Bài viết Nghỉ Tết Tây thoải mái, ăn Tết ta mệt mỏi nhận được nhiều quan tâm bình luận của độc giả. Độc giả có nickname haikhang2016 đồng cảm với nhận xét "ăn Tết ta mệt mỏi" của bài viết:
"Nhiều khi về nhà bố mẹ ăn Tết ta mà tôi phát ngán ngẩm và cáu gắt. Làm việc cả năm, tôi chỉ mong mấy ngày nghỉ Tết được thả lỏng, thảnh thơi. Ai dè về nhà suốt ngày cỗ bàn rồi làm cơm nọ cơm kia suốt từ 29 Tết đến ngày hoá vàng.
Nhìn mẹ cứ tất bật quanh quanh vào bữa ăn, sau đó thì cáu bẳn với mọi người vì không làm đúng ý mẹ khi phải chuẩn bị quá nhiều món ăn và các thủ tục, tôi đâm ra thấy rất chán Tết.
Ban đầu lúc chuẩn nghỉ Tết là cảm giác mong chờ, nhưng khi đến rồi thì chỉ thấy mệt mỏi vô cùng, nhất là khi nhà có con mọn thì còn mệt gấp mấy lần. Bây giờ tôi đi làm ăn xa thì lại càng sợ Tết, mỗi lần đi về cả nhà là hụt mất mấy tháng lương tích cóp, tiết kiệm cho tiền vé máy bay, rồi biếu xén gia đình. Sợ Tết".
Tết vui vẻ với người này nhưng cũng là nỗi mệt nhọc của người khác, là chia sẻ của độc giả Ha Le:
"Với nhiều người Tết là những ngày quây quần vui vẻ thì Tết với những người khác là mệt mỏi. Nhiều bạn không đứng vào vị trí của người khác nên đừng nghĩ Tết ai cũng hạnh phúc.
Tôi ở xa quê nội 200 km, Tết là hành trình mệt mỏi, tay xách nách mang. Khi về đến nơi rồi, mọi người lại bảo đẻ hai đứa con gái thì sau này làm gì có Tết, đẻ cố lấy thằng con trai. Xin lỗi tôi đẻ cho mọi người vui à?
Rồi mỗi ngày cúng kiếng, dự tính 3-5 mâm cơm mà có khi chả nhớ nổi mặt những vị khách. Nhiều người bảo truyền thống là phải thế thì những người như tôi chỉ mong 5-10 năm mới Tết một lần".
Độc giả có nickname trantrang17121994 chia sẻ:
"Tôi lớn lên ở Việt Nam nhưng chưa một năm nào tôi hưởng thụ ngày Tết. Tôi mệt mỏi vì cỗ bàn dọn dẹp nấu nướng và tiếp khách, những vị họ hàng tôi cũng chả nhớ nổi tên.
Bây giờ sang nước ngoài sống, tôi có thể về quê vào mùa hè. Ai nói thế nào tôi cũng không muốn về Tết. Ai trách gì thì cũng mặc thôi. Họ nói cho sướng mồm chứ mấy ai là thật sự quan tâm tới cảm nhận của mình. Đời mình mình sống thôi các bạn à".
Độc giả Hồng Sông cho rằng ai cũng nhận ra được gánh nặng và áp lực mà Tết ta mang lại, nhưng ai sẽ là người "giản lược" chúng:
"Nói bao giờ cũng đơn giản, dễ dàng. Ai cũng biết những hủ tục tết (so bì khen chê tiền mừng tuổi, quà cáp, bày vẽ món nọ kia rất vất vả nấu nướng trong bếp núc...) nhiều không tả xiết, nhưng làm sao để bỏ mới là vấn đề.
Bởi vì nhiều người không muốn bỏ, mà muốn khuếch trương. Vì họ cho rằng đó là văn hóa, là truyền thống, nhất là những người hưởng lợi từ hủ tục này. Ai thay đổi được điều này cho xã hội? Riêng tôi, từ lâu tôi đã giản tiện hết những gì có thể, để mà nghỉ ngơi hơn là bày vẽ nhiều cho mệt".
Độc giả DHiền dự đoán, trong vòng 20 năm tới, Tết ta sẽ "phai nhạt" dần:
"Theo tôi nghĩ, hiện nay thế hệ U40 không hiểu biết hay không thích tham gia các phong tục cúng giỗ, cúng Tết này nọ. Nên nghỉ Tết đối với họ chỉ là dịp nghỉ lễ dài ngày, họ về nhà gặp người thân, nghỉ xả hơi hay đi du lịch.
Do đó 10-15 năm tới, khi họ trở thành U50-U60, làm chủ gia đình hay quản lý xã hội thì họ sẽ dễ dàng bỏ các phong tục, hay thay đổi ngày nghỉ như gộp chung với Tết Tây, rút ngắn ngày nghỉ, thêm các ngày nghỉ khác vào các thời điểm khác trong năm...".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.