Dịch bệnh làm nhiều công ty, xí nghiệp ngưng hoạt động và cắt giảm nhân sự. Nhiều người bị mất việc và rơi vào cảnh khó khăn. Nhiều người đặt vấn đề tiền tiết kiệm đâu? Xin thưa là nếu thu nhập mỗi tháng sau khi trừ đi tiền nhà, tiền nuôi con, tiền ăn, tiền gửi về quê phụ giúp gia đình mà có dư, thì họ đã không lâm vào cảnh bi đát như vậy.
Và tôi cũng rất ngạc nhiên khi nhiều người đưa ra lời khuyên với những người thu nhập thấp, làm công nhân ở thành phố là nên về quê để cuộc sống bớt áp lực và khốn khó hơn.
Tuy nhiên theo lẽ thông thường, con người luôn có xu hướng thích nghi với hoàn cảnh và tìm một môi trường sống tốt hơn nơi ở cũ. Cực chẳng đã ở quê không tìm được việc, không có sinh kế thì họ mới chèo gánh gia đình lên Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai tìm việc. Chứ ở quê mà sống được thì họ đã không rời đi làm gì.
Có thể phác hoạ chân dung những người mà tôi tạm gọi là "nghèo phố, khổ quê" như sau:
- Trình độ phổ thông hoặc chưa học hết phổ thông trung học.
- Gia đình ở quê nghèo, cha mẹ nghèo, anh chị em cũng nghèo.
- Ở quê không có đất đai canh tác, hoặc có nhưng ít, lợi nhuận thu về thấp hoặc lỗ sau mỗi mùa vụ.
- Địa phương ít nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.
- Thu nhập hàng tháng đủ xài, tích luỹ không nhiều.
- Ngưng việc là bắt đầu lâm nguy tài chính.
- Chỉ có thể làm việc phổ thông trong nhà máy, việc chân tay kiểu lao động tự do.
- Không có khả năng đa dạng hoá thu nhập.
Những người này bấy lâu nay vẫn làm việc và duy trì cuộc sống gia đình ở mức tương đối. Chỉ đến khi dịch bệnh tràn đến thì mới làm lộ ra những khó khăn của họ mà thôi. Tôi tin là với nhiều người thu nhập ổn còn khó khăn ở thời điểm này, huống gì là họ.
Ngay bây giờ cần đề cao tinh thần nhường cơm sẻ áo, chia sẻ bớt khó khăn, chứ không phải là lúc hỏi vặn "tiền tiết kiệm đâu"? Bởi qua hai năm thu nhập giảm sút vì dịch, tiền tiết kiệm nào cũng phải vơi đi.
Với sự bấp bênh ở trọ, con cái học hành không ổn định... khi tha phương làm việc, tôi nghĩ cốt lõi của vấn đề sau dịch bệnh cần làm là cần dàn trải sự phân bố các nhà máy, khu công nghiệp đồng đều hơn. Tránh một nơi có quá nhiều, một nơi thì quá ít. Nơi quá nhiều thì áp lực về an ninh trật tự, nơi quá ít thì bị nặng gánh an sinh.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.