Ở nửa đầu tiên, kéo dài tới tháng 3 năm nay, kinh tế Mỹ đạt được nhiều cột mốc lịch sử về việc làm, thu nhập và giá cổ phiếu. Dù vẫn còn nhiều tranh cãi về việc Mỹ đã trải qua một thời kỳ kinh tế khởi sắc nhất từ trước tới nay như lời Tổng thống Donald Trump khẳng định, không thể phủ nhận một thực tế là nó đã trở nên tốt hơn đối với hàng triệu người dân Mỹ.
Nửa thứ hai, bắt đầu sau khi Covid-19 tấn công Mỹ, là giai đoạn tồi tệ mà Tổng thống Trump chắc chắn không muốn nhắc tới. Nó khiến tỷ lệ thất nghiệp lên đến mức cao chưa từng thấy trong thời kỳ hậu suy thoái, trước khi hồi phục trở lại, nhưng chỉ một phần.
Hai mảng màu khác biệt của bức tranh kinh tế Mỹ sẽ là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới các cử tri trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 11. Sự thật phũ phàng mà Tổng thống Trump phải đối mặt hiện nay là rất nhiều thành tựu của ông trong giai đoạn kinh tế đầu tiên đang bị những tín hiệu xấu ở giai đoạn thứ hai làm lu mờ.
Vài tuần sau khi Trump đắc cử tổng thống hồi năm 2016, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nhóm họp để cập nhật những triển vọng kinh tế và kế hoạch lãi suất. Các quan chức Fed và những nhà dự báo bên ngoài hội đồng cùng đồng thuận cho rằng tỷ lệ thất nghiệp, lúc bấy giờ đứng ở ngưỡng 4,7%, sẽ giảm nhẹ xuống còn 4,5% và không thay đổi đáng kể.
Nhưng thay vào đó, đến cuối năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 3,5%. Một phần nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp thấp bắt nguồn từ các biện pháp kích thích tài chính trong năm 2017 và 2018 của Tổng thống Trump. Đầu tiên là chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, sau đó là một đạo luật vào tháng 2/2018 đặt lại giới hạn chi tiêu theo mức mà đảng Cộng hòa đã yêu cầu dưới thời tổng thống Barack Obama.
"Tôi vẫn nhớ lúc bấy giờ tôi đã nghĩ rằng điều cuối cùng nền kinh tế cần là cắt giảm thuế và các biện pháp kích thích tài khóa", Janet Yellen, thống đốc Fed trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của Trump, cho hay.
Các quan chức Fed lo lắng rằng nền kinh tế có thể phát triển quá nóng và thúc đẩy lạm phát. Trong trường hợp này, lạm phát đã tăng lên mức mục tiêu 2% của Fed vào năm 2018 sau đó giảm xuống. Các xu hướng lâu dài, bao gồm toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ, đã giúp lạm phát được kiểm soát thông qua hạn chế chi phí sản xuất.
Tỷ lệ thất nghiệp thấp tạo ra nhiều lợi ích. Lương tăng và cơ hội việc làm cho lao động tay nghề thấp cũng tăng. Người khuyết tật hoặc người có tiền án tiền sự lần đầu tiên sau nhiều năm được các chủ doanh nghiệp săn đón. Các công ty chuyển sang đẩy mạnh đào tạo nội bộ để trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết.
"Rất khó đạt được những điều đó nếu các công ty không nhận thấy việc thuê nhân viên là rất khó khăn", Yellen nói.
Khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, Tổng thống Trump đã lên án Fed, chỉ trích Jerome Powell, người mà ông chọn để thay thế cựu thống đốc Yellen, vì đã tăng lãi suất.
Fed đã đảo ngược việc tăng lãi suất sau khi chứng kiến lạm phát giảm. Sau đó, khi Covid-19 tấn công, Fed cắt giảm lãi suất và đưa ra các chương trình nhằm đổ tiền vào hệ thống tài chính.
