Cơ quan quản lý Anh và cơ quan y tế Liên minh châu Âu (EU) giữa tuần trước xác định đông máu là tác dụng phụ rất hiếm của vaccine AstraZeneca. Hôm 13/4, Johnson & Johnson thông báo dừng triển khai vaccine ở châu Âu và Mỹ vì những lo ngại tương tự, tiếp tục đặt ra chướng ngại vật cho chiến dịch tiêm chủng của châu Âu.
Các quan chức châu Âu vốn tự tin rằng họ đã đảm bảo đủ liều vaccine thay thế cho AstraZeneca và sẽ đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số trưởng thành của EU, tức khoảng 255 triệu người, vào cuối mùa hè. Ngày 13/4, họ chưa cho biết liệu mục tiêu này có lung lay sau khi dừng tiêm vaccine Johnson & Johnson hay không.
EU đặt hy vọng vào ít nhất 300 triệu liều dự kiến được chuyển đến trong ba tháng tới, 2/3 trong số đó từ Pfizer, công ty thường giao hàng đúng hạn.
Rắc rối với hai loại vaccine đang phủ bóng lên chiến dịch tiêm chủng của EU, vào thời điểm họ đang tăng tốc sau nhiều tháng nguồn cung thiếu hụt và gặp các vấn đề hậu cần. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những lo ngại đang làm xói mòn niềm tin của người dân với vaccine.
Toàn EU vẫn tiêm vaccine AstraZeneca cho người cao tuổi, nhưng một số quốc gia lại có những quy định khác nhau khi sử dụng nó cho người trẻ hơn. Anh khuyến nghị không tiêm vaccine AstraZeneca cho người từ 30 tuổi trở xuống, ở Pháp và Bỉ là 55, trong khi ở Đức, Italy và Tây Ban Nha là 60. Các quốc gia khác như Na Uy và Đan Mạch không sử dụng vaccine AstraZeneca.
Điều này trái ngược với những khuyến nghị ban đầu khi vaccine AstraZeneca mới được triển khai. Một số quốc gia châu Âu khi đó không cho phép tiêm vaccine AstraZeneca cho người lớn tuổi vì thiếu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng chứng minh hiệu quả với nhóm này.
Theo một cuộc thăm dò của YouGov được công bố vào tháng trước, 61% người Pháp, 55% người Đức và 52% người Tây Ban Nha coi vaccine AstraZeneca là "không an toàn". Điều đó hoàn toàn trái ngược với kết quả của cuộc thăm dò tương tự hồi tháng hai, khi nhiều người ở các quốc gia đó, ngoại trừ Pháp, tin rằng vaccine an toàn.
Các nhà quản lý đã yêu cầu những người tiêm vaccine và bác sĩ phải đề phòng các triệu chứng nhất định, bao gồm đau đầu dữ dội, dai dẳng và các nốt xuất huyết nhỏ dưới da. Các nhóm bác sĩ đã chia sẻ hướng dẫn về cách điều trị những rối loạn này.
Ở Ba Lan, nơi chiến dịch tiêm chủng chủ yếu dựa vào AstraZeneca và chưa đưa ra hạn chế sử dụng vaccine này, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy nếu được lựa chọn, chưa đến 5% người Ba Lan chọn tiêm AstraZeneca.
Trên khắp EU, nhiều người muốn tìm đến các vaccine thay thế như Moderna và Pfizer. Dữ liệu từ 27 quốc gia EU cho thấy khối đã tiêm được 80% số liều vaccine họ có. Tuy nhiên, tỷ lệ này đối với vaccine AstraZeneca là 65%, cho thấy rằng nhiều liều loại này chưa được sử dụng.
Tuy nhiên, thật khó để dự đoán tác động của những rắc rối xoay quanh vaccine AstraZeneca và Johnson & Johnson với nỗ lực tiêm chủng của EU sẽ lớn đến mức nào, khi các quan chức ở Brussels đã nỗ lực tăng cường nguồn cung trong quý II.
EU dự kiến nhận được ít nhất 300 triệu liều vaccine, gấp ba lần mức họ nhận được trong quý một, gồm 200 triệu liều Pfizer- BioNTech, 35 triệu liều Moderna, 55 triệu liều Johnson & Johnson và 70 triệu liều AstraZeneca. Trong kịch bản lạc quan nhất, EU có thể nhận được lên tới 360 triệu liều vào tháng 6.
Giữa tuần trước, sau khi chính phủ Tây Ban Nha thay đổi giới hạn tuổi tiêm AstraZeneca, 2/3 số người có lịch tiêm phòng ở Madrid đã không tới tiêm theo lịch hẹn, quan chức y tế địa phương Antonio Zapatero cho biết.
Tại Alpes-Maritimes ở miền nam nước Pháp, nơi thường được coi là một trong những quốc gia do dự về vaccine nhất ở châu Âu, các dược sĩ cho biết nhiều người đến tiêm vaccine Covid-19 đã từ chối sau khi biết loại được tiêm là AstraZeneca.
Tại Bỉ, nơi việc sử dụng vaccine AstraZeneca cũng bị hạn chế, giới chức cho rằng chiến dịch tiêm chủng sẽ không chững lại nhiều, nhưng họ vẫn lo ngại về tác dụng phụ đông máu.
Yves Van Laethem, một nhà dịch tễ học hàng đầu là người phát ngôn của tổ chuyên trách chống Covid-19 của Bỉ, dự đoán rắc rối về vaccine khiến chiến dịch tiêm phòng bị đình trệ hai tuần, sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến các nhóm không phải người cao tuổi vào cuối mùa hè.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu đã không đưa ra ý kiến rõ ràng và đó cũng là một phần vấn đề, Van Laethem nói. "Khi bạn nói 'chúng tôi không đưa ra các hạn chế, nhưng chúng tôi xác định rằng vaccine có những tác dụng phụ nghiêm trọng' thì làm vậy vừa có yếu tố khoa học vừa có yếu tố ngoại giao".
Mặc dù EU phân phối cho các nước thành viên nhiều loại vaccine mà khối đã phê duyệt gồm AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna và Pfizer, nhiều quốc gia ban đầu đã từ bỏ phần Pfizer và Moderna được chia vì thích vaccine AstraZeneca hơn, do loại này giá rẻ và không đòi hỏi điều kiện bảo quản nghiêm ngặt.
"Ở Anh hoặc Đông Âu, phần lớn chiến dịch tiêm chủng là dựa vào AstraZeneca", Van Laethem nói.
Các thành viên giàu hơn trong khối như Đan Mạch, Pháp, Đức và Hà Lan có thể bù đắp việc công chúng mất niềm tin vào AstraZeneca, vì họ đã mua thêm vaccine từ nguồn khác, đặc biệt là Pfizer, từ các quốc gia đã từ bỏ nó. Những quốc gia từng "ruồng rẫy" Pfizer, như Bulgaria, Croatia, Latvia và Slovakia, giờ đây ít khả năng nhanh chóng tìm ra giải pháp thay thế.
Van Laethem cho rằng giới chức EU và các nước cần đánh giá tốt hơn lợi và hại của việc dùng AstraZeneca so với các loại khác.
"Điều quan trọng là làm cho mọi người hiểu rằng vấn đề là virus", ông nói. "Chúng ta phải tiêm phòng cho mọi người, nguy cơ liên quan đến Covid-19 cao hơn những tác dụng phụ hiếm gặp từ vaccine".
Phương Vũ (Theo NYTimes)