Căn hộ rộng 20 m2, đầy đủ tiện nghi, giá rao 10 triệu yên (gần 2 tỷ đồng). So với những căn hộ tương tự cùng khu, nó rẻ hơn rất nhiều bởi ở đây từng xảy ra án mạng. Người Nhật gọi những căn nhà này là "nhà ma ám".
Tại nhiều thành phố lớn, nơi giá nhà đất luôn cao chót vót, nhiều người chọn sống trong "nhà ma ám" bởi giá rẻ. Nhu cầu này cũng tạo ra một thị trường bất động sản chuyên biệt. "Suy cho cùng, nhiều người sợ tốn tiền hơn sợ ma, bởi tiền mới là tối cao", một người kinh doanh bất động sản tại quận Minato cho biết.
Trần Lạc Nghị là du học sinh Trung Quốc mới đến Nhật. Mọi chuyện vẫn ổn cho đến khi cô tình cờ nghe hàng xóm kể ngôi nhà đang thuê từng có người tự tử cách đây vài năm. Kể từ đó, Trần thỉnh thoảng "cảm thấy gió lạnh thổi từ sau gáy". Nữ sinh viên cho biết: "Một lần khi mời bạn bè đến dùng bữa, tôi sắp xếp bộ đồ ăn theo số người, nhưng vẫn đặt thêm một bộ nữa lên bàn". Cô gái này cho rằng, nếu như người chết bất thường, chắc chắn họ vẫn lẩn quất đâu đó.
Theo luật pháp Nhật, khi trong nhà xảy ra những cái chết bất thường, chủ nhà hoặc người trung gian môi giới có nghĩa vụ thông báo cho người mua hoặc người thuê mới. Tuy nhiên, theo báo cáo do Hiệp hội Quản lý Nhà cho thuê Nhật công bố năm 2019, 50% môi giới bất động sản đã không quan tâm vấn đề này.
Để cảnh báo nhiều người sống trong "nhà ma ám" như Trần Lạc Nghị, một người đàn ông tên Teru Oshima đã mở trang web thông báo danh sách "nhà ma ám", tiết lộ chi tiết vị trí và thông tin về những ngôi nhà kiểu này. Theo tính toán của Teru Oshima, dù thuê hay bán, giá các loại nhà này thường giảm 50% cho các vụ giết người, 30% cho vụ tự tử và 10% cho những cái chết cô đơn.
Tosaki Kikuchi, 35 tuổi, làm nghề tự do, đã sống nhiều năm gần nhà ga dọc theo tuyến JR Chuo của Tokyo, nơi nổi tiếng về sự thịnh vượng và giao thông thuận tiện. Anh thuê một căn hộ từng có người treo cổ tự vẫn chỉ với giá 45.000 yên (9 triệu đồng) mỗi tháng, rẻ nửa so với những căn cùng khu. Tháng đầu tiên, Tosaki có chút cẩn trọng, thường giật mình khi nghe tiếng "cạch" phát ra từ trần nhà. Nhưng càng ở lâu, anh thấy chẳng có vấn đề gì xảy ra. Sau khi kết hôn, người đàn ông này cùng vợ sống hạnh phúc tại "nhà ma ám". Chỉ đến khi sinh con, do phòng nhỏ không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của ba người, anh mới tính việc tìm căn rộng hơn.
Theo quan sát của Chisuke Shiraishi, người điều hành công ty bất động sản chuyên bán và cho thuê "nhà ma ám", không chỉ người trẻ nghèo như Tosaki Kikuchi mà cả những người lớn tuổi cũng cho rằng, chẳng có vấn đề gì với nhà kiểu đó. Người đàn ông này nhận thấy tuổi tác của người chọn sống trong "nhà ma ám" không chỉ còn ở giới trẻ. Tất cả cùng chung lý do, giá của loại nhà này chỉ bằng nửa giá thị trường.
Theo một số công ty bất động sản tại Nhật, "nhà ma ám" được chia các cấp từ 1-7 sao tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn. Nhà 6-7 sao là những nơi đã xảy ra nhiều vụ tự sát hay giết người, còn những nơi xuất hiện những cái chết cô đơn (chết không ai biết) được xếp từ 3 sao trở xuống. Ngoài tự tử, giết người, chết do tai nạn, chết cô đơn... còn có một tình huống khác mà ngành bất động sản Nhật gọi với tên NIMBY.
NIMBY, viết tắt của "Not In My Backyard" trong tiếng Anh, dùng để chỉ những nơi không ai muốn xuất hiện gần nhà mình, chẳng hạn như lò thiêu, phố đèn đỏ... nơi được đánh giá là 1 sao.
Ngoài công việc trung gian nhà đất thông thường, những công ty bất động sản chuyên săn "nhà ma ám" cũng phải tìm hiểu chi tiết cái chết bất thường trong những ngôi nhà này. Ngoài ra, các dịch vụ bao gồm làm sạch dấu vết rò rỉ chất lỏng của tử thi, khử mùi đặc biệt... đòi hỏi có chất tẩy rửa chuyên biệt để hoàn thành.
Tất cả đều được tân trang, làm mới rất chuyên nghiệp.
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu cơ bản Nikkei năm 2014, có khoảng 26.000 cái chết cô đơn ở Nhật mỗi năm. Đặc biệt khi Covid-19 bùng phát, số vụ tự tử ở nước này năm 2020 đã đạt con số 21.081, cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Áp lực về tinh thần và kinh tế do đại dịch gây ra được coi là nguyên nhân chính.
Sự ra đi của nhiều người cô đơn đã hình thành thêm những "nhà ma ám" ở đất nước này. Năm 2013, điều tra thống kê Nhà và Đất cho thấy có khoảng 8,2 triệu ngôi nhà bỏ trống ở Nhật Bản, chiếm 13,5%. Viện nghiên cứu nổi tiếng Nomura Research Institute ước tính đến năm 2033, tổng số nhà ở Nhật Bản là 71,26 triệu căn, trong đó gần một phần ba là nhà trống.
Theo Koji Hanahara, một người chuyên về mảng bất động sản "nhà ma ám", những năm gần đây truyền thông đã làm tăng sự chú ý và làm thay đổi hiện trạng của những ngôi nhà vốn bị xã hội lãng quên. Đặc biệt khi dân số già ngày càng tăng, vấn đề nhà trống tại Nhật sẽ càng trở nên nghiêm trọng ở tương lai.
"Mặc dù điều này không đủ để nhiều người chấp nhận nhà ma ám, nhưng ít nhất nó không còn quá đặc biệt nữa", Koji Hanahara nói. Cũng theo vị này, "nhà ma ám" trong tương lai thậm chí sẽ trở thành một phương án có thể được lựa chọn trên thị trường, thúc đẩy sử dụng hiệu quả bất động sản bỏ trống.
"Quảng bá nhà ma ám dường như là cách tốt để giảm bớt những ngôi nhà bỏ trống", ông nói.
Vy Trang (Theo qq)