Thiết hại kinh tế do những biện pháp cách biệt cộng đồng và đóng cửa các bang đã xô đổ những thành quả mà Tổng thống Trump đạt được trong ba năm đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 4/2020 tăng lên đến 14,7%.
Đến tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp một lần nữa giảm nhanh hơn so với mức mà Fed kỳ vọng, đứng ở 7,9%. Mục tiêu phục hồi việc làm của Tổng thống Trump còn rất lâu mới hoàn thành. Tính đến tháng trước, số người thất nghiệp tại Mỹ nhiều hơn 5 triệu người so với thời điểm Trump mới nhậm chức.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ bắt đầu từ giữa năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, được đánh giá là chậm nhất trong lịch sử. Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ thay đổi điều đó. Kế hoạch ngân sách đầu tiên của Trump vào năm 2017 dự đoán nhờ các chính sách do ông ban hành, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ vào năm 2020 sẽ đạt 3%.
Thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế có đi lên nhưng không như kỳ vọng.
Trong giai đoạn tăng trưởng dưới thời Obama, tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm đạt 2,25%. Nó tăng lên 2,5% trong ba năm đầu nhiệm kỳ của Trump, theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ.
Một động lực thúc đẩy tăng trưởng nằm ở chi tiêu chính phủ. Chi tiêu liên bang tăng nhanh hơn dưới thời Trump so với thời Obama và chủ yếu dành cho quốc phòng.
Nếu loại trừ ảnh hưởng của chi tiêu liên bang, GDP dưới thời Trump tăng trưởng gần như ngang bằng với thời Obama.
Tuy nhiên, mức tăng thu liên bang lại không theo kịp. Tổng thống Trump từng nói tăng trưởng nhanh hơn sẽ đạt được nhờ sự kết hợp giữa hạn chế tài khóa nhằm đưa chính phủ vào trạng thái cân bằng ngân sách và trả nợ liên bang. Nhưng thay vào đó, thâm hụt ngân sách đã mở rộng trong khi thâm hụt trong quá khứ thường có xu hướng giảm.
Biện pháp cắt giảm thuế của Trump và nỗ lực giảm thiểu các quy định chính phủ nhằm thúc đẩy đầu tư kinh doanh ở khu vực kinh tế tư nhân và tăng năng suất lao động, qua đó tạo đà tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trong dài hạn.
Trước Covid-19, điều này không thực sự diễn ra một cách quá rõ ràng. Năng suất lao động tăng nhưng không đạt đến mức cao như trong những năm 1960, cuối những năm 1990 hay đầu những năm 2000.
Đầu tư kinh doanh cũng đi theo con đường lắt léo, tăng lên nhờ biện pháp cắt giảm thuế doanh nghiệp của Tổng thống Trump vào cuối năm 2017 nhưng sau đó chậm lại khi ông thách thức các đối thủ thương mại bằng hàng rào thuế quan. Nhìn chung, tốc độ đầu tư kinh doanh dưới thời Trump chậm hơn ít nhiều so với thời kỳ Obama.
Giai đoạn tỷ lệ thất nghiệp thấp trước đại dịch tạo ra quãng nghỉ quan trọng khi mà lương cao và cơ hội việc làm đa dạng hơn thu hút nhiều lao động mới vào nền kinh tế. Covid-19 đã đảo ngược những kết quả này. Mùa xuân vừa qua, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm hoặc đang tìm kiếm việc làm đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1970.
Tăng trưởng trở nên ì ạch khi các bang đóng cửa nền kinh tế địa phương rồi sau đó mở cửa trở lại ở tốc độ không giống nhau. Hầu hết các chuyên gia kinh tế khu vực tư nhân được Wall Street Journal khảo sát trong tháng này đều nhận định rằng cỗ máy kinh tế Mỹ sẽ không thể hoạt động trơn tru trở lại cho tới cuối năm 2021 hoặc thậm chí muộn hơn.
