho rằng các nước nên tiếp tục sử dụng nó vì lợi ích lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, trước khi EMA thông báo, nhiều quốc gia châu Âu đã đưa ra những thay đổi với chương trình tiêm chủng của họ.
Đan Mạch và Na Uy đã tạm ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca, trong khi Italy khuyến cáo chỉ nên tiêm vaccine này cho những người trên 60 tuổi, tương tự động thái gần đây của Tây Ban Nha. Pháp và Bỉ chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho người từ 55 tuổi trở lên, còn Đức chỉ sử dụng cho người trên 60 tuổi và các nhóm ưu tiên cao.
Ngay cả chính phủ Anh, nước từng ca ngợi vai trò của Đại học Oxford trong việc phát triển vaccine, cũng cho biết người trưởng thành dưới 30 tuổi nên được tiêm loại vaccine khác, sau khi cơ quan quản lý dược phẩm Anh MHRA xác định vaccine AstraZeneca có thể có tác dụng phụ liên quan đến chứng đông máu não hiếm gặp.
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy nhiều người châu Âu giờ đây coi vaccine AstraZeneca "không an toàn". Giới chức Romania tuần này cho biết hơn 200.000 người đã hủy hẹn tiêm vaccine AstraZeneca và gần 100.000 người không đến theo lịch hẹn, dù số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày ở nước này đang khá cao.
Tuy nhiên, trong khi châu Âu chùn bước, rất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn mong ngóng vaccine AstraZeneca. Giới quan sát đánh giá tới nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy những vấn đề của hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển sẽ làm giảm nhu cầu tiêm loại vaccine này tại nhiều nơi trên thế giới.
Khác với nhiều loại vaccine Covid-19 khác, vaccine của AstraZeneca khá rẻ và dễ sử dụng. Đặc biệt, nó chiếm phần lớn nguồn cung trong chương trình Covax, sáng kiến phân phối vaccine Covid-19 toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn dắt, nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Theo nghiên cứu công bố tháng trước của chương trình Think Global Health thuộc nhóm cố vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, vaccine AstraZeneca dự kiến chiếm gần 50% nguồn cung vaccine toàn cầu tại các quốc gia thu nhập trung bình thấp, và chiếm 1/3 nguồn cung ở những nước thu nhập thấp.
Mặc dù vậy, tình trạng kiểm soát xuất khẩu đang trở thành thách thức lớn. Do số ca nhiễm nCoV tăng đột biến tháng trước, chính phủ Ấn Độ, quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới và đã tài trợ hàng cho những nước láng giềng nghèo hơn, quyết định áp lệnh hạn chế xuất khẩu vaccine. Trong khi đó, Viện Huyết thanh của nước này là đơn vị chủ chốt sản xuất các lô hàng theo hợp đồng với AstraZeneca.
Najwa Mekki, phát ngôn viên Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), tuần trước cho biết Covax tới nay mới nhận được 28 triệu liều vaccine AstraZeneca từ Viện Huyết thanh Ấn Độ, trong tổng số 90 triệu liều mà họ dự kiến nhận trong tháng 3 và tháng 4.
Hoạt động xuất khẩu dự kiến trở lại bình thường trong tháng 5. Tuy nhiên, giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Adar Poonawalla không mấy lạc quan, khi cho rằng việc xuất khẩu có thể sẽ không phục hồi hoàn toàn cho tới tháng 6, nếu đợt bùng phát ở Ấn Độ không được kiềm chế.
"Chúng tôi sẽ phải duy trì nguồn cung cho Ấn Độ, không phải bất cứ nơi nào khác, bởi chúng tôi phải bảo vệ đất nước mình", Poonawalla nói.
John Nkengasong, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, cho biết việc các lô vaccine AstraZeneca bị giao chậm có thể trở thành "thảm họa" đối với lộ trình tiêm chủng của châu lục này. Một số nước khác trên thế giới cũng đối mặt nguy cơ tương tự.
Ấn Độ không phải nước duy nhất hạn chế xuất khẩu vaccine. Australia đã ký hợp đồng nhận 3,8 triệu liều vào tháng 1 và tháng 2. Tuy nhiên, niềm hy vọng của họ tan biến sau khi Ủy ban châu Âu đưa ra các lệnh hạn chế xuất khẩu, buộc Italy phải dừng chuyển lô hàng gồm 250.000 liều cho Australia.
Mỹ cũng đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt về xuất khẩu vaccine. Kết quả là hàng chục triệu liều vaccine AstraZeneca chất đống trong các nhà máy Mỹ, dù chúng chưa được nước này cấp phép sử dụng.
Andrea Taylor, nhà nghiên cứu tại Đại học Duke của Mỹ, giải thích rằng một lý do khiến lệnh kiểm soát xuất khẩu của Ấn Độ có ảnh hưởng lớn đến vậy là bởi quyết định của New Delhi được đưa ra quá đột ngột. Trong khi đó, Mỹ ngay từ đầu đã nói rõ rằng họ sẽ ưu tiên đảm bảo nguồn vaccine trong nước.
"Mỹ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thế giới tiếp cận vaccine, nhưng họ chưa bao giờ lên kế hoạch đó, ít nhất là không phải trong năm 2021. Đó là vì xuất phát điểm của họ mang tính dân tộc hơn là toàn cầu", Taylor nêu ý kiến.
Với chương trình tiêm chủng Mỹ được cho là đang trơn tru dù chưa phê duyệt vaccine AstraZeneca, tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden, tuần trước cho biết "vẫn chưa rõ" liệu họ có cần loại vaccine này nữa hay không.
Tuy nhiên, với phần còn lại của thế giới, vaccine AstraZeneca có lẽ vẫn là niềm khao khát, tồn tại song song với tâm trạng nơm nớp về mức độ an toàn.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)