Năm 2016, trước khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được công bố, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton tưởng chừng đã nắm chắc phần thắng trong tay.
Vào đêm bầu cử, chiến thắng giành cho ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump khiến truyền thông Mỹ hứng cú sốc nặng và không ít người phải đặt câu hỏi "Vì sao các cuộc thăm dò dư luận lại có thể sai lệch đến vậy?".
Giới phân tích chính trị nhận định nguyên nhân một phần bắt nguồn từ việc các nhà thăm dò đã đánh giá thấp số lượng cử tri giấu mặt của Trump. Cử tri giấu mặt được xác định là những người đã quyết định ủng hộ cho Trump nhưng không lên tiếng.
Tại Mooresville, bang Bắc Carolina, bà nội trợ Tiffany Blythe cho biết cô cùng rất nhiều người sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống Trump vào tháng 11, nhưng họ không muốn nói về điều đó vì ái ngại. Và chính sự do dự này là lý do Blythe không tin tưởng vào các cuộc thăm dò đang dự báo rằng Tổng thống Trump sẽ thất cử.
"Tôi không tin", cô nói. "Có rất nhiều cử tri âm thầm ủng hộ và nhiều người sẽ xuất hiện ngay trước ngày bầu cử. Tôi nghĩ không ít bang đang chuyển từ xanh (ủng hộ đảng Dân chủ) sang đỏ (ủng hộ đảng Cộng hòa) nhưng truyền thông không đưa tin mà thôi".
Hồi tháng 8, Tổng thống Trump cũng tuyên bố rằng ông "có một lượng lớn người ủng hộ thầm lặng mà không ai biết đến".
Các cử tri "giấu mặt" đã giúp Trump lật ngược tình thế năm 2016, vậy nên không ít người tin rằng một cơn sóng ngầm khác có thể ập đến và giúp ông một lần nữa lập kỳ tích trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Chris là một cử tri đăng ký thuộc đảng Dân chủ, ngoài 50 tuổi, sống ở Manhattan. Bà có học thức, thường xuyên đi công tác và luôn cập nhật thông tin. Bà từng bầu cho các ứng viên tổng thống ở cả hai đảng và đã rất ủng hộ ứng viên Bernie Sanders hồi năm 2016.
Trả lời phỏng vấn báo New York Times hồi cuối tháng 9, Chris yêu cầu giấu tên vì không muốn mọi người xung quanh biết bà định bầu cho Tổng thống Trump. Chris còn là một người đồng tính và bà cho rằng việc tiết lộ mình ủng hộ Trump không khác gì "công khai giới tính một lần nữa".
Chris cho biết trong số những lý do bà ủng hộ Tổng thống Trump, đầu tiên phải kể đến kinh tế.
"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy quỹ hưu trí 401(k) của mình tăng trưởng ở mức hai con số từ thời Internet bùng nổ cuối những năm 90. Vậy mà nó đã tăng 19,6% vào năm ngoái, trước khi Covid-19 bùng phát", bà nói. "Hãy nhìn vào thị trường chứng khoán. Hãy nhìn vào giá dầu".
"Đây là những thứ diễn ra mỗi ngày ảnh hưởng tới tôi", bà cho biết thêm. "Tôi không quan tâm đến Afghanistan hay Trung Đông. Tôi quan tâm đến chuyện có việc làm. Tôi quan tâm đến chuyện có bảo hiểm ở công ty. Tôi từng thất nghiệp vài năm trước. Tôi không đủ sức tham gia chương trình bảo hiểm Obamacare. Thu nhập của tôi chỉ khoảng 560 USD/tháng".
Yếu tố thứ hai tác động tới Chris là Covid-19. "Tổng thống Trump có hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh không ư? Câu trả lời là có", bà nói. "Nhưng khi dịch mới bùng lên, truyền thông cảnh báo rằng sẽ có hàng triệu người chết. Nhưng nay, số người chết mới chỉ hơn 200.000. Hãy so sánh nó với quy mô dân số".
Một biến số mà các chuyên gia thăm dò dư luận đang phải chật vật xử lý là xác định xem môi trường chính trị phân cực đang ảnh hưởng tới tính chính xác trong công việc của họ như thế nào. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những người bảo thủ cảm thấy lo sợ về việc họ trở thành mục tiêu công kích khi bày tỏ trung thực về niềm tin chính trị của mình hơn những người ôn hòa và tự do.
Trong cuộc thăm dò do Cato Institute thực hiện hồi tháng 7, 77% người theo chủ nghĩa bảo thủ nói họ cảm thấy không thể chia sẻ quan điểm chính trị của bản thân bởi những người khác có thể thấy điều đó là xúc phạm. Tỷ lệ này trong cuộc thăm dò hồi năm 2017 là 70%. Trong số những người theo chủ nghĩa tự do, 52% bày tỏ nỗi lo tương tự, so với 45% ba năm trước. Trong số những người theo chủ nghĩa ôn hòa, tỷ lệ là 64% so với 57%.
Robert Cahaly, người tổ chức các cuộc thăm dò của Trafalgar Group, hôm 20/10 cho rằng Trump có thể giành chiến thắng với tối thiểu 270 phiếu đại cử tri và thậm chí có thể cao hơn đáng kể dựa trên mức độ lớn của những "cử tri thầm lặng".
Trafalgar Group, có trụ sở tại Georgia, đã thu hút sự chú ý của cả nước vào năm 2016 khi là một trong số ít nhóm thăm dò cho thấy Trump dẫn đầu ở các bang chiến trường Pennsylvania, Florida và Michigan trước ngày bỏ phiếu. Thực tế, Trump đã chiến thắng ở cả ba bang này và đánh bại đối thủ Hillary Clinton.
Các cuộc phỏng vấn với những cử tri như bà nội trợ Blythe ở Mooresville cho thấy mối lo âu ngày càng tăng về tình trạng quyền tự do biểu đạt quan điểm chính trị đang bị chính trị hóa cao độ. "Tôi thấy đảng Dân chủ không bảo vệ các quyền tự do của chúng tôi, trong đó có cả quyền tự do ngôn luận", bà nói.
Tuy nhiên, Geoff Garin, một nhà thăm dò dư luận đảng Dân chủ, cho rằng việc Trump bị đánh giá thấp trong các cuộc thăm dò không bắt nguồn từ sai sót trong phương pháp thực hiện, mà bởi Tổng thống không có khả năng mở rộng nhóm cử tri ủng hộ mình.
"Vấn đề tồn tại ở chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump không phải từ các cử tri giấu mặt, mà xuất phát từ những cử tri đang biến mất", Garin cho hay. "Số cử tri ủng hộ Trump biến mất chắc chắn nhiều hơn số người im lặng".
Vũ Hoàng (Theo NYTimes, Boston Herald)