Trong ba năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của Trump, thu nhập trung bình của các hộ gia đình Mỹ tăng, bất bình đẳng giảm và tỷ lệ nghèo trong cộng đồng người da màu giảm xuống dưới 20%, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II. Tỷ lệ thất nghiệp của người da màu xuống dưới 6%, lần đầu tiên kể từ năm 1972.
Tổng thống Trump và các phụ tá coi những tín hiệu phát triển này là một các thành tựu lớn nhất của ông. "Chúng tôi đã thúc đẩy đáng kể mức sống", cố vấn kinh tế Nhà Trắng Lawrence Kudlow nói. "Những người giàu đã làm tốt nhưng những người không giàu còn làm tốt hơn. Dù bạn yêu thích ông ấy hay không thì đây đều là những thành tựu kinh tế tuyệt vời".
Thu nhập tăng mạnh nhất vào năm 2019 khi tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp mới.
"Chúng tôi nhận thấy trong ba năm đó, chúng ta đã duy trì được một nền kinh tế với tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn nhiều so với những gì trước đây từng nghĩ", James Stock, giáo sư Harvard nghiên cứu về chu kỳ kinh doanh, cố vấn kinh tế Nhà Trắng dưới thời Obama, cho hay.
Như nhiều quản lý khác của hãng hàng không United Airlines, Leroy Johnson, 33 tuổi, bị cắt lương 20% sau khi dịch bệnh ập tới và thời kỳ tăng trưởng chấm dứt. Johnson thoát được cơn bão sa thải hồi tháng 6 và hay tin rằng công ty có thể sẽ thăng chức cho anh lên vai trò quản lý cấp cao với mức lương 6 con số.
Nhưng rất nhiều người khác không may mắn như Johnson. Những nhóm lao động thiểu số và tay nghề thấp bị ảnh hưởng đầu tiên khi kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh, các công ty đua nhau sa thải nhân viên.
Tỷ lệ thất nghiệp của người da màu hồi tháng 9 là 12,1%, xô đổ mọi kết quả tích cực đạt được từ năm 2014 đến nay. Tỷ lệ thất nghiệp đối với học sinh tốt nghiệp trung học không có bằng đại học là 9%, xóa bỏ những thành tựu đạt được từ năm 2011.
Các chính sách thương mại của Tổng thống Trump, đáng chú ý nhất là chính sách thuế quan đối với hàng nhập khẩu, chủ yếu nhằm mục tiêu bảo vệ các ngành cổ cồn xanh (như nông nghiệp, sản xuất, xây dựng, khai khoáng) khỏi bị tổn thương bởi sự cạnh tranh từ Trung Quốc, Mexico và các thị trường lao động có giá nhân công thấp khác.
Nỗ lực hồi sinh phần này của nền kinh tế Mỹ không thể thành công trong một sớm một chiều và thực tế nó đã không diễn ra.
Ngành sản xuất của Mỹ đã sụt giảm 8 triệu việc làm, tương đương hơn một nửa số lao động toàn ngành, từ năm 1979 đến 2009. Việc làm trong lĩnh vực sản xuất bắt đầu tăng nhẹ vào năm 2010 và tiếp tục kéo dài đà tăng này tới thời Tổng thống Trump.
Thế nhưng, khủng hoảng Covid-19 đã đẩy việc làm trong ngành sản xuất xuống mức tương đương những năm 1940.
Các động lực đột phá của công nghệ và thương mại toàn cầu không biến mất trong quá trình tăng trưởng. Trong hai năm qua, mức lương trung bình theo giờ của lao động ngành dịch vụ đã lần đầu tiên vượt qua lao động ngành sản xuất, theo Bộ Lao động Mỹ.
Ngành công nghiệp sản xuất xe đạp mang đến những minh họa rõ nhất về các trở ngại mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt.
Chính quyền Trump áp thuế tới 25% đối với xe đạp và phụ tùng xe đạp nhập khẩu từ Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2018. Tại Waterloo, bang Wisconsin, Trek Bicycle sản xuất những chiếc xe đạp cao cấp tùy chỉnh theo yêu cầu có giá lên đến 4.000 USD.
Việc chuyển hoạt động sản xuất xe đạp cấp thấp hơn từ Trung Quốc về Wisconsin không mang lại nhiều ý nghĩa cho Trek.
"Để sản xuất số lượng lớn, bạn cần các cơ sở cung cấp xung quanh mình. Không ai ở đây làm lốp xe đạp, trục khuỷu hay vành xe", John Burke, giám đốc điều hành Trek, cho hay. "Tất cả những phần đó đều đến từ châu Á".
Sau khi Tổng thống Trump áp thuế xe đạp đối với Trung Quốc, Trek chuyển một số bộ phận sản xuất sang Campuchia.
Xuất khẩu Mỹ tăng chậm lại bắt đầu từ năm 2018 khi Trump đẩy mạnh các cuộc chiến thuế quan. Thâm hụt thương mại Mỹ tăng từ 481 tỷ USD năm 2016 lên 577 tỷ USD năm 2019. Mức thâm hụt ngày càng mở rộng khi Covid-19 tấn công. Xuất khẩu giảm do kinh tế toàn cầu lao đao.
Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại còn tăng do sự bùng nổ nhu cầu của Mỹ đối với các thiết bị điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc và những nơi khác, nhằm phục vụ cho việc học tập và làm việc tại nhà khi đất nước bị phong tỏa vì dịch bệnh.
Trong những năm 1970 và 1980, suy thoái có xu hướng bị làm trầm trọng thêm bởi quyết định tăng lãi suất của Fed nhằm chống lạm phát. Khi lạm phát giảm trong những thập kỷ gần đây, những cú sốc bất ngờ chính là mối đe dọa mới đối với tăng trưởng kinh tế.
Đầu những năm 1990, cuộc xung đột Iraq - Kuwait khiến giá dầu tăng và làm giảm lợi nhuận kinh doanh cũng như sức chi tiêu của các hộ gia đình. Những năm 2000, bong bóng bất động sản vỡ làm tê liệt hệ thống ngân hàng. Năm nay, đại dịch chính là nguyên nhân chính ngáng đường tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, giáo sư Stock từ Đại học Harvard đánh giá quản lý khủng hoảng đã trở thành một thước đo quan trọng để quản lý kinh tế. "Chúng ta cần làm gì đó để tránh những tác nhân gây sốc, những sự việc thực sự tồi tệ như thế", ông nói.
Tổng thống Trump nói ông đã phản ứng quyết liệt trước virus bằng cách hạn chế đi lại từ Trung Quốc, mua máy thở cho các bang và thiết lập một chương trình giải cứu tài chính mạnh mẽ. Tuy nhiên, các đối thủ lại nói ông đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và để phần lớn các bang tự chống chọi với Covid-19.
Phe Cộng hòa nói thống đốc tại các bang do đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát làm tổn thương nền kinh tế vì đóng cửa quá lâu. Phe Dân chủ trong khi đó phản bác rằng nền kinh tế không thể phục hồi nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Một cách để đo lường hiệu quả kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng y tế là so sánh với các quốc gia khác. Về khía cạnh tăng trưởng, Mỹ không phải trường hợp cá biệt.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hầu hết các nền kinh tế lớn đều sụt giảm trong năm nay, ngoại trừ Trung Quốc. Mỹ được dự đoán giảm 4,3%, tương đương mức giảm của toàn cầu.
Về nợ công, Mỹ ước tính sẽ gánh mức nợ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong năm 2020. Nợ liên bang đã tăng 5,6 nghìn tỷ dưới thời Trump.
Số nợ mà Mỹ phải gánh trong đại dịch tạo thêm áp lực dẫn tới suy thoái. Với lãi suất khá thấp như hiện nay, chính phủ vẫn có thể kiểm soát được tình hình. Nhưng theo các nhà kinh tế, rủi ro nằm ở việc mức nợ sẽ cản trở khả năng đầu tư của quốc gia trong tương lai, làm giảm động lực theo đuổi mức tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.
Vũ Hoàng (Theo Wall Street Journal)